Tham dự buổi chuyên đề có sự góp mặt của PGS.TS Hoàng Văn Hải – Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh; hầu hết các giảng viên trong Viện, trong đó có nhiều giảng viên trẻ mới về công tác tại Viện.
Lên lớp là phải cháy hết mình
Phát biểu trong buổi chuyên đề, PGS.TS Hoàng Văn Hải nhấn mạnh vai trò của đổi mới phương pháp giảng dạy trong Viện nói riêng và Trường nói chung. “Mỗi một giảng viên cần liên tục thay đổi phương pháp giảng dạy, không có một mô-típ nào chung mà các giảng viên cần phải tự xây dựng một phong cách riêng cho mình. Đối với Viện Quản trị Kinh doanh, giảng viên hầu hết còn là doanh nhân, vì vậy việc kết hợp giảng dạy, thực tập - thực tế tại doanh nghiệp, kích thích khả năng kinh doanh, khởi nghiệp của sinh viên, học viên sẽ tạo nên bản sắc riêng của Viện”.
Chuỗi hoạt động đổi mới hoạt động giảng dạy trong Viện QTKD mở màn bằng chuyên đề Phương pháp giảng dạy tích cực
TS. Lưu Thị Minh Ngọc, người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, đồng thời cũng từng là một chủ doanh nghiệp chia sẻ: Giảng dạy đại học giống như một cuộc trò chuyện giữa người đi trước và người đi sau. Nếu như giảng viên và người học hiểu được ý nhau, hiểu nhau cần gì, trao đổi cởi mở thì lên lớp giống như một buổi lên đồng mà không biết mệt.
“Trong thời đại công nghệ số, thời gian tập trung của người học thường ngắn hơn do hay để tâm đến việc khác, vì thế, khi lên lớp không nên chỉ nói “tràng giang đại hải” mà hãy dùng nhiều hình thức khác nhau như hình ảnh, video, trò chơi để tăng khả năng hấp thu kiến thức của sinh viên.”
TS. Minh Ngọc cũng chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân khi giảng dạy đó là: Hãy coi người học như những người bạn, hãy kết nối với họ sau giờ học như: đi ăn chè, đi giao lưu, đi thực tập - thực tế kết hợp du lịch trải nghiệm… Trên lớp, hãy chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ để phá bỏ lớp học vuông, kịp thời khen ngợi người học tích cực phát biểu, nhẹ nhàng chia sẻ với những người tiếp thu chậm hoặc không tập trung…
Là một giảng viên được nhiều sinh viên yêu mến, TS. Vũ Thị Minh Hiền thì rất tập trung vào việc khởi động lớp học. TS. Minh Hiền chia sẻ kinh nghiệm cá nhân rằng, trước giờ học giảng viên nên chia sẻ thông tin cá nhân để tìm sinh viên biết mình là ai, tìm ra các điểm tương đồng với sinh viên (cùng trường cũ, cùng quê, cùng sở thích…) và nên bắt đầu bằng những trích dẫn mang tính xuyên suốt quá trình học.
“Có thể bắt đầu lớp học bằng một minigame, một câu chuyện lạ từ đó phân tích và bắt nối vào môn học. Ra một số câu hỏi và yêu cầu sinh viên tìm trên mạng để thay đổi không khí, rồi đặt một số câu hỏi ngược, liên hệ bản thân… Đặc biệt là ngoài giờ, hãy kết bạn với sinh viên trên mạng xã hội, đừng bao giờ cảm thấy phiền khi sinh viên nhắn tin hỏi về học tập, chỉ có như vậy thì kể cả sau khi ra trường, sinh viên sẽ luôn nhớ về giảng viên, về trường lớp như những người đáng yêu mến chứ không phải đơn thuần là người đã từng dậy mình môn này, môn nọ”. TS. Minh Hiền chia sẻ.
Giảng viên như đạo diễn, người học như diễn viên
Phương pháp giảng dạy tích cực là khái niệm đã xuất hiện từ lâu với nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Theo các giảng viên của Viện, thì đó là phương pháp kích thích sinh viên phát biểu, giảng viên tạo ra môi trường lý tưởng, hay nói cách khác giảng viên như đạo diễn còn người học như diễn viên, lớp học như một cuốn phim, tất cả phải phối hợp với nhau như một e-kíp thì mới đạt được hiệu quả cao.
Chia sẻ về phương pháp giảng dạy tích cực, PGS.TS Phan Chí Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh cho biết, giáo dục là tự học, giảng viên phải có kịch bản trước khi lên lớp. Kịch bản phải dễ hiểu và có thông điệp đi kèm, thay vì giảng viên đánh giá sinh viên thì hãy để sinh viên đánh giá lẫn nhau, thậm chí là sinh viên lớp khác cùng môn học đánh giá lẫn nhau. “Tôi thường có các đề tài, bài báo viết chung với sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào việc của mình, đồng thời mình là có được sự trợ giúp, ý tưởng mới... Ngoài ra, tôi và sinh viên, học viên thường xuyên đá bóng với nhau, giữa thầy và trò không còn chút khoảng cách, gặp bất cứ khó khăn gì họ đều trao đổi với tôi như anh em ngay tại sân bóng”. PGS.TS Phan Chí Anh cho biết.
TS. Đỗ Xuân Trường, một giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy đối tượng là doanh nhân thì chia sẻ, xác định được đối tượng học và đặc điểm của họ là vô cùng quan trọng. Sinh viên là đối tượng nếu như kích thích tốt thì rất ham học hỏi, và ngược lại nếu không truyền được cảm hứng thì sinh viên dễ lười, chán lên lớp, chán ngành học rồi dẫn đến lý do không phù hợp với ngành học mà bỏ cuộc giữa chừng. Vì vậy, giảng viên càng cao tuổi thì càng phải “làm trẻ mình” để nắm bắt được tư tưởng, nguyện vọng và “trend” của sinh viên, để từ đó lồng ghép vào bài giảng cho sinh động, hấp dẫn.
Đối với các giảng viên trẻ mới về Viện công tác như ThS. Nguyễn Hữu Đăng Khoa, TS. Phùng Thế Vinh, ThS. Hoàng Trọng Trường, ThS. Phạm Nhật Linh... thì rất mong muốn nắm được triết lý giảng dạy trong Viện và “dành đất” để thể hiện phong cách riêng khi lên lớp.
Dự kiến, các hoạt động tập huấn, trao đổi đổi mới phương pháp giảng dạy của Viện Quản trị Kinh doanh sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 8 để chuẩn bị cho năm học 2020 – 2021 chuẩn bị bắt đầu.