Hội thảo chính sách công và phát triển lần thứ 6:" Đông Á và Thái Bình Dương: Từ đảo chiều suy thoái đến khôi phục kinh tế"
10/11/2009 14:08

Ngày 10/11/2009, tiếp theo thành công của các hội thảo Chính sách công và Phát triển trước, hội thảo Chính sách công và Phát triển lần thứ 6 với chủ đề “Đông Á và Thái Bình Dương: Từ đảo chiều suy thoái đến hồi phục kinh tế” đã được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.


Hội thảo do ông Ivailo Izvorski, chuyên gia kinh tế cao cấp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) thuyết trình.
Hội thảo lần này thu hút sự quan tâm các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cùng với sự có mặt của lãnh đạo Khoa KTPT - Trường ĐHKT, các giảng viên và sinh viên nhà trường. Ông Ivailo Izvorski bắt đầu buổi hội thảo bằng việc giới thiệu một cách tổng quan về quá trình hồi phục của nền kinh tế khu vực Đông Á sau cuộc khủng hoảng vừa qua. Thông qua các dữ liệu và tình hình thực tế ông Ivailo Izvorski đã cho thấy khu vực Đông Á đang trên đà hồi phục một cách nhanh chóng và rõ rệt nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Mặc dù thế giới vừa trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ II, tuy nhiên đối với khu vực Đông Á thì cuộc khủng hoảng tài chính của Châu Á năm 1997-1998 có hậu quả và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng này. Đồng thời diễn giả cũng đi vào nhấn mạnh vai trò đầu tầu của Trung Quốc trong công cuộc khôi phục lại nền kinh tế của khu vực cũng như trên thế giới. Với vai trò là nước xuất khẩu lớn thứ 2 và đồng thời là một trong những nước tiêu thụ hàng hóa hàng đầu Trung Quốc đã giúp cho tình hình xuất khẩu của khu vực Đông Á tăng lên đáng kể.
Ông Ivailo Izvorski tiếp tục hội thảo bằng việc đề cập đến quá trình chuyển đổi từ đảo chiều suy thoái đến hồi phục kinh tế của khu vực Đông Á và ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của những gói kích thích tài chính cung cấp bởi chính phủ của các nước khu vực Đông Á. Việt Nam xếp thứ 2 (chỉ đứng sau Singapore) trong cường độ của các gói kích thích (được xem là một tỷ lệ phần trăm của GDP) trong năm 2009.
Diễn giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược tăng trưởng trong tình hình hiện tại. Ông khuyến nghị cơ cấu lại nền kinh tế trong nước nhằm cải thiện và đáp ứng nhu cầu nội địa đối với một số nước trong khu vực và đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập khu vực, toàn cầu hóa và gắn kết trong nước. Ông cũng đề cập đến những rủi ro mà hiện tại mà các nước trong khu vực đang phải đối mặt trong đó bao gồm sự tăng trưởng chậm trong nền kinh tế phát triển dẫn đến chậm chạp trong xuất khẩu đối các nước Đông Á, sự suy giảm của ngoại tệ (chủ yếu là đôla Mỹ), và các vấn đề liên quan đến dòng vốn và một số “bong bóng kinh tế”. 
Tiếp đó, phần thảo luận của hội thảo do ông Izvorski và TS. Vũ Quốc Huy (Chủ nhiệm Khoa KTPT) chủ trì đã mở rộng thêm về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
Hầu hết các đại biểu tham gia hội thảo đều đồng ý rằng Việt Nam đã cho thấy những dấu hiệu khả quan trong công cuộc hồi phục sau cơn khủng hoảng vừa qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức điều hành của chính phủ trong việc giải quyết một số vấn đề như lạm phát, sự suy giảm của tỷ giá hối đoái, cũng như không thể tránh khỏi việc các gói kích thích tài chính sẽ bị cắt giảm trong tương lai. Ông Izvorski cho rằng Việt Nam còn có thể tăng trưởng hơn nữa, vì hiện tại Việt Nam vẫn chưa hiện diện trong mạng lưới sản xuất của khu vực.


Thùy Linh (Khoa KTPT) - Thùy Dung