Nối tiếp chủ đề ngày 3/12 “Đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất chất lượng trong bối cảnh toàn cầu hóa - Kinh nghiệm Hàn Quốc”, hôm nay ngày 4/12 bàn về “Một số xu hướng về chuyển đổi số & tác động đến năng suất chất lượng doanh nghiệp”. Hội thảo đã trình bày về thực trạng năng suất chất lượng tại Việt Nam năm 2019, một số nguyên tắc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam, các kết quả nghiên cứu mới nhất về chất lượng chuỗi cung ứng, áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản trị số doanh nghiệp...
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường ĐHKT, ĐHQGHN phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Hiệu trưởng PGS.TS Nguyễn Trúc Lê nhiệt liệt chào mừng các học giả trong nước và quốc tế đã đến tham dự Hội thảo. Ông nhấn mạnh: Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN trong nửa tháng qua đã tổ chức liên tiếp 2 hội thảo quốc tế thu hút hàng trăm học giả nổi tiếng thế giới và trong nước - Điều này khẳng định Trường ĐHKT là điểm đến tri thức uy tín của học giả, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước. Hội thảo Năng suất và Chất lượng trong kỷ nguyên chuyển đổi số hôm nay mang một hàm lượng giá trị khoa học vô cùng lớn cho các cấp quản lý nguồn lực, cho lãnh đạo các doanh nghiệp để kiến giải chính sách, định hướng phát triển nhân sự tầm chiến lược. Tôi hy vọng rằng trong tương lai, Trường luôn là nơi để các học giả, chuyên gia đến giao lưu học thuật, cống hiến hết mình cho sự nghiệp khoa học...
Sau phần phát biểu của Hiệu trưởng, các học giả đã có tham luận trước Hội thảo, mở đầu là TS. Hà Minh Hiệp đến từ Tổng cục Đo lường chất lượng.
TS. Nguyễn Đức Kiên trình bày tham luận về chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam
GS. Matsui Yoshiki - Đại học Quốc gia Yokohama trình bày tham luận tại hội thảo
GS. Matsui Yoshiki khẳng định cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động (NSLĐ) là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao NSLĐ là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì nó đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực. Giáo sư kiến giải cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư cho khoa học công nghệ; phát triển đầy đủ thị trường khoa học và công nghệ và tăng cường hiệu quả hoạt động các chợ công nghệ, chuyển giao công nghệ, đây là yếu tố quan trọng nhất để nâng cao năng suất lao động, thực tế cho thấy đất nước nào tụt hậu về khoa học công nghệ thì dù dân cư đông đúc, chăm chỉ, nhiều tài nguyên thì nền kinh tế vẫn kém phát triển.
Hội thảo diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi khi cãc nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc có doanh nghiệp tại Việt Nam đặt câu hỏi phản biện, trong đó nhiều câu hỏi liên quan đến quản trị đa văn hóa, tăng năng suất lao động làm sao phải phù hợp với từng bối cảnh cụ thể, phù hợp với thói quen lao động tại mỗi quốc gia, và tăng năng suất lao động phải có lộ trình hài hòa đi đôi với tăng tư liệu sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ điển hình như máy móc thiết bị hiện đại thì con người phải làm chủ được máy móc và không phụ thuộc vào nó…
Đây là hội thảo nằm trong hoạt động nghiên cứu và phổ biến khoa học của Nhóm Nghiên cứu mạnh về Năng suất chất lượng tại doanh nghiệp cấp Đại học Quốc gia Hà Nội của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Từ năm 2015 đến nay, Nhóm đã công bố hơn 30 công trình khoa học quốc tế và ấn phẩm phổ biến kiến thức về năng suất chất lượng cũng như cung cấp giải pháp cải thiện năng suất chất lượng cho hơn 20 doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hoạt động tư vấn đào tạo.