Buổi seminar được tổ chức bởi Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc và Viện Fredrich Naumann. Seminar diễn ra với chủ đề “Triển vọng quan hệ kinh tế Mỹ - Trung sau ngày 1/3 và những tác động địa chiến lược, với tính hấp dẫn và thời sự này, seminar thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học, chủ các doanh nghiệp và sinh viên đang theo học các ngành Kinh tế Quốc tế, Quản trị Kinh doanh…
Mở đầu semianar, TS. Phạm Huyền Trang đã trình bày tổng quan mối quan hệ kinh tế Mỹ Trung từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, TS. Trang chỉ ra rằng những năm 50, 60 của thế kỷ trước kinh tế Mỹ bỏ xa kinh tế Trung Quốc nhưng bước sang thế kỷ 20, kinh tế Trung Quốc có nhiều bước tiến mạnh mẽ và khoảng cách này đã được thu hẹp lại rất nhiều. Và có thể đến năm 2030, GDP của Trung Quốc có thể vượt Mỹ trở thành nước có GDP cao nhất thế giới.
Diễn giả cũng chỉ ra rằng, hai cường quốc luôn có những động thái kìm hãm kinh tế lẫn nhau, sự trỗi dậy của nước này là mối lo của nước khác. Các đòn đánh thuế của Mỹ vào hàng hóa Trung Quốc trị giá bao nhiêu thì Trung Quốc ngay lập tức có đòn đáp trả tương đương và cuộc chiến này sẽ còn kéo dài.
Bà dự đoán trong tương lai, có thể Trung Quốc sẽ không còn được hưởng nhiều quyền lợi của nước đang phát triển, hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ nhưng hàng rào phi thuế quan sẽ ngày càng tăng cao. Sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cô lập, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới cũng sẽ có tác động đáng kể đến thương mại và đầu tư quốc tế.