Tham dự Hội nghị, về phía ĐHQGHN có PGS.TS Phạm Xuân Hoan – Trưởng ban Kế hoạch Tài chính, ĐHQGHN và các thành viên thuộc Tổ công tác; về phía Trường ĐH Kinh tế có PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân - Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Trường.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê mong muốn các thầy cô trong Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị có ý kiến thẳng thắn, rõ ràng để góp ý vào dự thảo Chiến lược phát triển ĐHQGHN đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, các ý kiến được nêu và bàn luận cần phải có sự khác biệt, làm rõ được đối thủ cạnh tranh, cách làm phải đột phá. Đặc biệt, mọi định hướng mũi nhọn chiến lược cần phải đơn giản hóa, đi thẳng vào vấn đề, cần có sự đột phá về tài chính và xây dựng bộ đánh giá KPIs và bản đồ chiến lược.
Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN PGS.TS Nguyễn Trúc Lê góp ý chiến lược cần phải nhấn mạnh hơn về giải pháp thực hiện, tránh chung chung
PGS.TS Nguyễn Anh Thu đã góp ý về mặt truyền thông và các chương trình hướng cho doanh nghiệp. Cụ thể, PGS.TS Nguyễn Anh Thu cho rằng chương trình truyền thông cần phải đẩy mạnh truyền thông ra bên ngoài hơn nữa, gắn kết truyền thông nội bộ thành một khối thống nhất. Chương trình VNU cho Việt Nam chưa có tư vấn chính sách, mô hình phát triển kinh tế, tư vấn cho doanh nghiệp.
Cần làm rõ hơn nữa mô hình tự chủ của ĐHQGHN ở mức độ nào, cần tham khảo mô hình đại học công của các trường hàng đầu trên thế giới, ví dụ như cần xây dựng được một đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, tham gia giảng dạy ở các trường đại học hàng đầu trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân thì nêu nhận xét về bản dự thảo chiến lược cần sắp xếp để tinh gọn hơn, nhiều khái niệm mới chưa được làm rõ, đặc biệt các chương trình đào tạo còn nhiều bất cập trong triển khai, chưa tính đến việc còn phù hợp với các quy định hiện hành.
Hội nghị còn nhận được nhiều ý kiến từ lãnh đạo các đơn vị, tiêu biểu như PGS.TS Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh. Ông cho rằng chiến lược là kim chỉ nam cho hoạt động vì vậy, cách viết phải đảm bảo 3 tiêu chí là: truyền cảm hứng, đảm bảo lợi ích các bên liên quan và phải dễ hiểu, trước mắt ông cho rằng bản chiến lược lần này còn chưa rõ nhiều ý.
PGS.TS Hà Văn Hội - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế bày tỏ băn khoăn ở mục tiêu 40% chương trình đào tạo cử nhân (150 chương trình) đạt kiểm định quốc tế là 60 chương trình đào tạo mỗi năm liệu có khả thi hay không, cần nghiên cứu kỹ.
TS. Lưu Quốc Đạt - Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triên nhận xét bản chiến lược chưa bóc tách cụ thể nhiệm vụ theo từng giai đoạn, ví dụ như đề ra mục tiêu lọt top 300 đại học hàng đầu thế giới là yếu tố động, cần xem xét có đạt được không, đạt được thì trong thời gian nào. Nhiều giải pháp còn chung chung, chưa cụ thể, một số câu từ diễn đạt còn chưa chuẩn như “phấn đấu hàng năm chỉ số bài báo ISI Scopus tăng 50% nếu năm nào cũng thế thì sau 5 năm, 10 năm thì đạt bao nhiêu phần trăm”.
PGS.TS Trần Đức Hiệp góp ý dự thảo cần có chiến lược thu hút nhân tài cụ thể hơn
PGS.TS Phạm Xuân Hoan thay mặt Tổ công tác đã tiếp thu các ý kiến mà Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN góp ý và sẽ báo cáo Ban Giám đốc. PGS.TS Phạm Xuân Hoan cũng đánh giá cao các ý kiến của Trường ĐHKT đều là những góp ý mới, mang tính đột phá, đặc biệt về cách làm mà trước nay chưa có đơn vị nào trong ĐHQGHN thực hiện.