TS. Nguyễn Trúc Lê: Các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt đối với trường đại học nghiên cứu, vì đó là nòng cốt cho việc xây dựng và thực hiện mũi nhọn nghiên cứu, cho ra đời các dòng sản phẩm cụ thể, mang tính trường phái. Tình trạng phổ biến hiện nay của các trường đại học là giảng viên chỉ tập trung vào giảng dạy, với khối lượng giảng dạy rất lớn. Như thế, các giảng viên không còn hoặc còn rất ít thời gian nghiên cứu. Vì thế, kết quả nghiên cứu cũng rất hạn chế tản mát trên cơ sở cá nhân.
TS. Nguyễn Trúc Lê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN |
Việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh chính là đẩy mạnh việc chuyên môn hóa và tập trung hóa, tạo ra một lợi thế cho một số các giảng viên có thiên hướng nghiên cứu. Trên cơ sở đó mở rộng hợp tác và thúc đẩy chuyên môn, chất lượng nghiên cứu có thể cạnh tranh trên thị trường khoa học. Nếu phát huy được điều này, thì các đại học có thể khai thác được nguồn lực chất xám và thời gian cũng như chuyên môn của tập thể giảng viên và đội ngũ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐHKT |
- Được biết Nhà trường đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có giá trị cao chuyển giao cho Đảng, Nhà nước (cụ thể là Hội đồng Lí luận TƯ, tổ chức nước ngoài, tập đoàn kinh tế), Tiến sĩ có thể cho biết cụ thể hơn về ý nghĩa của hoạt động này trong việc góp phần vào việc giải quyết các bài toán lớn của đất nước?
TS. Nguyễn Trúc Lê: Qua hơn 6 năm phát triển (2008-2014) nhóm nghiên cứu mạnh đầu tiên về kinh tế vĩ mô, và đã đạt được một số thành công ban đầu, Nhà trường đã rút ra nhiều bài học về tổ chức thực hiện. Về thành tựu, chỉ tính riêng Chương trình nghiên cứu “Kinh tế học vĩ mô và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam” đã xây dựng được nền tảng nghiên cứu theo hai hợp phần lớn. Hợp phần thứ nhất liên quan đến việc nghiên cứu phát triển các lí thuyết và công cụ phân tích kinh tế vĩ mô hiện đại, với định hướng ứng dụng cho điều kiện Việt Nam.
Hợp phần thứ hai liên quan đến các nghiên cứu ứng dụng, gắn liền với thực tiễn Việt Nam trong thời điểm thực hiện nghiên cứu. Do đó, các nghiên cứu thuộc hợp phần thứ nhất nghiêng nhiều hơn về nền tảng lí thuyết và công cụ, còn các nghiên cứu thuộc hợp phần thứ hai nghiêng nhiều hơn về phân tích và thảo luận chính sách, hoặc dự báo tình hình kinh tế thực tiễn.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2009-2013, Chuỗi báo cáo đã bảo đảm được tính liên tục với chất lượng luôn được cải thiện, cụ thể như: Suy giảm và thách thức đổi mới (năm 2009); Lựa chọn để tăng trưởng bền vững (xuất bản tiếng Anh và Việt, năm 2010:); Nền kinh tế trước ngã ba đường (xuất bản tiếng Anh và Việt, năm 2011); Đối diện thách thức tái cơ cấu (hai thứ tiếng Anh - Việt, năm 2012:); Gập ghềng đường tới tương lai (hai thứ tiếng Anh - Việt, năm 2013).
Chuỗi báo cáo được giới chuyên môn đánh giá cao, có tác động tới giới hoạch định chính sách và gây tiếng vang trong dự luận. Cho tới nay, Báo cáo đã trở thành một sản phẩm quen thuộc trong đời sống kinh tế-xã hội của Việt Nam. Năm 2012, Chuỗi báo cáo được nhận Giải thưởng Bảo Sơn về phát triển bền vững.
Ngoài ra, một số chương trình nghiên cứu quy mô lớn, dài hạn đã được Nhóm nghiên cứu mạnh tại VEPR hoàn thành và thu được kết quả cao như: Dự án nghiên cứu “Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vấn đề kiều hối và thực trạng nghèo đói tại Châu Á” (Global Crisis, Remittances, and Poverty in Asia) - phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Dự án nghiên cứu “Lạm phát ở Việt Nam từ năm 2000: Từ các bằng chứng vi mô đến các nhân tố vĩ mô quyết định lạm phát” - phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Dự án Nâng cao năng lực Xây dựng và Phân tích Chỉ số Lành mạnh Tài chính phục vụ việc Đánh giá Môi trường Kinh doanh - phối hợp với ADB, Dự án nghiên cứu “Hướng tới một hệ thống chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô dài hạn cho Việt Nam” - do Bộ Hải ngoại Vương quốc Anh tài trợ, v.v…
- Với kết quả nhóm nghiên cứu đạt được, Tiến sĩ có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm từ việc hình thành, phát triển và triển khai nhóm nghiên cứu mạnh trong môi trường đại học?
TS. Nguyễn Đức Thành: Từ kinh nghiệm của người chịu trách nhiệm triển khai và phát triển một nhóm nghiên cứu mạnh, tôi cho rằng nhóm nghiên cứu mạnh thành công có ý nghĩa quan trọng khẳng định tính chất nghiên cứu của các trường đại học nghiên cứu. Việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh giúp xây dựng và khẳng định vị thế của trường đại học trong giới nghiên cứu nhanh hơn và hiệu quả hơn. Bởi vì bản chất đó là một quá trình tập trung hóa và chuyên môn hóa, giúp đi nhanh và đi sâu vào một lĩnh vực nghiên cứu nào đó, tạo ra sức cạnh trạnh trên thị trường nghiên cứu, mà trước đây chỉ do các viện nghiên cứu nắm lợi thế.
Các trường đại học để hình thành được một bản sắc nghiên cứu riêng của mình có thể sẽ mất thời gian lâu hơn để khẳng định, vì đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên của đại học bị chi phối nhiều vào công việc giảng dạy. Vì thế, việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh sẽ giúp các đại học đi nhanh hơn vào lĩnh vực nghiên cứu. Trên cơ sở những thành công và tiếng vang trong nghiên cứu, các thành viên của nhóm, các giảng viên của trường, sẽ được khích lệ và tiếp tục mở rộng nghiên cứu, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua kinh nghiệm nghiên cứu thực tiễn phong phú hơn. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và tri thức sẽ được lan tỏa đến sinh viên, đặc biệt các nhóm học viên sau đại học. Đó chính là đội ngũ kế cận để tiếp tục bồi đắp và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh và cũng chính là cơ sở cho các đại học nghiên cứu.
- Những điều kiện quan trọng nào để các nhóm nghiên cứu này có thể tồn tại bền vững và lâu dài?
TS. Nguyễn Trúc Lê: Qua theo dõi kinh nghiệm xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh tại Trường ĐHKT, đặc biệt với 6 năm hoạt động với sự phát triển liên tục và từng bước gặt hái được thành công của Nhóm nghiên cứu “Kinh tế vĩ mô và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam”, tôi thấy có thể rút ra một số bài học cho kinh nghiệm thành lập và phát triển Nhóm nghiên cứu mạnh tại ĐHQGHN như sau: Thứ nhất, nhóm nghiên cứu cần xác định một Chương trình nghiên cứu có mục tiêu rõ ràng. Mục tiêu không dàn trải, mà chỉ giới hạn vào một chuyên môn sâu. Thứ hai, các thành viên nhóm nghiên cứu có chuyên môn và nhiệt huyết trong lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt có khát vọng muốn xây dựng ngành/nhánh khoa học đó tại Việt Nam. Thứ ba, Trưởng nhóm Nghiên cứu là người có năng lực chuyên môn, tâm huyết với nghề và có khả năng tổ chức, tập hợp. Để phát huy được năng lực và vai trò của Trưởng nhóm, cần xác định rõ vị trí của Trưởng nhóm, trao quyền độc lập cho Trưởng nhóm. Thứ tư, cần có một thể chế đi liền với Nhóm nghiên cứu, ví dụ một Trung tâm, Viện hoặc Phòng thí nghiệm độc lập. Với khoa học xã hội, đơn vị này nên hoạt động theo cơ chế 115. Đơn vị này là bộ máy hành chính để triển khai Chương trình Nghiên cứu mà Nhóm theo đuổi. Trưởng nhóm là thủ trưởng trực tiếp của đơn vị này (Giám đốc Trung tâm, Viện trưởng,…) và làm việc toàn thời gian. Thứ năm, nhóm nghiên cứu, thông qua đơn vị nêu trên, cần có tinh thần mở, liên kết với các nhà khoa học trong ngành, có chuyên môn cao, mà không phân biệt trong hay ngoài ĐHQGHN. Đây là yếu tố rất quan trọng. Có thể coi tổ chức, đơn vị này như một “đặc khu kinh tế tự do” nằm trong ĐHQGHN. Giao quyền độc lập cho Trưởng nhóm nghiên cứu trong việc hoạch định phát triển, kết nối, hợp tác khoa học và quốc tế. Thứ sáu, ĐHQGHN, trực tiếp, hoặc thông qua trường đại học thành viên, hỗ trợ đơn vị này dưới ba hình thức sau: 1) Cung cấp cơ sở vật chất căn bản (phòng làm việc, các dịch vụ hạ tầng như điện, nước, bảo vệ, vệ sinh, mạng internet…); 2) Hỗ trợ hệ thống đề tài thuộc ĐHQG trong lĩnh vực này thông qua giao một nhiệm vụ chiến lược, với cơ chế hợp đồng nghiên cứu, giảm tối đa các thủ tục hành chính và tài chính; 3) Hỗ trợ một số biên chế tối thiểu để duy trì đơn vị (biên chế với lương cơ bản cho bộ máy lãnh đạo và một số cán bộ hành chính cơ hữu cốt lõi - ví dụ kế toán). Thứ bảy, giảm tối đa các khoản đóng góp tài chính từ Nhóm nghiên cứu đối với đơn vị chủ quản, vì mục tiêu của các Nhóm nghiên cứu mạnh là xây dựng uy tín khoa học và hợp tác học thuật cho đơn vị chủ quản và ĐHQGHN, chứ không phải mục tiêu tài chính. Nên tự tin và nhất quán áp dụng một cách chính xác mô hình “đặc khu kinh tế tự do” trong trường hợp này.