PV: Chào Hiền, được biết bạn là một sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học. Bạn đã đạt giải thưởng về nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN và có bài báo được đăng trên tạp chí uy tín ngay từ khi còn là sinh viên của Khoa KTPT - Trường ĐHKT. Theo bạn, kỹ năng nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng như thế nào với sinh viên?
Chào bạn, theo mình kỹ năng nghiên cứu khoa học là rất cần thiết đối với sinh viên và đó cũng là một kỹ năng được chú trọng đào tạo cho sinh viên ở các trường đại học, đặc biệt là ở Trường Đại học Kinh tế. Các bạn có thể thấy, các thầy cô giáo luôn nhắc đến sự cần thiết của kỹ năng này. Khi theo học chuyên ngành Kinh tế Phát triển ở Trường ĐHKT, ngay từ năm học thứ 2 mình đã được trang bị bước đầu với môn Phương pháp nghiên cứu kinh tế. Đây là một môn học nhằm mục đích trang bị cho sinh viên những khái niệm đầu tiên và tổng quan về các bước làm một bài nghiên cứu. Đến năm thứ 3 đại học, sinh viên sẽ được khuyến khích ứng dụng những kiến thức này vào thực tiễn nghiên cứu một chủ đề cụ thể. Năm thứ 4, các bạn thực sự áp dụng kỹ năng nghiên cứu cho việc làm khóa luận tốt nghiệp. Nói một cách khác, kỹ năng nghiên cứu sẽ xuyên suốt toàn bộ chương trình đại học.
Hiền tại Trường Waikato
Đối với bậc học cao học, kỹ năng nghiên cứu là vô cùng quan trọng. Đầu tiên, các môn học ở bậc học thạc sĩ sẽ yêu cầu các bạn đọc và phân tích theo kiểu tư duy phản biện. Các bạn đã từng làm nghiên cứu thì sẽ hiểu rõ điều này. Thông thường, các sinh viên học chương trình thạc sĩ được yêu cầu viết các bài luận thể hiện quan điểm về một hoặc một số vấn đề cụ thể tùy theo ngành học. Để hoàn thành tốt các bài tập loại này, người học cần có khả năng tổng hợp và lập luận chắc chắn để phân tích chính xác và đưa ra các mệnh đề có tính thuyết phục cao. Ngoài ra, cuối khóa học, nếu các bạn có ý định làm khóa luận tốt nghiệp thì các kỹ năng trên sẽ quyết định sự thành công của nghiên cứu. Thông thường luận văn có thể chiếm 1/6 đến toàn bộ số tín chỉ của khóa học thạc sĩ. Đồng nghĩa với việc đăng ký nhiều tín chỉ cho khóa luận, chất lượng khóa luận của các bạn sẽ càng có yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu.
PV: Bạn có thể mô tả chi tiết hơn cách thức thực hiện các bài luận/ khóa luận này không? Và những điểm nào cần phải lưu ý để có thể hoàn thành được bài nghiên cứu?
Điểm chung của cả hai loại khóa luận này là các bạn được yêu cầu viết đề xuất nghiên cứu (proposal) để được phê duyệt và tìm giáo viên hướng dẫn. Đề xuất nghiên cứu không yêu cầu quá chi tiết nhưng lại là một bản thảo quan trọng. Trong bản thảo này các bạn cần làm rõ được tên đề tài, bối cảnh nghiên cứu, động lực nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu, khung thời gian nghiên cứu. Vì vậy, bản đề xuất dù ngắn nhưng lại rất cô đọng và đòi hỏi các bạn có sự đầu tư kỹ lưỡng. Một bản đề xuất tốt cũng đồng nghĩa với việc các bạn sẽ “đỡ mệt” khi bắt tay vào viết bài hoàn chỉnh.Trong bài nghiên cứu, tổng quan nghiên cứu (literature review) luôn đóng góp một phần quan trọng để chỉ ra cho các bạn biết những gì đã được làm và những gì chưa được làm trong lĩnh vực mà bạn đang làm. Ở đây, kỹ năng tổng hợp và chọn lọc thông tin phù hợp với đề tài nghiên cứu rất quan trọng. Ở bước này, các bạn sẽ “search” và “research” nhiều lần. Kết quả được kỳ vọng là một bản tổng quan nghiên cứu ngắn gọn nhưng đầy đủ và súc tích. Từ đó, bạn có thể chỉ ra được những đóng góp trong đề tài nghiên cứu của bản thân cho lĩnh vực mà bạn nghiên cứu.
PV: Mọi người thường nói cách khó nhất khi bắt tay vào nghiên cứu chính là định hình phương pháp nghiên cứu và quy trình nghiên cứu. Bạn đã tiếp cận và lựa chọn phương pháp nghiên cứu như thế nào?
Khi lựa chọn phương pháp nghiên cứu, cho dù được giáo viên hướng dẫn cố vấn nhưng bản thân các bạn chính là người cần trả lời câu hỏi “tại sao bạn lại dùng phương pháp này mà không phải phương pháp khác?”. Đến khi ra được kết quả, bạn sẽ cần phân tích kỹ lưỡng để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu mà bạn đã đặt ra từ ban đầu. Quy trình của một bài nghiên cứu luôn có sẵn trong bất cứ một sách hướng dẫn nghiên cứu nào. Tuy nhiên, để thực sự hiểu được cách thức hoạt động của những bước này và rút ra được kinh nghiệm cho bản thân thì tự thân nghiên cứu luôn là một điều cần thiết.
PV: Chúng ta đã bàn đến kỹ năng nghiên cứu khoa học khi còn ngồi trên ghế Nhà trường. Vậy kỹ năng nghiên cứu khoa học có thực sự hữu ích trong công việc khi ra trường?
Thực tế là đối với các công việc không liên quan nhiều đến học thuật, kỹ năng nghiên cứu vẫn luôn hữu ích. Bởi với bất kỳ loại hình công việc nào, các bạn cũng cần có được kỹ năng tìm kiếm thông tin và xử lý thông tin nhanh gọn và chính xác. Thông qua quá trình thực hành các nghiên cứu khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các bạn sẽ tạo dựng cho mình được các kỹ năng này.
PV: Vậy có phải chính những kỹ năng đó sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sinh viên sau khi ra trường?
Chính là như vậy! trên thị trường lao động có tính cạnh tranh cao hiện nay, người đi làm đòi hỏi rất nhiều kỹ năng. Việc trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng là rất quan trọng. Một trong những điều tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các bạn sau khi ra tốt nghiệp chính là kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề. Những kỹ năng này sẽ được tạo dựng một cách bài bản thông qua quá trình thực hiện các nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc.
Nói tóm lại, cho dù bạn theo đuổi con đường học thuật hay đi làm bất cứ công việc gì thì kỹ năng nghiên cứu luôn là hành tranh cần thiết để các bạn tham gia vào thị trường lao động.
PV: Bạn có muốn chia sẻ điều gì với các em sinh viên Trường ĐHKT đang chuẩn bị cho mùa nghiên cứu khoa học sắp tới không?
Mình muốn chúc các bạn sinh viên may mắn và sẽ tìm cho mình một đề tài yêu thích để khám phá, nghiên cứu và hãy nhớ rằng, dù làm bất kỳ cái gì, cũng hãy giữ cho mình ngọn lửa đam mê nhé!
Cảm ơn Hiền đã tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc cho Hiền sẽ có thêm nhiều thành công trong công việc hiện tại và mong sớm được gặp Hiền trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Hiền, cựu sinh viên QH-2008-E KTPT Thành tích: - Giải Nhất nghiên cứu Khoa học sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2012. - Học bổng thạc sĩ Phát triển nông thôn và vùng tại Viện Công nghệ Châu Á - Thái Lan 2015; - Học bổng Thạc sĩ quản lý tại Đại học Waikato - New Zealand, 2016. - Hiện đang là thực tập sinh cho tổ chức lao động thế giới (ILO) có trụ sở tại Bangkok. |