Hội thảo Phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu
Với mục tiêu công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, thảo luận về các cách thức và giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề ưu tiên về phát triển nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, hướng đến các mục tiêu của phát triển bền vững, vào chiều ngày 24/10/2020, Khoa Kinh tế Phát triển (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) phối hợp với Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Trung tâm Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”.
Các chủ đề chính của hội thảo lần này, bao gồm: Phân tích dữ liệu kinh tế và chính sách phát triển, Chính sách công và phát triển, Quản lý kinh tế và kinh doanh, Kinh tế bất động sản, kinh tế du lịch và kinh doanh lữ hành, Kinh tế tài nguyên và môi trường, Kinh tế học phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ThS. Nguyễn Đức Lâm - Phó trưởng Phòng NCKH&HTPT, Trường ĐHKT bày tỏ sự vui mừng khi ngày hôm nay rất đông các diễn giả, các chuyên gia, các giảng viên và sinh viên đã tới tham dự hội thảo. Hội thảo kỳ vọng sẽ là diễn đàn giao lưu, trao đổi học thuật cho các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, học giả, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, giảng viên, sinh viên của các trường đại học, viện nghiên cứu, bộ ban ngành trong về các lĩnh vực kinh tế và quản lý.
Hội thảo lần này có tổng cộng 7 bài trình bày, chia làm 2 phiên.
TS. Cao Ngọc Lân - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ
Tại phiên 1 của hội thảo, TS. Cao Ngọc Lân (Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với hoạch định chính sách phát triển kinh tế vùng ở Việt Nam thời kỳ 2021-2030. TS đã cung cấp cho khách mời tham dự những khái niệm có liên quan, như: khái niệm vùng, khái niệm chính sách phát triển vùng. Sau khi phân tích bối cảnh quốc tế và trong nước ảnh hưởng tới chính sách phát triển kinh tế vùng thời kỳ 2021-2023, ông chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với hoạch định chính sách phát triển kinh tế vùng. Từ đó, xác định 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn, phác thảo các chiến lược phát triển thích hợp với xuất phát điểm của một nước thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nhằm đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao hoặc cận trên của thu nhập trung bình cao đến năm 2035. Ba trụ cột được ông đề cập đến là: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội; Tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.
PGS.TS. Nguyễn An Thịnh - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển trình bày tham luận
Tiếp theo phần trình bày của TS. Cao Ngọc Lân, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh phân tích Chính sách dân tộc giải quyết các vấn đề cơ bản và cấp bách về đất đai ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam. Là người có nhiều nghiên cứu và công bố trong lĩnh vực tài nguyên, PGS.Thịnh cho biết hiện nay có nhiều nhiều quan điểm liên ngành về đất đai vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ông cũng chỉ ra những bất cập trong hoạt động sử dụng, quản lý sử dụng đất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng như sự cần thiết của việc hoạch định chính sách đất đai tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản và cấp bách về đất đai, hướng tới các mục tiêu của phát triển bền vững.
Tiếp đó, TS. Nguyễn Hữu Nhuần chia sẻ nghiên cứu của ông và tập thể nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về tích tụ và tập trung đất đai phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp: Nghiên cứu điểm tại đồng bằng Sông Hồng. Đây là một nghiên cứu rất công phu của nhóm tác giả với sự tổng quan các chính sách liên quan của Việt Nam liên quan đến tích tụ và tập trung ruộng đất (TT&TTRĐ). TT&TTRĐ là một tất yếu khách quan, TT&TTRD đều chung mục đích cuối cùng là tạo ra một diện tích đất đai quy mô lớn để có thể ứng dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả cao hơn. Mỗi địa phương có định hướng và cách làm khác nhau và sự vào cuộc của lãnh đạo địa phương là vô cùng quan trọng, làm cho hoạt động tích tụ đất sản xuất nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn. Một số giải pháp được nhóm tác giả đưa ra như: tập trung vào hoàn thiện chính sách về đất đai, hình thành thị trường đất trong sản xuất nông nghiệp, thời gian, mức hạn điền, quy hoạch sản xuất.
Tại phiên 2 của hội thảo, TS. Phạm Thu Thủy (CIFOR Việt Nam) thông qua nghiên cứu tài liệu thứ cấp, phỏng vấn với 64 chuyên gia quốc tế và 25 hội thảo tham vấn quốc tế với chuyên gia, đã cung cấp các hiểu biết về nguồn tài chính mới cho bảo vệ phát triển tài nguyên trong giai đoạn 2021-2030, qua đó gợi ý những yếu tố cần xem xét bao gồm: kết hợp giữa lợi ích carbon và lợi ích phi carbon, các cơ chế tài chính phải đi kèm với hành pháp và hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá và thực thi pháp luật hiệu quả (carrots and sticks), gắn kết quyền lợi và trách nhiệm của các bên có liên quan đặc biệt là khối tư nhân, chi trả dựa vào kết quả, chứng minh tính bổ sung, giá trị ra tăng và tính điều kiện, mỗi cơ chế tài chính cần xem xét và xây dựng cả hệ thống nguồn thu và hệ thống quản lí tài chính và chia sẻ lợi ích, cơ chế khuyến khích phi tài chính
Các diễn giả có tham luận tại hội thảo
TS. Trần Quang Tuyến (Khoa Quốc tế - ĐHQGHN) TS. Vũ Văn Hưởng (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) phân tích vai trò của sinh kế phi nông nghiệp đến người nghèo ở những vùng nông thôn Việt Nam: Cách tiếp cận hồi quy phân vị mảng. Nghiên cứu chỉ ra rằng chuyển đổi sinh kế không chỉ giúp hộ nghèo thoát nghèo mà còn giúp giảm bất bình đẳng TS. Nguyễn Minh Đức (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổng quát về Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Việt Nam: Lý thuyết, thực hiện, bài học kinh nghiệm đồng thời đưa ra các gợi ý chính sách để cải thiện hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong việc bảo vệ rừng và cải thiện sinh kế cho các người dân giữ rừng.
Và cuối cùng, TS. Lê Duy Anh (Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN) chia sẻ 1 dự án của cá nhân tại Đà Nẵng liên quan đến thay đổi hành vi thông qua bài trình bày Ứng dụng kinh tế hành vi vào thay đổi hành vi tại Việt Nam. TS cho biết dự án sẽ cung cấp kết quả và bằng chứng thử nghiệm về hiệu quả của lí thuyết cú hích trong thay đổi hành vi tiêu dùng sản phẩm nhựa dùng 1 lần tại 1 đô thị ven biển ở Việt Nam. TS. Lê Duy Anh cũng đồng thời đưa ra các biện pháp rẻ tiền, dễ thực hiện, dễ nhân rộng để góp phần xử lí vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương. Thêm vào đó, các biện pháp can thiệp nếu đuợc chứng minh thành công sẽ không chỉ cung cấp một lựa chọn chính sách mới dựa trên bằng chứng cho chính phủ và các cơ quan liên quan mà còn có tiềm năng ứng dụng sang các hành vi ở các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và nhiều đóng góp ý kiến sôi nổi của các khách mời tham dự
Kết thúc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh (Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển- Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN) thay mặt Ban tổ chức gửi lời cảm ơn tới các đại biểu, các giảng viên và sinh viên đã tới tham dự hội thảo. Ban tổ chức đã lựa chọn 15 bài viết gửi tham dự hội thảo có chất lượng tốt nhất để gửi phản biện và đăng trong số đặc biệt “Phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” của Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh ĐHQGHN. PGS.Thịnh cũng bày tỏ hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật và cơ hội hợp tác khác trong tương lai giữa Trường Đại học Kinh tế, Học viện Nông nghiệp và CIFOR.