Về phía Trường ĐHKT, có TS. Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, đại diện các phòng ban chức năng và các khoa đã đến dự.
Tại hội thảo, báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam đề cập đến vấn đề đào tạo Chuyên ngành Kinh tế biển theo hướng tiếp cận “đa ngành”, làm sáng tỏ mục tiêu của hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển theo tiêu chí bền vững. PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh: “Trong một thế giới chuyển đổi và toàn cầu hóa với vai trò đặc biệt quan trọng của biển và đại đương thì tính phụ thuộc lẫn nhau thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến các quốc gia và khu vực, ngược lại sự phát triển đúng hướng, bền vững và hiệu quả nền kinh tế biển của một quốc gia ven biển như Việt Nam sẽ đóng góp không nhỏ trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững cùng với 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ".
Cũng tại hội thảo lần này, các nhà khoa học đồng thời là giảng viên của Chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển đã trình bày những nghiên cứu cập nhật các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế bền vững biển, đảo Việt Nam. TS. Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo chia sẻ về hiện trạng ô nhiễm môi trường vùng vịnh ven biển trước sức ép của các hoạt động kinh tế - xã hội trong những năm gần đây. Đặc biệt, năm 2016, với hàng loạt sự cố môi trường biển liên quan đến vịnh Vũng Áng gây ra ô nhiễm môi trường vịnh và vùng lân cận, đồng thời suy giảm hệ sinh thái biển, thiệt hại nghiêm trọng đến các ngành nghề đánh bắt hải sản, du lịch, kinh tế biển khác và công tác giải quyết sự cố môi trường thì lúng túng, bị động. Bài báo đề xuất cần phải có cơ chế đặc biệt quản lý vùng vịnh ven biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững.
“Phát triển bền vững kinh tế biển từ thực tiễn của tỉnh Thái Bình” là tiêu đề bài báo cáo của TS. Cao Ngọc Lân - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày thực trạng, mục tiêu và giải pháp phát triển kinh tế Tỉnh Thái Bình gắn với lợi thế và tiềm năng biển của địa phương và theo hướng bền vững.
Phần thảo luận giữa các đại biểu tham dự hội thảo diễn ra trên tinh thần tích cực, xây dựng và bảo đảm hiệu quả, chất lượng của Hội thảo, nhiều đóng góp, hợp tác phát triển cho chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển.
Tổng kết hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi đã đưa ra các kết luận quan trọng từ các bài báo cáo và phiên thảo luận: Các định hướng cho hoạt động nghiên cứu trong phát triển kinh tế biển, những định hướng, giải pháp đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển bền vững và mong muốn các tổ chức nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các cơ quan có các hoạt động liên quan đến biển tăng cường phối hợp với Trường ĐHKT trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực biển của Việt Nam.
Hội thảo “Nghiên cứu và đào tạo vì sự phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam” là diễn đàn khoa học hữu ích để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế biển Việt Nam trong thế kỷ 21, thế kỷ của đại dương.