New Sinh Vien & Hoc Vien
 Search

Nhận diện thách thức và cơ hội tiềm năng cho sinh viên ngành Kinh tế cùng Phó trưởng khoa Kinh tế Chính trị - UEB

Hòa vào xu thế chung toàn cầu hóa quốc tế, cùng cơ hội việc làm ở đa dạng các lĩnh vực ngành nghề khác nhau đã tạo nên sức hút nổi bật, khiến ngành Kinh tế trở thành “thỏi nam châm” đối với thế hệ sinh viên trẻ. Tuy nhiên, sức hút lớn đi cùng  những thách thức lớn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Vậy các em đang và sẽ đối diện với những rào cản nào, làm thế nào để gia tăng lợi thế cạnh tranh của sinh viên ngành Kinh tế trên thị trường lao động thời kỳ hội nhập? Làm thế nào để các em lựa chọn được chuyên ngành đào tạo chuyên sâu đúng đắn, gắn với định hướng nghề nghiệp tương lai? Cùng theo dõi cuộc trò chuyện với PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp, Phó trưởng khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (đơn vị quản lý và đào tạo Ngành Kinh tế).


Phóng viên: Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là đơn vị quản lý và đào tạo sinh viên Ngành Kinh tế. Khoa đã xây dựng chương trình đào tạo của 4 chuyên ngành chuyên sâu gồm: Kinh tế chính trị thế giới; Kinh tế truyền thông; Kinh tế y tế và quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và Quản lý kinh tế. Xin cô chia sẻ điểm khác biệt giữa các chuyên ngành, đặc biệt là phương pháp đào tạo và các vị trí làm việc có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp. Và cô đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm dành cho SV sau khi tốt nghiệp ứng với mỗi chuyên ngành?

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp: 
Như các em đã biết, Khoa Kinh tế Chính trị là đơn vị được Nhà trường giao quản lý và đào tạo sinh viên Ngành Kinh tế. Trên nền tảng kiến thức cơ bản, hiện đại và hệ thống về kinh tế học, các chuyên ngành đào tạo chuyên sâu được Khoa xây dựng với những khác biệt về nội dung và hướng đến vị trí việc làm khác nhau sau khi tốt nghiệp.

Thứ nhất, với Chuyên ngành Kinh tế chính trị thế giới, sinh viên được cung cấp hệ thống kiến thức nền tảng về kinh tế chính trị tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Kinh tế chính trị về nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, Kinh tế chính trị về phát triển kinh tế xã hội Nhật Bản, Kinh tế chính trị về cải cách kinh tế ở Trung Quốc, Kinh tế chính trị Mỹ và chủ nghĩa khu vực trong nền kinh tế toàn cầu,... Từ đó, các em có thể vận dụng để phân tích được các vấn đề liên quan đến chính phủ, chính sách công, kinh tế chính trị quốc tế, cũng như các trụ cột của phát triển bền vững. Sau khi tốt nghiệp, các em có đủ năng lực để làm việc tại các tổ chức kinh tế chính trị xã hội mang tính liên ngành; các tổ chức tư vấn kinh tế, các tổ chức hành chính sự nghiệp, các thể chế kinh tế quốc tế tại Việt Nam.

Kiến thức chuyên ngành Kinh tế Chính trị thế giới được khoa thiết kế gần gũi, cập nhập thông tin mới nhất hỗ trợ sinh viên tiếp thu và tổng hợp kiến thức thời đại
Cơ hội làm việc cho sinh viên chuyên ngành Kinh tế chính trị thế giới

Thứ hai, đối với sinh viên yêu thích ngành Truyền thông, Chuyên ngành Kinh tế truyền thông sẽ cung cấp cho người học hệ thống kiến thức về kinh tế học truyền thông, quản lý truyền thông, công nghiệp sáng tạo, truyền thông quốc tế, truyền thông và phát triển kinh tế xã hội, quản lý truyền thông và khủng hoảng truyền thông. Với nền tảng song song ở cả hai lĩnh vực, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm kiếm cơ hội làm việc tại các các cơ quan truyền thông; đơn vị báo chí truyền thông kinh tế hay trở thành phóng viên kinh tế.

Chương trình được thiết kế nhằm mục tiêu đào tạo cử nhân kinh tế có những kiến thức chuyên sâu và theo sát với thực tiễn về cả hai lĩnh vực Kinh tế và truyền thông - một những chuyên ngành “hot” hiện nay đối với sinh viên trẻ
Cơ hội làm việc cho sinh viên chuyên ngành Kinh tế Truyền thông 

Ngoài hai lĩnh vực trên, y tế và chăm sóc sức khỏe là một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng bởi nhu cầu của xã hội ngày càng tăng cao. Chuyên ngành Kinh tế y tế và Quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Khoa mang đến cho sinh viên đa dạng cơ hội phát triển trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Chuyên ngành cung cấp cho người học hệ thống kiến thức về kinh tế học sức khỏe, quản lý kinh tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế toàn cầu và phát triển, hệ thống bảo hiểm sức khỏe và kinh doanh trong chăm sóc sức khỏe…

Chương trình đào tạo chuyên sâu là sự phối hợp giữa hai lĩnh vực Kinh tế và Y tế, đào tạo sinh viên các kiến thức chuyên ngành đa ngành, mở rộng cơ hội việc làm trong tương lai
Cơ hội làm việc cho sinh viên chuyên ngành Kinh tế Y tế & Quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

Cuối cùng, sinh viên theo học chuyên ngành Quản lý kinh tế tại Khoa sẽ được cung cấp các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về quản lý kinh tế như: phân tích chính sách kinh tế - xã hội; hoạch định phát triển; quản lý và phát triển cộng đồng; quản trị chuỗi cung ứng… Sinh viên tốt nghiệp có thể tự tin trở thành một nhân sự trong các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoặc các cơ sở đào tạo ngành kinh tế; nhân viên trong các tổ quốc tế, và các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì mục tiêu phát triển.

Sinh viên có thể linh hoạt vận dụng kiến thức chuyên ngành để tham gia nghiên cứu, giải quyết các vấn đề kinh tế,...
Cơ hội việc làm cho sinh viên chuyên ngành Quản lý Kinh tế

Với những kiến thức hiện đại về kinh tế học và những hướng đào tạo chuyên sâu, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học ngành kinh tế có định hướng chuyên sâu theo một trong bốn chuyên ngành nêu trên rất phong phú đa dạng, phù hợp và đón đầu xu hướng của thị trường việc làm trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

Phóng viên: Với chuyên ngành chuyên sâu đa dạng như vậy đồng nghĩa với việc sinh viên ngành Kinh tế có nhiều lựa chọn hơn có thể khiến các em sẽ băn khoăn khi lựa chọn chuyên ngành phù hợp với bản thân. Vậy khoa có hỗ trợ và định hướng cho các em như thế nào ạ?

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp: 

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN nói chung và Khoa Kinh tế Chính trị (đơn vị quản lý và đào tạo ngành Kinh tế) nói riêng tự hào với đội ngũ Cố vấn học tập (CVHT) là các giảng viên có kinh nghiệm nhiều năm trong giáo dục đào tạo, tận tâm và sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng sinh viên. Mỗi thầy cô CVHT cùng với giảng viên giảng dạy các học phần sẽ trả lời, giải quyết thắc mắc của sinh viên về nội dung học tập. Thầy cô sẽ là người trực tiếp tư vấn cho sinh viên về các định hướng chuyên sâu có thể lựa chọn phù hợp với khả năng học tập, nguyên vọng của sinh viên, gợi mở và dự báo về thị trường việc làm để hỗ trợ sinh viên đưa ra quyết định lựa chọn chuyên ngành.

Đội ngũ CVHT là niềm tự hào của khoa khi có đều là các giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học có nhiều năm kinh nghiệm trong giáo dục đào tạo cũng như kinh nghiệm trong nghiên cứu, tư vấn chính sách

Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được tăng cường bồi dưỡng các kỹ năng mềm và tham gia các chương trình hướng nghiệp, các sân chơi học thuật do Khoa, Nhà trường, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên tổ chức. Việc trang bị các kỹ năng mềm ngay từ sớm sẽ giúp các em có thêm hành trang cần thiết trong cuộc sống và giúp ích cho học tập cũng như công việc sau khi ra trường.

Sinh viên được tham gia đa dạng các hoạt động bồi dưỡng kiến thức và trau dồi kinh nghiệm do Đoàn thanh niên, CLB sinh viên và Khoa tổ chức

Phóng viên: Thưa cô, sinh viên khoa có cơ hội thực tập ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường không? Khoa hỗ trợ sinh viên thực tập như thế nào? 

PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp:

Chương trình thực tập thực tế là hoạt động bắt buộc nằm trong quá trình học của các em. Sinh viên cũng cần hoàn thiện các chương trình kiến tập được Khoa tổ chức thường xuyên tại các viện nghiên cứu, tổ chức kinh tế nhà nước, doanh nghiệp. Đây là hoạt động đào tạo mang tính thực tiễn, không chỉ giúp các em nâng cao kỹ năng làm việc, nắm bắt quy trình vận hành của doanh nghiệp gắn với từng lĩnh vực đặc thù, mà còn gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho bản thân.

Các chuyến field trip hay các sân chơi tri thức được Khoa thường xuyên tổ chức nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và bồi dưỡng kỹ năng mềm cần thiết cho công việc và học tập cho sinh viên ngay từ sớm

Bên cạnh đó, Khoa cũng đồng hành cùng đội ngũ đối tác là các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách tại các Viện Nghiên cứu, các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, tập đoàn,... thường xuyên tổ chức các chương trình JOB FAIR, tuyển dụng trực tiếp sinh viên tại Khoa, mang đến cơ hội làm việc cho sinh viên ngay khi các em đang ngồi trên ghế nhà trường.

Phóng viên: Với các bạn sinh viên năm 3, năm 4, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) như hiện nay, cô gửi lời khuyên các em cần trau dồi thêm những kỹ năng gì để hỗ trợ học tập và việc sau này?

PGS. TS Phạm Thị Hồng Điệp:

Đối diện với sự bùng nổ mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, đặc biệt là sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây, sinh viên ngành Kinh tế cần trang bị kiến thức về công nghệ, trau dồi kỹ năng công nghệ cần thiết hỗ trợ trong học tập và công việc. Đối với sinh viên ngành Kinh tế, chúng tôi thường xuyên bồi dưỡng các lớp học kỹ năng, hướng dẫn các em sử dụng thành thạo thành thạo ít nhất một phần mềm xử lý dữ liệu (SPSS, Eviews, STATA...); tiếp cận với các công cụ phân tích số liệu, đánh giá thống kê.

Bên cạnh đó, các chương trình hội thảo, diễn đàn cùng các học giả quốc tế thảo luận về nội dung ứng dụng của công nghệ khoa học cũng được khoa tổ chức thường xuyên, nhằm tạo nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc cho sinh viên. Đặc biệt, thầy cô trong khoa luôn đi tiên phong về đổi mới và đa dạng hóa phương pháp giảng dạy theo triết lý "lấy người học làm trung tâm" với hệ thống dữ liệu học tập luôn được cập nhật; nhiều nội dung kiến thức được lồng ghép trong các tình huống nghiên cứu (case study), kết hợp với các guest lecturer là những chuyên gia tham gia vào một số nội dung học phần, gắn lý thuyết với thực tiễn sinh động... Từ đó, những kiến thức kinh tế, công nghệ hàn lâm được truyền tải và thu nhận một cách dễ dàng hơn.

Các nội dung kiến thức và kỹ năng về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào học tập và công việc được Khoa tổ chức thường xuyên, với sự tham gia của các guest speaker trong nước và quốc tế

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên của khoa thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo, trau dồi thêm kiến thức về chuyển đổi số và kinh tế số, năng lực dữ liệu để liên tục cập nhật theo biến động của thị trường lao động làm cơ sở để đổi mới liên tục nội dung đào tạo.

Có thể nói, ngành Kinh tế là một ngành học chứa đựng nhiều thách thức nhưng cũng hết sức lý thú và thiết thực với nhiều cơ hội rộng mở về nghề nghiệp trong tương lai. Đối với sinh viên ngành Kinh tế, đặc biệt là các tân sinh viên K69 (niên khóa 2024 – 2028), các em cần phát huy tinh thần học tập, sáng tạo, kiến tạo tương lai vững bền. Thầy cô luôn sẵn sàng chào đón những ứng viên xuất sắc, chúc các em thành công!

Những chia sẻ của PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp - Phó trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Cảm ơn PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp, Phó trưởng khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có những chia sẻ hữu ích dành cho các bạn sinh viên!

Chương trình đào tạo Ngành Kinh tế được thiết kế nhằm mục tiêu đào tạo cử nhân kinh tế có những kiến thức cơ bản, hiện đại và hệ thống về kinh tế học, có những kiến thức chuyên sâu và theo sát với thực tiễn ở đa dạng lĩnh vực; có khả năng nhận diện, truyền đạt, phân tích và vận dụng kiến thức được trang bị để tham gia nghiên cứu, giải quyết các vấn đề kinh tế; để trở thành các chuyên gia tư vấn, thực thi chính sách kinh tế, các nghiên cứu viên, giảng viên kinh tế, các nhà khởi nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế kinh doanh và quản lý.

🔥Ngành Kinh tế (Mã ngành: QHE44) với các chuyên ngành:
🔸Kinh tế chính trị thế giới 
🔸Kinh tế truyền thông
🔸Kinh tế y tế và quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
🔸Quản lý kinh tế

👉👉👉 Thông báo tuyển sinh đại học 2024 TẠI ĐÂY

💥 Đăng ký xét tuyển online TẠI ĐÂY

Hotline tìm hiểu thông tin tuyển sinh sớm 2024: 0913.486.773


Thu Trang - UEB Media

FullName Email
Address Security code UDHUIQ
Content

Other News