Toạ đàm được tổ chức với mục tiêu chia sẻ về tầm quan trọng của giáo dục tài chính cho trẻ từ nhỏ cũng như kinh nghiệm tổ chức giáo dục tài chính tại các trường phổ thông và ở nhà cho cán bộ, giảng viên trong toàn trường ĐHQGHN. Đồng thời, “Cùng con quản lý tài chính cá nhân” là một sân chơi trải nghiệm và học tập về các khái niệm tài chính thông qua trò chơi giáo dục được sáng tạo bởi ba giảng viên của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.
Trong buổi tọa đàm các diễn giả tham gia đều đồng tình và đánh cao việc cần phải dạy trẻ về tài chính sớm cả ở nhà trường và gia đình. Theo PGS.TS. Đỗ Tiến Đạt “Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Bộ GD&ĐT sẽ có tích hợp nội dung giáo dục tài chính vào các môn học cho các con”, vì thế ông đánh giá cao sáng kiến của nhóm tác giả bộ trò chơi “Đường đua tài chính” bởi lẽ trò chơi này sẽ giúp các con làm quen với tài chính cá nhân một cách hiệu quả mà không nặng nề lý thuyết. PGS.TS. Phạm Hoàng Anh cũng cho rằng, việc dạy trẻ về tài chính cá nhân là bước đi đúng đắn khi mà Ngân hàng Nhà nước đang đẩy mạnh phổ cập tài chính cho người dân. Trẻ em là mầm non đất nước, mỗi trẻ em sẽ là một công dân sử dụng rất nhiều các dịch vụ tài chính sau này, vì vậy các em cần được hướng dẫn và trang bị kiến thức, kỹ năng về tài chính ngay từ khi còn nhỏ.
Cuối chương trình, ba tác giả của bộ game Đường đua Tài chính giới thiệu về mục tiêu và hướng dẫn cách chơi của bộ game “Đường đua tài chính” một cách hiệu quả nhất. Từ sự trăn trở về dạy tài chính cho chính những đứa con của các thành viên trong nhóm phải biết trân trọng đồng tiền, sống biết ơn và yêu thương hơn, nhóm luôn mong ước được lan rộng kiến thức này đến các bậc phụ huynh và học sinh trên cả nước. Thông qua game “Đường đua tài chính”, trẻ em sẽ chủ động và tích cực học được các khái niệm cơ bản của tài chính cá nhân như: Thu nhập, đầu tư, chi tiêu, trao tặng. Trẻ cũng hiểu được tiền có thể kiếm được nhờ những việc gì, có việc nhiều tiền, việc ít tiền, chi tiêu cũng rất nhiều kiểu và nếu cứ chi tiêu bừa bãi sẽ hết tiền, trao tặng ý nghĩa không nhất thiết là cứ mất tiền, Có nhiều hình thức trao tặng, đầu tư có lỗ có lãi, có nhiều dạng gây ra lỗ: cách làm ăn, lòng tin...Một cách vô thức trẻ cũng hiểu được phải biết tiết kiệm vì ở đời có nhiều tình huống bất ngờ cần dùng đến tiền, nếu không tiết kiệm sẽ phải đi vay hoặc phá sản. Nội dung các thẻ bài rất đời thường thực tế, gắn liền với cuộc sống từng gia đình nên trẻ em rất dễ tiếp thu. Các tác giả cũng nhấn mạnh khuyến khích các phụ huynh chơi cùng trẻ để tăng gắn kết gia đình và trẻ có thể học được nhiều các kiến thức về tài chính. Bộ game “Đường đua tài chính” được bảo trợ sản xuất và phân phối bởi Công ty Boardgame Việt Nam - Công ty hàng đầu về đồ chơi và trò chơi giáo dục tại Việt Nam.
Ban tổ chức tặng hoa tri ân các vị khách mời của chương trình
Thông qua buổi tọa đàm “Cùng con quản lý tài chính cá nhân”, Ban tổ chức một lần nữa muốn khẳng định sự nỗ lực mang đến những ý tưởng mới, cải tiến trong giáo dục trẻ nhỏ. Hơn hết, sự kiện mang đến một không gian trải nghiệm thú vị và bố ích dành cho các bậc phụ huynh và các em bằng bộ game “Đường đua tài chính”
TS. Đinh Thị Thanh Vân, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, và TS. Trịnh Thị Phan Lan đều là giảng viên tại Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đồng thời là thành viên của Mạng lưới TCCN Việt Nam
Bản quyền tác giả: TS. Đinh Thị Thanh Vân, TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, và TS. Trịnh Thị Phan Lan - giảng viên tại Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN - thành viên của Mạng lưới TCCN Việt Nam - Thông tin liên hệ: Mạng lưới tài chính cá nhân Việt Nam, Khoa Tài chính Ngân hàng , Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, số 144 đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội Hotline: 0934461917 |