Chuyến đi đáng nhớ ngay từ lúc bắt đầu, vì chờ làm thủ tục ở cửa khẩu Hà Khẩu khá lâu nên chúng mình đã bị trễ tàu đến Côn Minh và chúng mình đã chờ 8 tiếng đồng hồ tại bến tàu để đi chuyến khác, khá mệt mỏi nhưng các thành viên trong đội luôn kiếm ra các trò chơi xua đi sự mệt mỏi chờ đợi nào là chạy đua, ném chai, v.v… Và chúng mình cũng đã lên tàu và đến Côn Minh.
Cảm nhận đầu tiên đó là sự hiện đại của giao thông nơi đây. Những đường sắt trên cao hiện đại cùng hệ thống tàu siêu tốc ngầm mà mình mới được nhìn trên truyền hình thì ở Côn Minh đều có cả. Ngoài đường không một cái rác hay hạt bụi, các phương tiện đều đi khá chậm và không mấy khi sử dụng còi. Tiếp sau đó là khí hậu trong lành, mát mẻ pha chút se lạnh, hanh khô.
Những ngày còn lại mình được sống, sinh hoạt tại Trường Đại học Bách khoa Côn Minh. Trường rất rộng, có xe buýt di chuyển và phải mất gần hết một tuyến buýt mới đi hết trường. Cứ đến giờ đi ăn là cả đội lại gọi cửa phòng cùng nhau ra bến xe buýt, hôm nào không đi xe buýt thì cả đội cùng nhau tung tăng đi bộ cũng mất đến 15 phút mới đến được nhà ăn.
Ban tổ chức sắp xếp 10h sáng thi đấu bóng đá, điều này cũng dễ hiểu vì ở đây tối muộn và thời tiết thì dễ chịu. Mặc dù buổi sáng có nắng gắt nhưng không hề nóng rát như thời tiết Hà Nội, cảm giác đi ra nắng ở Côn Minh rất ấm và không bị ra mồ hôi. Ở Côn Minh ngày dài hơn đêm, 8h tối ( theo giờ địa phương) trời vẫn còn sáng như chiều tà, tầm hơn 8h trời mới tối dần và 9 giờ thì mới tối hẳn. Thời tiết mát mẻ nên ở kí túc xá chúng mình không cần quạt kể cả khi trời có nắng. Đúng là không hổ danh với tên gọi Xuân Thành tức thành phố 4 mùa xuân, mùa nào cũng mát mẻ, có lẽ vì thời tiết dễ chịu nên con người ở đây rất thoải mái, cuộc sống rất bình yên, không xô bồ, ra đường chẳng bao giờ nghe thấy tiếng còi xe, hay những vụ cãi nhau vặt bao giờ.
Tiếp theo phải kể đến đó là những văn minh của người Trung Quốc ở đây. Khi đi bộ qua đường ở Trung Quốc bạn sẽ được các phương tiện khác xe máy, ô tô dừng lại nhường đường cho đến khi bạn đi qua hết. Khi ăn ở nhà ăn trong trường, sinh viên sẽ tự mang khay đồ ăn của mình đến nơi dọn trong đó và rất hạn chế trong việc ăn thừa. Trên mỗi bàn ăn đều có một tấm biển nhỏ ghi rằng “Ăn hết đồ ăn là vinh, bỏ thừa là nhục” và hình những người nông dân đang làm việc vất vả ngoài cánh đồng, ý muốn nhắc nhở chúng ta đừng lãng phí thức ăn, ăn bao nhiêu hãy gọi bấy nhiêu, có lỡ gọi quá thì cũng cố ăn cho hết.
Người dân bản địa ở đây rất hiếu khách, thân thiện. Biết chúng mình là người nước ngoài đến, họ rất nhiệt tình giúp đỡ những lúc khó khăn như cho đi nhờ xe, gọi taxi hộ, đi tìm đồ thất lạc hộ mặc dù cả 2 bên đều không giao tiếp tốt tiếng Trung lẫn tiếng Anh.
Thật là thiếu sót lớn nếu không nói về đồ ăn tại đây. Đặc điểm đồ ăn tại đây là nhiều dầu và cay, nên khi gọi món chúng mình luôn phải bảo ít cay hoặc không cay luôn. Nhưng cũng có khá nhiều món giống ở Việt Nam như cơm rang, gà rán,... nên nói chung chúng mình vẫn ăn được và có một số món ăn nhiều nữa. Nhà trường cho mỗi người 400 tệ tiền ăn và khoảng 1,3 triệu tiền Việt Nam như vậy là khá dư dả để chúng mình khám phá hết các món trong nhà ăn, thậm chí hôm cuối cả đội được "tiêu xả láng" cho hết chỗ tiền trong thẻ, có khi ai cũng sẽ lên cân sau chuyến đi Côn Minh trở về.
Cả đội cùng nhau đi ăn, cùng nhau về như một gia đình
Diễn tấu nhạc cụ truyền thống của Trung Quốc tại đêm giao lưu