Cách đây khoảng 10 năm, tôi có quen một đồng nghiệp lớn tuổi, người Việt được bổ nhiệm làm giáo sư ở đại học nước ngoài. Ông kể, tại vòng xét duyệt cuối cùng, trong khi các thành tựu về nghiên cứu và giảng dạy (là hai tiêu chí truyền thống) đều đã thoả mãn, hội đồng khoa học khi đó vẫn còn hơi chút lăn tăn với các kết quả phục vụ cộng đồng (community service) của ông và yêu cầu thu thập thêm minh chứng. Người đồng nghiệp này sau đó tìm thêm được một số bài báo, bình luận chuyên môn đã đăng trên các báo phổ thông trong nước. Và mặc dù không hiểu tiếng Việt, hội đồng khoa học cuối cùng cũng thông qua và bổ nhiệm người đồng nghiệp này làm giáo sư.
Hình thức 2: Nhà khoa học dùng các kiến thức chuyên môn đã được chứng minh để kiến giải về một hiện tượng xã hội
Hẳn độc giả còn nhớ một chương trình truyền hình sau này gây “bão” trên mạng xã hội, trong đó nhà báo Tạ Bích Loan hỏi TS. Phạm Mạnh Hà (chuyên gia tâm lý hành vi, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) về hành động chia sẻ clip trên mạng xã hội và TS. Hà dẫn ra nghiên cứu của Mccelland rồi nhận định rằng một trong những động cơ của việc chia sẻ này là để “thể hiện quyền lực”.
Tương tự, chúng ta cũng thường xuyên gặp các bác sỹ lên truyền hình trả lời một số thắc mắc về bệnh lý của bệnh nhân. Hẳn nhiên, các bác sỹ này không trực tiếp thăm khám người bệnh, nhưng thông qua mô tả, họ hoàn toàn có thể chẩn đoán bệnh dựa trên các kiến thức y khoa đã biết.
Thực tế, trong ngôn ngữ khoa học (ghi trong các bài báo khoa học), hình thức này còn được gọi là “nêu giả thiết”.
Hình thức 3: Nhà khoa học nhận xét về hiện tượng/tình huống dựa trên cảm nhận, kinh nghiệm cá nhân
Trong hình thức này, nhà khoa học không hề trực tiếp thực hiện nghiên cứu với hiện tượng/tình huống đang thảo luận; cũng không đưa ra các căn cứ khoa học (lý thuyết hay các kiến thức khoa học đã được xác lập). Đơn giản, nhà khoa học chỉ đánh giá, nhận định về hiện tượng từ trải nghiệm, cảm nhận cá nhân.
Công chúng nên có thái độ đánh giá như thế nào?
Một mặt, công chúng rất nên hoan nghênh việc thể hiện trách nhiệm của nhà khoa học thông qua các phát ngôn trên các phương tiện truyền thông. Mặt khác, công chúng cũng cần có cách tiếp cận đúng khi nhìn nhận về phát ngôn của nhà khoa học.
Với hình thức phát ngôn thứ nhất, thường thì nhà khoa học sẽ nói rõ ngay, công trình khoa học của họ được công bố ở đâu, thời điểm nào (nếu phát ngôn ở dạng văn bản như một bài viết, trả lời phỏng vấn thì thậm chí có thể có đường link kết nối với công trình đã công bố). Trong hình thức này, mức độ tin cậy, chính xác của nhận định, nhận xét của nhà khoa học là cao vì ít nhất công trình của người này đã được một tập san khoa học xem xét, phản biện và công bố.
Trong hình thức thứ hai, thường thì nhà khoa học sẽ nêu tên lý thuyết hoặc đối sánh hiện tượng đang bình luận với một nghiên cứu nào đó. Hình thức này nói chung cũng có mức độ chính xác, tin cậy đáng kể nhưng hẳn nhiên thấp hơn so hình thức thứ nhất. Bởi kể cả với những lý thuyết, kiến thức đã được xác lập, thì vẫn có trường hợp ngoại lệ. Hoặc việc lựa chọn lý thuyết/nghiên cứu liên quan của nhà khoa học lại không chính xác, dẫn đến khả năng kiến giải bị kém đi cũng là điều bình thường.
Với hình thức thứ ba, có thể nói, phát ngôn của nhà khoa học cũng nên được đánh giá như của bất kỳ người bình thường nào.
Tất nhiên, với những nhà khoa học có uy tín, họ sẽ rất thận trọng trong phát ngôn của mình, nhưng công chúng cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào tính chính xác trong phát ngôn của nhà khoa học ở hoàn cảnh này. Có thể khi đó, nhà khoa học, vì một lý do nào đó, ví dụ do quan hệ thân thiết với toà soạn, không nỡ từ chối phỏng vấn nên buộc phải xuất hiện trả lời trong khi không thực sự có kiến thức chuyên môn; hoặc đơn giản là muốn nêu ý kiến cá nhân của mình như một người dân bình thường. Trong bối cảnh khác, cũng có khả năng họ xuất hiện trước báo chí với danh xưng nhà khoa học nhưng lại phục vụ cho mục tiêu phi khoa học, chẳng hạn, vì muốn lên mặt báo để nổi tiếng hoặc để quảng cáo cho một sản phẩm/dịch vụ nào đó.