Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Đại học Quốc gia "Xây dựng thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh cho các mặt hàng nông sản chiến lược của Việt Nam" do TS. Đinh Xuân Cường, Phó Chủ nhiệm Khoa TCNH, Trường ĐHKT làm chủ nhiệm đề tài.
Mục đích của hội thảo là chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề dự báo biến động của thị trường hàng hóa Việt Nam trong năm 2017. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nghiên cứu xây dựng thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh cho các mặt hàng nông sản chiến lược, phục vụ sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp và hội nhập vào thị trường hàng hóa toàn cầu.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách, các trường đại học, viện nghiên cứu, các ngân hàng thương mại... Về phía Trường ĐHKT, có TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Ban chủ nhiệm Khoa TCNH cùng toàn thể các cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của Khoa.
Các tham luận cho thấy vai trò của việc xây dựng và phát triển thị trường giao dịch hàng hóa nông sản đối với nền kinh tế, đặc biệt là những nước coi nông nghiệp là một ngành mũi nhọn như Việt Nam. Dựa trên việc phân tích kinh nghiệm một số quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á và châu Phi, các báo cáo đã chỉ ra những bất cập và hạn chế cho việc phát triển thị trường giao dịch nông sản phái sinh ở Việt Nam.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý và tham luận sôi nổi của các chuyên gia tham dự. Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, Việt Nam nên tổ chức tốt thị trường trong nước, phát triển song song với phát triển Sở giao dịch nội địa, tận dụng những lợi thế có sẵn của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đề tài làm rõ những cải cách trong thể chế Luật đất đai và vai trò của Hiệp hội trong việc phát triển Sở giao dịch hàng hoá. Chuyên gia Phạm Khắc Hoè, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhấn mạnh đến các nguyên nhân khiến cho việc phát triển Sở giao dịch hàng hoá thất bại. Ông cho rằng, việc nâng cao nhận thức về phái sinh của các đối tượng có liên quan như các NHTM, người nông dân, doanh nghiệp... là thực sự quan trọng.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài về mô hình tổ chức và phương thức vận hành sàn giao dịch nông sản, phân tích thực trạng hoạt động của các sàn giao dịch nông sản ở Việt Nam thời gian qua đã được trình bày qua các tham luận, cùng với những ý kiến trao đổi, hội thảo đã cho thấy một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch nông sản thời gian tới đó là:
Hoàn thiện hệ thống pháp lý cho phù hợp với thông lệ quốc tế về thị trường phái sinh hàng hóa;
Phát triển đa dạng các loại hàng hóa cơ sở: Ngoài việc nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, nhà nước cần xây dựng quy hoạch tổng thể về đầu tư cơ sở hạ tầng trong từng giai đoạn theo hướng gắn với vùng nguyên liệu, từ đó xác định được định hướng đầu tư từ những nguồn lực có thể huy động được (trung ương, địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất) cho các ngành hàng có tỷ trọng cao trong đóng góp với nền kinh tế;
Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đồng bộ hệ thống công nghệ để thu thập, xử lý, phân tích thông tin nhanh chóng, chính xác;
Đầu tư tài chính, phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng tham gia trên sàn giao dịch, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề cho các đối tượng tham gia vào sàn giao dịch nông sản.
Hội thảo đã mở ra hướng nghiên cứu về xây dựng các thị trường phái sinh nói chung và thị trường phái sinh hàng hóa nói riêng, tạo ra diễn đàn trao đổi học thuật, kinh nghiệm thực tiễn, kết nối các nhà học giả, nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách.