Nắm bắt được tâm lý này, Khoa Tài chính - Ngân hàng (TCNH), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đem đến cho các sinh viên một buổi tọa đàm online nhằm bổ trợ cho các sinh viên góc nhìn văn hóa về cuộc sống và văn hóa các sinh viên ở Mỹ. Đây là chương trình thứ hai trong chuỗi Seminar online do Khoa Tài chính - Ngân hàng tổ chức để hỗ trợ các em sinh viên gia tăng kiến thức thực tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phải giãn cách xã hội và không thể tham gia các hoạt động ngoại khóa bên ngoài.
Đồng hành và hướng dẫn các sinh viên trong tọa đàm lần này là PGS.TS. Ngô Đức Anh - Giảng viên Đại học Norfolk State, Hoa Kỳ. Với kinh nghiệm hơn 15 năm giảng dạy tại 3 Trường Đại học Mỹ của mình, PGS.TS. Ngô Đức Anh đã mang đến cho các bạn sinh viên góc nhìn chân thực nhất về sự khác biệt văn hóa và đời sống học tập, nghiên cứu của sinh viên Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tọa đàm về văn hóa Việt - Mỹ với hơn 250 sinh viên, giảng viên tham dự
9h00 sáng Thứ 7, ngày 25/04/2020, tuy là ngày cuối tuần, nhưng cũng như buổi seminar tuần trước, hơn 250 sinh viên các khoa, viện, trong đó phần lớn là sinh viên Khoa TCNH, Trường ĐHKT háo hức được học kiến thức, trải nghiệm mới mẻ bên “trời Tây”. Các bạn sinh viên có thể được nghe đến nước Mỹ nhiều, được xem nhiều phim Mỹ, nhưng để hiểu được văn hóa, trải nghiệm thực sự ở Mỹ, các bạn vẫn muốn được nghe chia sẻ trực tiếp từ chuyên gia. PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng trực tiếp điều hành chương trình phát biểu chào mừng, cảm ơn diễn giả - PGS.TS. Ngô Đức Anh đã dành thời gian mặc dù lệch múi giờ 11 tiếng và cũng rất bận rộn trong công việc ở bên Mỹ nhưng vẫn sắp xếp tham gia gặp gỡ các em sinh viên trong buổi tọa đàm này. Cô khẳng định đây là cơ hội hiếm có đối với sinh viên khi có thể gặp gỡ và trao đổi trực tiếp cũng như lắng nghe các chia sẻ của chuyên gia đang giảng dạy tại một trong những trường đại học giàu truyền thống và lâu đời của Hoa Kỳ.
Nội dung buổi tọa đàm
Văn hóa Mỹ và đời sống sinh viên Mỹ
Diễn giả chia sẻ rằng học bên Mỹ rất khác với Việt Nam, họ chú trọng vào rèn luyện kỹ năng mềm ngay từ khi còn rất nhỏ, điều mà gần đây giáo dục Viêt Nam bắt đầu hướng tới. Đa dạng văn hóa cũng là điều mà các trường bên Mỹ đem lại giá trị vô hình cho sinh viên ở đây. Những khóa học trao đổi của Trường Đại học Kinh tế với Đại học bên Mỹ cũng là cơ hội cho các sinh viên được bằng bên Mỹ, được trải nghiệm du học mà không cần tiềm lực tài chính. Diễn giả chia sẻ rằng có rất nhiều khác biệt trong đặc điểm của sinh viên Việt - Mỹ; sinh viên bên Mỹ chủ động, độc lập, thẳng thắng và thực dụng trong khi sinh viên Việt Nam khiêm tốn, trọng tình cảm. Đây là một phần văn hóa Việt Nam theo đạo Nho, nhưng cũng cản trở phần nào khi các bạn đối mặt với nhà tuyển dụng Mỹ, vì thời gian xem xét ứng cứ viên có hạn, nếu các bạn khiêm tốn có thể làm giảm cơ hội thể hiện thực lực bản thân.
"Các bạn nên cố gắng thể hiện khả năng tốt nhất của mình trước các nhà tuyển dụng"
Đặc điểm khác biệt văn hóa
Trong buổi chia sẻ, diễn giả giải thích những khác biệt văn hóa giữa Việt Nam và Mỹ như: người Mỹ luôn đúng giờ do xuất phát nguồn gốc từ du mục, chăn nuôi những gia súc đòi hỏi phải kỹ lưỡng luôn phải đúng giờ để đảm bảo công việc, trong khi Việt Nam xuất phát điểm là nông nghiệp trồng cây lương thực nên giờ giấc có thể cao su, không quan trọng phải thật chính xác. Người Mỹ ưa phiêu lưu mạo hiểm, khi chúng ta lại có xu hướng an toàn. Điều này đem đến những sự khác biệt văn hóa giữa hai nước.
Áp dụng văn hóa vào một số lý thuyết trong tài chính Doanh nghiệp
Văn hóa Á Đông và Đời sống Du học sinh Việt Nam
Diễn giả cũng đề cập đến những khó khăn của sinh viên Việt Nam khi đi học ở Mỹ từ cú shock văn hóa đến du lịch, đồ ăn. Và đặc biệt, diễn giả còn chia sẻ thêm kiến thức chuyên ngành về Tài chính cho sinh viên, đây chính là những casestudy rất thực tế để các sinh viên Tài chính - Ngân hàng áp dụng vào nhiều môn học chuyên ngành của mình trên lớp.
Câu hỏi thầy đặt cho sinh viên
Để giúp các bạn hiểu rõ những chia sẻ của mình, diễn giả đưa ra những câu hỏi để giải thích lý thuyết hành vi, để tạo sự sôi nổi cũng như để hiểu các sinh viên mình hơn. Các bạn sinh viên rất thích thú và chia sẻ nhiều quan điểm cá nhân liên quan đến vấn đề này.
Thông qua tọa đàm, các bạn sinh viên đã có cơ hội hiểu hơn về du học Mỹ và để giải đáp những khúc mắc trong lòng.
Nhiều câu hỏi của các sinh viên cho diễn giả
Sinh viên có rất nhiều câu hỏi cho diễn giả như về học Thạc sĩ bên Mỹ hay tình hình kinh tế bên Mỹ dưới ảnh hưởng của Covid. Diễn giả chia sẻ rằng học bổng MBA rất ít bên Mỹ, và thường sau khi đi làm một thời gian, người Mỹ mới có quyết định đi học Thạc sĩ thay vì đi học ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Trả lời câu hỏi về tác động của Covid, diễn giả chia sẻ rằng nước Mỹ rất lớn và bắt buộc phải hoạt động, nền kinh tế Mỹ không thể đình trệ quá lâu dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực lên tài chính của người dân.
Thông qua buổi chia sẻ, có thể nhận thấy, việc sang Mỹ học tập và làm việc cũng không phải toàn màu hồng như nhiều người tưởng tượng, ở Việt Nam hay ở Mỹ đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Sinh viên Việt Nam nói chung hay sinh viên Khoa TCNH, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng có nhiều bạn năng động giỏi giang không kém gì sinh viên học tại nước ngoài. Vậy tại sao chúng ta không Quốc tế hóa giáo dục ngay tại chính sân chơi của chúng ta, ngay tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mà phải mong muốn đi tận sang phương Tây, sang Mỹ?
Lời cảm ơn chân thành của các em sinh viên gửi tới diễn giả và các thầy cô giáo
Nhân đây diễn giả cũng nhắn nhủ rằng các sinh viên ở Việt Nam một điều quan trọng, đó là các bạn nên tự tin hơn về mình, cố gắng tập thói quen bỏ qua “Peer pressure”, điều này sẽ đem lại các bạn cơ hội học tập, làm việc và những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống, mỗi một người sẽ có một giá trị khác nhau, một xuất phát điểm khác nhau và không ai có quyền được coi mình hơn người khác.