Trong suốt khóa học, các bạn sinh viên đã được cung cấp rất nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử kinh tế, về nền tảng cốt lõi và sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Các bạn được giảng viên khuyến khích tư duy các vấn đề kinh tế - xã hội một cách khoa học, khách quan, duy lý và tách bạch với các quan niệm về đạo đức thông thường, từ đó có được cái nhìn đúng đắn để đánh giá và vận dụng các kiến thức được học vào thực tiễn cuộc sống.
Trong ngày cuối cùng, các học viên đã chia thành 5 nhóm và trình bày các đề tài có liên quan đến việc áp dụng kinh tế thị trường vào Việt Nam dựa trên những lý thuyết đã được các giảng viên truyền dạy. Những chủ đề được các nhóm đưa vào lựa chọn bao gồm: Đưa yếu tố thị trường vào nền giáo dục phổ thông tại Việt Nam; Bàn về chính sách bình ổn giá xăng dầu tại Việt Nam; Việc điểm danh trong các trường đại học; Nên hợp pháp hóa lao động trẻ em?; và Sống thử: nên hay không?.
Thông qua phần trình bày và phản biện lẫn nhau của các nhóm, với sự giúp đỡ từ các giảng viên, các bạn sinh viên đã thể hiện rằng những tư tưởng về kinh tế thị trường đã phần nào được các bạn lĩnh hội và ứng dụng hợp lý.