New Sinh Vien & Hoc Vien
 Search

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đồng tổ chức Toạ đàm Kinh tế Việt Nam & Thế giới: Những góc nhìn đa chiều về bức tranh kinh tế quý 1-2024

Tại Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và Thế giới quý 1-2024 với chủ đề: “Nhận diện kinh tế quý 1-2024: Mở lối cho kinh tế cả năm 2024” do Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy/ Vietnam Economic Times đồng tổ chức, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý và các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý về bức tranh kinh tế trong 3 tháng vừa qua và những kịch bản dự đoán cho các quý tiếp theo trong năm 2024.


Tọa đàm Kinh tế Việt Nam và Thế giới quý 1-2024 với chủ đề: “Nhận diện kinh tế quý 1-2024: Mở lối cho kinh tế cả năm 2024”

Tọa đàm có sự tham gia của các đại diện cơ quan nhà nước, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu cũng như đại diện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước...Về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Thanh Hương – Phó trưởng Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế; TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế học, Khoa Kinh tế Phát triển.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết: “Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác, Trường Đại học Kinh tế rất hân hạnh được phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Tọa đàm ngày hôm nay. Đây được coi là một diễn đàn mở để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, thảo luận những hiểu biết cũng như những quan điểm về bức tranh kinh tế hiện nay và đề xuất giải pháp thích hợp.

Tôi tin tưởng rằng Toạ đàm sẽ là cơ hội để mở ra nhiều cuộc đối thoại và hành động có ý nghĩa trong tương lai gần. Điều quan trọng là các bên liên quan từ giới học thuật, chính phủ, các ngành nghề kinh doanh và xã hội phải phối hợp để phát huy tối đa tiềm năng của nền kinh tế.”

PGS. TS Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc Toạ đàm

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam, bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong quý 1 có những chỉ số khởi sắc nhưng vẫn đầy lo lắng về những vấn đề ngắn hạn và vấn đề dài hạn như: chưa giàu đã già và làm sao thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình… Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế đã kiến nghị rất nhiều nội dung sát sao, nếu những kiến nghị này thực hiện được sẽ gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

PGS.TS. Vũ Thanh Hương, Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (UEB) - ĐHQGHN, cho rằng: “Những nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và thị trường Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, có thể phải đối mặt với sự giảm sút nhu cầu trong nhiều lĩnh vực từ hóa chất đến điện tử và máy móc. Các công ty và quốc gia có thể phải cân nhắc lại chiến lược kinh doanh và chuỗi cung ứng”. 

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, , Chuyên gia, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhìn chung, kinh tế quý 1 của Việt Nam đang phục hồi, tuy nhiên cũng cần khách quan nhìn nhận, sự phục hồi, tăng trưởng này là dựa trên mức nền thấp của năm ngoái. Cụ thể, năm 2023 mức tăng trưởng quý 1 chỉ ở mức 3,32% , đây là mức rất thấp. Nhưng, theo ông Lực, năm nay các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đang phục hồi khá tích cực.  

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đưa ra con số so sánh khá thú vị. Trong quý 1-2024, tổng số doanh nghiệp nước ta giảm 14 nghìn doanh nghiệp, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn doanh nghiệp. Sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở hầu hết các lĩnh vực là một biểu hiện rõ ràng cho thấy doanh nghiệp và nền kinh tế đang gặp phải những khó khăn đáng kể và tình trạng này đặt ra nhiều vấn đề về sự ổn định và động lực phát triển của các doanh nghiệp, cũng như cả nền kinh tế trong tương lai. 

 

TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, cho rằng, dòng tiền trên thị trường đang "chạy" sang vàng. Dòng tiền, theo ông Hòe sẽ vào vàng rất lớn bởi lợi nhuận tăng cao. Doanh số mua bán vàng của các công ty trong nước trong quý 1 đã và đang rất cao, điều này chứng minh dòng tiền chuyển vào vàng. Hiện nay tiền gửi dài hạn vào ngân hàng đang suy giảm nhưng tiền gửi ngắn hạn đang tăng lên. Ông Hòe cũng đưa ra nhận định, rất có thể từ nay đến cuối năm lãi suất tiền gửi sẽ nhích lên, còn lãi suất tiền vay sẽ có thể biến động ít hơn, và khả năng cũng sẽ nhích lên. 

Sau khi lắng nghe phần trình bày của các diễn giả, phiên thảo luận được điều hành bởi TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam – Vietnam Economic Times và PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

Theo nhận định của các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam quý 1-2024 vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng. Tăng trưởng kinh tế quý đầu năm đạt 5,66%, là mức tăng trưởng cao nhất các quý 1 kể từ năm 2020. Dù chưa bằng cùng kỳ năm 2018 và 2019, nhưng đây được đánh giá là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Các đại biểu tham dự cũng đã đưa ra những đóng góp cụ thể và thiết thực từ chính những doanh nghiệp, cơ quan của mình.

Ông Đào Ngọc Lâm, chuyên gia kinh tế, đưa ra nhận định rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp lớn đang rất khó khăn, doanh nghiệp nhỏ có thể còn đỡ khó khăn hơn. Ông Lâm đưa ra đề nghị cần giảm bớt sự lạc quan bởi tình hình thực tế không sáng như kỳ vọng.  

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chia sẻ, rằng tình hình của doanh nghiệp dệt may trong thời gian vừa qua là rất khó khăn. Yếu tố gây khó khăn nhất theo ông Cẩm chính là về giá, giá các đơn hàng giảm từ 20 tới 50%, dù vậy doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận để có việc làm cho người lao động. Thậm chí, có đơn hàng nhưng doanh nghiệp bị lỗ, vẫn phải chấp nhận để giữ chân người lao động. Rất may, từ đầu quý 1-2024 đến nay, tình hình có vẻ khởi sắc hơn. Đơn hàng đã dồi dào hơn nhưng giá vẫn chưa được như mong muốn nhưng đã bắt đầu có xu hướng nhích lên. Hiện doanh nghiệp dệt may không phải đứng trước tình trạng "cái gì cũng nhận" mà đã có thể lựa chọn đơn hàng...  

Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết năm 2023 tình hình với doanh nghiệp gỗ rất u ám, rất xấu. Các doanh nghiệp đã nhận định, chiều hướng đi xuống sẽ còn tiếp diễn và hình đáy sẽ là đáy chữ U, phải vài ba năm mới hồi phục được. 3 tháng đầu năm nay, có vẻ mọi thứ đã nhích lên, mặc dù chưa được như kỳ vọng. 3 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tăng 23,6%, nhập khẩu tăng 10,3%. Nhìn chung, ngành công nghiệp gỗ, đến thời điểm hiện nay, cần một sự thay đổi về chất. Có cảm giác như truyền thông và các cơ quan quản lý nhà nước đang cung cấp thông tin hơi nặng về thành tích, chưa thực sự phản ánh đúng tình hình của bức tranh.  

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đơn cử như các doanh nghiệp liên quan tới nông nghiệp, thì phải cải thiện năng lực logistict. Để cải thiện được lĩnh vực này, thì không chỉ Chính phủ, các bộ, ban ngành mà các hiệp hội, các doanh nghiệp cũng có vai trò quan trọng. Phải đầu tư bài bản vào hệ sinh thái như kho lạnh, chế biến, vận tải đường sắt, hàng không...  

Ông Nguyễn Vũ Michael, Giám đốc Boeing Việt Nam, chia sẻ rằng ông cảm thấy rất tiếc khi có nhiều doanh nghiệp Mỹ đã tới Việt Nam, các doanh nghiệp này cũng đánh giá rất cao các cơ hội hợp tác, nguồn nhân lực trẻ trung, năng động, nhưng vì nhiều lý do họ đã không ở lại. Đây là điều rất đáng tiếc. Ông Nguyễn Vũ Michael cho rằng, Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn nữa với doanh nghiệp SME để những doanh nghiệp này tận dụng được thời cơ, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp Mỹ. "Không phải doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam họ đều muốn tìm ngay những doanh nghiệp lớn đâu, họ cũng rất cần doanh nghiệp nhỏ và vừa để hợp tác", Giám đốc Boeing Việt Nam khẳng định. 

Qua các phần thảo luận, các chuyên gia đã đưa ra dự báo về bức tranh kinh tế quý 2. Theo các chuyên gia quý 2 và thời gian còn lại của năm 2024, nền kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do những rủi ro và yếu tố bất định trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Các chuyên gia cũng đưa ra nhiều kịch bản tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong các quý còn lại của năm. Theo đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nên kiến nghị trúng, đúng, kiên trì và cần đề xuất giải pháp cụ thể, không chỉ kêu ca. Doanh nghiệp cũng cần chủ động quyết liệt tái cơ cấu, quan tâm quản trị rủi ro (rủi ro an toàn thông tin, dữ liệu, an ninh mạng; rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá, nợ đáo hạn...); chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí...Tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; quan tâm hơn đến năng lực thích ứng, năng lực quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi xanh, nhất là khi các thị trường khó tính như Mỹ, EU… dần đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn xanh nên doanh nghiệp phải chuẩn bị từ bây giờ; thực thi chiến lược chuyển đổi số, gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả, kịch bản ứng phó với các tình huống phát sinh khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn và chịu tác động từ những biến động bất lợi từ tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu gần đây. Bên cạnh đó, cần những định hướng cải cách, giải pháp điều hành nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn cần tiếp tục được thực hiện.

Một số hình ảnh tại Toạ đàm:


Thanh Mai - UEB Media

FullName Email
Address Security code DBGKYJ
Content

Other News