Vài nét về nhóm nghiên cứu mạnh và chuỗi hội thảo thường kỳ về hội nhập kinh tế quốc tế (CIECI) của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
16/09/2019 10:43

Với mục tiêu xây dựng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực châu Á, Nhà trường đặc biệt quan tâm tới việc hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh làm nòng cốt cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường.


Với mục tiêu xây dựng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu được xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực châu Á, Nhà trường đặc biệt quan tâm tới việc hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh làm nòng cốt cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường.

 

Tính đến nay, Trường Đại học Kinh tế đã có 12 nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 nhóm được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN và 1 nhóm nghiên cứu tiềm năng cấp ĐHQGHN.

 

Với những nỗ lực và kết quả đạt được trong hoạt động nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu về Hội nhập kinh tế quốc tế là một trong ba nhóm đầu tiên của Trường ĐHKT được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN theo Quyết định số 2921/QĐ-ĐHQGHN ngày 13/8/2015. Nhóm nghiên cứu về Hội nhập kinh tế quốc tế được thành lập từ năm 2013, do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN làm trưởng nhóm và PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT làm Phó trưởng nhóm cùng với các thành viên đến từ Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế thuộc Trường.

 

Các hướng nghiên cứu chính của nhóm bao gồm: (i) Các vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế quốc tế; (ii) Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, tập trung vào các khía cạnh về thương mại, đầu tư, tài chính, lao động; (iii) Hiệp định thương mại tự do và các liên kết kinh tế khu vực, toàn cầu, tập trung vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, hội nhập của Việt Nam với EU, hội nhập của Việt Nam trong CPTPP, hội nhập trong khu vực GMS; và (iv) Các vấn đề nảy sinh trong quá trình hội nhập như tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao hàm, thương mại số, môi trường, di cư...

 

Kể từ khi hình thành, nhóm nghiên cứu đã triể khai một loạt nghiên cứu đa dạng và chất lượng. Cụ thể, các thành viên đã thực hiện 3 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, 7 đề tài nghiên cứu cấp ĐHQGHN và nhiều đề tài nghiên cứu khác. Một số kết quả từ các đề tài nghiên cứu mà nhóm thực hiện đã được chuyển giao cho các cơ quan hoạch định chính sách như Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Công thương... giúp cung cấp các thông tin đầu vào hữu ích trong quá trình hoạch định chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, các thành viên của nhóm cũng là tác giả của nhiều bài báo được xuất bản trên các tạp chí ISI, Scopus, các tạp chí quốc tế và trong nước có uy tín khác; đồng thời là chủ biên và tác giả của 12 cuốn sách chuyên khảo. Nhóm nghiên cứu cũng tích cực tham gia đào tạo về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên cùng tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và hoạt động đào tạo đối với các bậc đào tạo thấp hơn tại Trường ĐHKT.

 

Bên cạnh các hoạt động đã nêu, không thể không kể đến nỗ lực của nhóm nghiên cứu mạnh trong việc thúc đẩy kiến tạo và lan tỏa tri thức thông qua việc tổ chức rất nhiều hội thảo khoa học, đặc biệt là chuỗi hội thảo thường kỳ về hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế (CIECI). Ý tưởng về CIECI được đưa ra ngay từ khi nhóm nghiên cứu được thành lập với mục đích tạo ra các diễn đàn trao đổi thường xuyên, có tính chuyên môn cao giữa các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về những vấn đề mới, cập nhật và quan trọng liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế; từ đó đưa ra các hàm ý chính sách kịp thời, hiệu quả cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và tình hình kinh tế thế giới biến động nhanh chóng.

 

Hai hội thảo quốc tế đầu tiên (CIECI 2013CIECI 2014) tập trung vào chủ đề Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Cuối năm 2014, Trường ĐHKT - ĐHQGHN tiếp tục phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo quốc tế “Hướng đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN và một số gợi ý chính sách đối với Việt Nam”. Đây được coi là hoạt động tiên phong của cơ quan Chính phủ trong chuỗi các sự kiện truyền thông và chuẩn bị cho việc hình thành AEC vào cuối năm 2015. Cả 3 hội thảo đều nằm trong khuôn khổ đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước KX.01/11-15 “Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong bối cảnh mới của thế giới và sự tham gia của Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì. Các hội thảo về Cộng đồng Kinh tế ASEAN do nhóm nghiên cứu tổ chức được đánh giá có tác động lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao nhận thức về AEC trong xã hội, khởi đầu cho chiến dịch truyền thông về AEC, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN có hiệu lực vào cuối năm 2015.

 

Tiếp theo chuỗi hội thảo về hội nhập kinh tế khu vực ASEAN, năm 2015 nhóm nghiên cứu phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế đồng tổ chức hội thảo CIECI 2015 với chủ đề “Hội nhập kinh tế Đông Á và hàm ý cho Việt Nam”, trong đó tập trung thảo luận về quá trình hội nhập mở rộng giữa khu vực ASEAN với ba đối tác quan trọng ở khu vực Đông Bắc Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

 

Bên cạnh nội dung về hội nhập kinh tế khu vực ASEAN và khu vực Đông Á, một nhánh nghiên cứu quan trọng khác mà nhóm nghiên cứu đã triển khai trong 4 năm trở lại đây là việc phát triển thương mại biên giới nói chung và nghiên cứu xây dựng và phát triển khu Kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Các hội thảo về vấn đề này bao gồm hội thảo CIECI 2016 “Phát triển thương mại biên giới: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”, hội thảo CIECI 2017 với chủ đề “Một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng, quản lý và phát triển Khu kinh tế xuyên biên giới”, hội thảo CIECI 2018 với chủ đề “Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư tại các Khu kinh tế qua biên giới”. 2 hội thảo CIECI 2017 và 2018 nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Luận cứ khoa học cho sự hình thành các khu kinh tế xuyên biên giới ở Việt Nam” (KX.01.09/16-20) do PGS.TS. Nguyễn Anh Thu chủ trì. Đặc biệt, trong hai hội thảo đều có sự tham gia của các chuyên gia cao cấp về hợp tác vùng của Ngân hàng Phát triển châu Á với những chia sẻ về các vấn đề lý thuyết cũng như thực tiễn phát triển các khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Tiểu vùng sông Mêkông. Trong bối cảnh hợp tác kinh tế giữa các nước láng giềng có chung đường biên giới ngày càng trở thành một phần quan trọng trong chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, chuỗi hội thảo do nhóm nghiên cứu của Trường ĐHKT - ĐHQGHN thực hiện đã thu hút được sự quan tâm lớn từ phía các cơ quan hoạch định chính sách, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 

Vào ngày 18/9/2019 tới, trường ĐHKT - ĐHQGHN tiếp tục tổ chức CIECI 2019 với chủ đề “Sự biến động của thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới”, trong đó tập trung thảo luận về những diễn biến gần đây của tình hình thương mại, chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế có nhiều biến động, chịu tác động mạnh mẽ bởi các yếu tố mới và bất định.

 

Có thể nói, mặc dù mới được thành lập từ năm 2013 song đến nay nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN về hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được những kết quả đáng kể trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, chuỗi các hội thảo thường niên về hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những sản phẩm đã phần nào gây dựng được thương hiệu. Các hội thảo đều được đánh giá là có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Kết quả nghiên cứu cung cấp các nguồn tham khảo quan trọng cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các học giả, chuyên gia trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học; xuất bản trên các tạp chí trong nước và quốc tế; xây dựng các báo cáo thường niên về kinh tế thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; tiếp tục chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các cơ quan hoạch định chính sách và doanh nghiệp thông qua các đề tài nghiên cứu và chuỗi hội thảo thường niên về Hợp tác và Hội nhập kinh tế quốc tế. Một số đề tài mà nhóm dự kiến nghiên cứu sâu trong thời gian tới như tình hình kinh tế thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; thuận lợi hóa thương mại và đầu tư của Việt Nam; thu hút đầu tư thiên thần nước ngoài để phát triển startup của Việt Nam; đánh giá tác động của hội nhập kinh tế quốc tế lên hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính và di chuyển của Việt Nam ở cấp độ vĩ mô và vi mô; các xu hướng thương mại và đầu tư mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, cộng đồng kinh tế ASEAN sau năm 2015...

 
Nguyễn Thị Minh Phương
Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế