Kết thúc khóa học, Xuyến chỉ muốn nói một câu “Chọn Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là quyết định sáng suốt nhất của em, em chưa bao giờ hối hận khi là một UEB-er”.
Cô sinh viên nghèo vượt khó
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo làm nông tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, trong nhà chỉ có mẹ là lao động chính, Xuyến đã ý thức ngay từ nhỏ “phải học hành chăm chỉ, kiếm nhiều tiền để tự nuôi cuộc sống và đỡ đần mẹ”. Vì vậy, ngay từ khi còn học phổ thông, Xuyến đã phụ giúp mẹ nhiều công việc đồng áng, gia đình, dạy em học hành và vẫn giữ thành tích học tập cao trên lớp.
Khi đăng ký thi đại học, Xuyến trúng tuyển 3 trường, khi đó Xuyến chưa biết nhiều thông tin cụ thể về từng trường, cách thức đào tạo, môi trường học tập, chỉ biết rằng đây đều là các trường đại học lớn và đào tạo về khối ngành Kinh tế. Và sau nhiều phân vân, Xuyến đã quyết định trở thành một UEB-er của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN với ngành học Quản trị Kinh doanh. “Em chưa biết nhiều về các trường, do ngày đó không có điều kiện lên mạng internet mấy, cũng không có người đi trước chỉ bảo, nhưng em ưu tiên vì là trường là thành viên ĐHQGHN” Xuyến kể.
Chỉ ngay sau tuần đầu tiên làm quen với chỗ ở mới, môi trường học tập mới, Xuyến đã đi làm thêm để có thể tự trang trải cuộc sống và đóng học phí. Cô học trò nhút nhát ở quê bỗng chốc trở nên mạnh dạn, tìm tòi mọi công việc, chịu khó đến đêm muộn để vừa đi làm có tiền vừa hoàn thành tốt việc học tập. “Có những ngày em ra khỏi ký túc lúc 5 giờ sáng đến 11h thì về ngay trước khi ký túc đóng cửa. Sáng sớm em tranh thủ làm phục vụ ở quán ăn, rồi sắp xếp về đi học, chiều đến em lại đi làm sale ở một trung tâm tiếng Anh. Phương tiện đi lại bằng xe buýt, vì vậy mà mất khá nhiều thời gian, về đến ký túc mệt nhoài người nhưng em vẫn tự nhủ phải cố gắng nếu không sẽ khó có thể trụ lại để học tập và có một tương lai xán lạn hơn” Xuyến tâm sự.
Cứ như vậy ròng rã 4 năm trời, Xuyến trải qua nhiều việc làm thêm từ sale khóa học đến phục vụ quán ăn, gia sư tiếng Anh, nghề nào Xuyến cũng chăm chỉ và thành thạo. Số tiền em kiếm được hàng tháng không chỉ đủ để em trang trải chi tiêu mà còn có thể gửi về cho mẹ và em gái ăn học. Điều ngạc nhiên nhất đó chính là kết quả học tập trên lớp của Xuyến, cô sinh viên dễ thương luôn lọt vào tốp đầu của lớp và 2 lần giành học bổng khuyến khích học tập và 1 lần được nhận học bổng Hapro.
“Thời gian trôi thật là nhanh”
Ngày 8/7/2020 chắc chắn là ngày không thể quên được đối với QH-2016 E nói chung và Xuyến nói riêng, đó là ngày mà khóa QH-2016 nhận bằng tốt nghiệp và chính thức rời ghế nhà trường. Bốn năm tuy không phải là dài trong cuộc đời mỗi người, nhưng 4 năm ở tuổi thanh xuân thì đáng giá biết bao nhiêu, đó là quãng thời gian mà các sinh viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đón nhận được tình cảm, sự gần gũi, dìu dắt của các thầy cô trong trường.
“Ở UEB, thầy cô giáo rất gần gũi sinh viên. Chúng em có thể gọi điện hỏi thầy cô bất cứ lúc nào khi gặp khó khăn, nhắn tin qua zalo, facebook các thầy cô đều hồi âm rất teen. Trên lớp, thầy cô chú trọng rèn tư duy mở, năng động cho sinh viên hơn là thiên về lý thuyết. Trong cuộc sống, thầy cô luôn động viên và hỗ trợ những gì có thể, tạo cho chúng em có cảm giác như người thân đang tâm sự với mình” Xuyến chia sẻ.
Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi trên tay cùng tấm giấy khen “sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập” , Xuyến không quên gửi lời cảm ơn tới các thầy cô trong Viện Quản trị Kinh doanh đó là TS. Đỗ Xuân Trường, PGS.TS Nhâm Phong Tuân, TS. Minh Hiền, PGS.TS Hoàng Văn Hải… những người thầy, người cô đã truyền tải kiến thức và cả cảm hứng cho em vượt qua mọi khó khăn.
Và người không thể thiếu trong ngày Xuyến nhận tấm bằng tốt nghiệp đó là mẹ và em gái, hai người thân luôn cận kề, dõi theo từng bước đi của em ở nơi phố thị xa xôi. Ước mơ của Xuyến trong tương lai chẳng có gì to tát, đó là sức khỏe cho gia đình, hoàn thành tốt công việc ở trung tâm tiếng Anh (hiện giờ Xuyến đã là quản lý sale của Ecorp) và gói những kỷ niệm thanh xuân ở mái trường Đại học Kinh tế vào nơi trang trọng nhất trong tim.
Xuyến cũng chia sẻ, em gái Xuyến cũng đang có định hướng học khối ngành Kinh tế và khả năng sẽ thi vào Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. Nghị lực của người chị chính là tấm gương không chỉ cho cô em gái mà còn cho rất nhiều sinh viên khác đang còn dở dang với những hoài bão của mình.