Việt Nam đặt mục tiêu có 3-5 ngân hàng niêm yết ở TTCK nước ngoài, 2-3 ngân hàng nằm trong top 100 châu Á
14/08/2018 07:01

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 986/QĐ-TTg.


Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước; mở rộng phạm vi thanh tra, giám sát đến các tập đoàn tài chính dưới hình thức công ty mẹ - con, trong đó công ty mẹ là tổ chức tín dụng; đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Basel.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%.

Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp phục vụ các nhóm dân cư chưa hoặc ít được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2018 – 2020 tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp…

Giai đoạn 2021 – 2025 sẽ nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Đưa tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ của các ngân hàng trong tổng thu nhập lên 12 -13% vào năm 2021 và đến cuối 2025 vào khoảng 16-17%; hoàn thành việc niêm yết các ngân hàng cổ phần; nâng cao vốn pháp định cho các quỹ tín dụng nhân dân.

Nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3% (không bao gồm nợ xấu của các TCTD đã được Chính phủ phê duyệt phương án xử lý).

Chiến lược cũng đưa ra một loạt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ, công tác quản lý ngoại hối và vàng; phát triển, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng…

Thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về: Hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp; khung pháp lý về hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ; Hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giao dịch trên thị trường chứng khoán và chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán để giao dịch công khai, minh bạch vào thời điểm thích hợp…

Giai đoạn 2018-2020, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng (cấu phần về tập đoàn tài chính).

Giai đoạn 2021-2025, sẽ xây dựng và triển khai 03 dự án luật: Dự án Luật Các hệ thống thanh toán; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm tiền gửi; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...


Ngọc Toàn