Hiện tại ở các trường đại học đang sử dụng nhiều công cụ, nền tảng khác nhau để giảng dạy trực tuyến như thuê công ty giải pháp phần mềm thiết kế riêng hay các ứng dụng sẵn có, thân thiện như Office 365, Zoom, Moodle, Google classroom, Google meet, Skype, Messenger… Tựu chung có thể liệt kê những ưu điểm của việc học trực tuyến như sau:
- Giúp thầy và trò an toàn trong mùa dịch mà vẫn đảm bảo được tiến độ học tập;
- Sinh viên có thể học bất cứ ở đâu, điều này giúp sinh viên tiết kiệm thời gian di chuyển và chi phí đi lại, gửi xe;
- Sinh viên có thể học đi học lại nhiều lần nếu muốn ôn lại;
- Ngày càng nhiều ứng dụng thân thiện, tương tác cao, cho phép các ứng dụng đa dạng, thú vị;
- Cho phép sinh viên có thể học bằng các thiết bị khác khau như máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh;
- Hoàn toàn cho phép lớp học diễn ra trong bầu không khí thoải mái giữa giảng viên và sinh viên…
Dưới đây là một số kinh nghiệm mà tác giả bài viết có được khi tham gia giảng dạy và đã từng học tập trực tuyến:
1. Chuẩn bị tinh thần và xác định học online như học tại trường
Thái độ nghiêm túc, chuẩn bị giáo trình, sách bút để sẵn sàng ghi chép những nội dung quan trọng hay ví dụ mà giảng viên đưa ra (lưu ý khả năng ghi nhớ của con người chỉ có hạn). Học tập trung, tránh xao nhãng, đừng tranh thủ nhắn tin hay chat không vì mục đích học tập ngay trên giao diện học tập hoặc các công cụ khác. Hãy lưu ý là giảng viên sẽ yêu cầu bạn đăng nhập đúng tên, bật webcam để quan sát sự tương tác của bạn, mời bạn thảo luận hay phát biểu gì đó y như trên lớp vậy. Với hầu hết các ứng dụng giảng dạy trực tuyến cho phép giảng viên theo dõi lịch sử tương tác, thời gian nộp bài của sinh viên.
Học trực tuyến đòi hỏi sự tự giác cao hơn do đó nếu bạn không nghiêm túc bạn có thể bỏ lỡ cơ hội học tập, tích luỹ kiến thức và ảnh hưởng đến kết quả thi cử.
2. Lựa chọn không gian và môi trường học tập cho phép tập trung và hạn chế tối đa tiếng ồn
Trước khi ngồi học bạn nên tìm kiếm không gian thích hợp khiến bạn cảm thấy thoải mái, hài lòng nhất, tránh bị làm phiền để tập trung học tập trong cả quá trình. Đó là nơi đủ riêng tư (tốt nhất là phòng riêng), ít tiếng ồn nhất có thể, nên đóng kín các cửa phòng (nếu cần thiết), tắt chuông điện thoại, tắt loa các thiết bị bên cạnh... Nói chung không gian học tập yên tĩnh chắc chắn sẽ giúp bạn dễ tiếp nhận thông tin, tiếp thu kiến thức nhanh, dễ dàng hơn và tương tác tốt hơn với giảng viên và các bạn.
Nếu học tại gia đình hay tại phòng trọ cùng các bạn khác thì bạn cũng nên cho mọi người biết để tránh bị làm phiền như những tiếng gọi bất ngờ, tiếng mở cửa quá lớn…
Thêm cốc nước hay cốc trà bạn yêu thích để bên cạnh giúp bạn bổ sung nước và thư thái trong giây lát.
3. Nên vào lớp sớm khoảng 5 - 10 phút
Thời gian này giúp bạn kiểm tra lại thiết bị học tập, chỗ ngồi, sạc pin máy tính/điện thoại, tai nghe, làm thủ tục vào lớp và kịp xử lý một vài rắc rối nhỏ như kết nối mạng, bổ sung sách bút… để có thể yên tâm ngồi học.
4. Tích cực đặt câu hỏi và thảo luận
Cũng như trên lớp thôi, lúc giảng viên đang nói thì các bạn nên trật tự và khi giảng viên đặt câu hỏi hay đề nghị thảo luận, bạn cần tích cực thảo luận, trao đổi để tạo không khí lớp học vui vẻ, tự nhiên. Chắc bạn cũng sẽ được trải nghiệm những phút online thật thư giãn với nhiều tiếng cười và khuôn mặt biểu cảm của thày cô và các bạn như ảnh trên. Điều này ở lớp trực tiếp chưa chắc bạn có thể quan sát hết được bằng lớp trực tuyến đâu.
Có bất cứ thắc mắc hay cần phát biểu, đề nghị giảng viên giải thích thêm gì bạn hãy dùng tính năng “raise hand” (giơ tay) để xin phát biểu, giảng viên sẽ mời bạn khi nhận được tín hiệu đó. Có khác gì trực tiếp đâu nhỉ? Hãy tập trung nghe giảng, tích cực hỏi đáp, thảo luận để bạn thu được tối đa kiến thức, giúp bạn ôn thi nhanh và hiệu quả hơn.
Cũng cần lưu ý là với lớp trực tuyến, bạn nên đặt câu hỏi ngắn gọn và cố gắng diễn đạt nó rõ ràng, dễ hiểu để tiết kiệm thời gian cho giảng viên và các bạn.
Hầu hết các lớp học trực tuyến đều sẽ có diễn đàn để bạn trao đổi bất cứ giờ nào với học viên khác và giảng viên. Bạn không nên ngại ngần chia sẻ thắc mắc để củng cố kiến thức, cùng làm sâu kiến thức, để giúp các bạn khác cùng nhận được lợi ích từ việc phản hồi qua lại giữa giảng viên và sinh viên.
Ngoài ra, giảng viên cũng sẽ đánh giá cao những sinh viên tích cực thảo luận và nghiêm túc trên các diễn đàn thảo luận.
Nếu cần trao đổi riêng, bạn có thể nhắn tin cho giảng viên hoặc bạn học thông qua tính năng có sẵn trên ứng dụng.
Sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị học trực tuyến vô cùng đáng yêu…
… chăm chỉ, tự giác… và thật “cẩn thận”
5. Ghi chép, làm bài và rà soát lại những gì đã học
Nếu bạn chỉ muốn nghe mà lười ghi chép lại kiến thức hoặc những chiêm nghiệm của mình thì kiến thức sẽ nhanh bị quên lãng, kém hữu ích hoặc không được đào sâu. Nên tự ghi chép theo cách của riêng mình, đừng bỏ qua bài quiz, assignment, trao đổi nhóm với học viên khác đó là cách giúp bạn rà soát, kiểm tra và phát triển những gì mình đã học.
6. Những lưu ý khác để học trực tuyến hiệu quả và thú vị hơn- Đọc giáo trình, tài liệu trước khi học trực tuyến. Điều này đương nhiên tốt cho việc học, ngoài ra, giúp bạn tâm thế tự tin khi tham gia lớp học và tương tác với giảng viên.- Làm bài tập ở nhà để ôn luyện và chắc kiến thức sau từng buổi học, giúp bạn hứng thú và tự tin hơn khi tham gia bài mới.- Xem lại các video bài giảng (nếu có). Để có thể nắm được bài mới kỹ hơn cũng như theo kịp thầy cô thì bạn nên xem sơ lược bài giảng và nắm được nội dung chính bằng cách tua lại video của giảng viên.- Tuân thủ các nguyên tắc mà giảng viên đặt ra với lớp học về kỷ luật lớp học, về chia sẻ tài liệu, cách thức thảo luận, nộp bài… và tuyệt đối không nhờ người học hộ, không chia sẻ tài khoản cho người khác.- Kết hợp trải nghiệm thực tế nếu có thể và trong những điều kiện phù hợp.