New Sinh Vien & Hoc Vien
 Search

Xuất bản trên các tạp chí khoa học được Hiệp hội Trường Kinh doanh (CABS) xếp hạng

Chiều ngày 10/9/2022, Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Xuất bản trên các tạp chí khoa học được hiệp hội các trường kinh doanh (CABS) xếp hạng”. Đây là tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động UEB Research & Sharing của Trường Đại học Kinh tế. 


Diễn giả buổi tọa đàm là TS. Phạm Thị Song Hạnh, giảng viên Trường Kinh doanh thuộc Đại học Leeds, Vương quốc Anh. Ngoài ra, buổi tọa đàm có sự góp mặt của PGS.TS. Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, TS. Tô Thế Nguyên – Phó Khoa Kinh tế Chính trị, TS. Lưu Ngọc Hiệp – Phó Khoa Tài chính Ngân hàng, TS. Phạm Vũ Thắng - Viện Phó Viện Quản trị Kinh doanh, TS. Trần Thị Hiền - Trưởng Bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Ngọc Anh – Công ty Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Depocen cùng một số giảng viên thuộc Trường Đại học Kinh tế.

Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Phạm Thị Song Hạnh giới thiệu một số hệ thống xếp hạng tạp chí uy tín trên thế giới như “Chartered Association of Business Schools (CABS)”, “Australian Dean Business Council”, “Financial Times 50 Research Ranked Journals”; các hệ thống xếp hạng tại Việt Nam và một số nước đang phát triển áp dụng như “Web of Science”, “Scopus”. Ngoài ra, TS. Song Hạnh đã chỉ ra những tiêu chí quan trọng khi đánh giá mức độ uy tín của một tạp chí. Có một số tạp chí mà các giảng viên trẻ không nên đăng bài hoặc trích dẫn vì có thể ảnh hưởng đến uy tín học thuật như các tạp chí của nhà xuất bản MPDI, Growing Science. Thực tế có nhiều tạp chí uy tín trong ngành quản trị và kinh doanh không phải trả khoản tiền phí nào. Theo TS. Song Hạnh, những nghiên cứu công bố trên các tạp chí tốt theo tiêu chuẩn thế giới giúp tăng chất lượng hồ sơ khoa học cũng như uy tín của mỗi giảng viên, đấy chính là tài sản bền vững của nhà nghiên cứu. Thực hành nghiên cứu hàn lâm cơ bản là thực hành sáng tạo ra lý thuyết mới, mô hình tư duy mới, từ đó công bố trên các tạp chí hàn lâm để phổ biến tri thức mới. Thông thường, giảng viên có khả năng xuất bản hàn lâm được đánh giá là “bậc thầy” của giảng viên chỉ giảng dạy thuần túy vì họ dẫn dắt tư duy của giảng viên chỉ giảng dạy. 

Bên cạnh đó, làm thế nào để nghiên cứu phù hợp và được chấp nhận đăng trên các tạp chí uy tín trong danh mục của CABS? TS. Song Hạnh đã chỉ ra cách thức viết và cấu trúc của từng phần trong bài báo phù hợp với từng tạp chí. Theo bảng xếp hạng ABS, các tạp chí dẫn dắt lý thuyết của chuyên ngành đang được xếp hạng ABS4 và ABS3. Vì vậy, trước khi gửi bài, nhà nghiên cứu cần thiết phải tìm hiểu yêu cầu cụ thể của từng tạp chí để đảm bảo sự đồng nhất và phù hợp cho sản phẩm. TS. Song Hạnh tin tưởng các giảng viên Việt Nam có thể bắt đầu thực hành công bố khoa học bằng cách gửi bài đến các tạp chí ABS1.

Trong phần giao lưu, các nghiên cứu sinh Trường Đại học Kinh tế cũng chia sẻ quan điểm về nghiên cứu, xuất bản; đồng thời đặt ra những câu hỏi để tiếp nhận thêm nhiều kiến thức từ TS. Song Hạnh. Đặc biệt, TS. Lưu Ngọc Hiệp đã chia sẻ cách thức Khoa Tài chính Ngân hàng đang thực hiện khi tập trung đăng bài trên tạp chí được xếp hạng trong các bảng xếp hạng uy tín như ABS, ABDC. Theo đó, Khoa đã áp dụng song song cả ABS, ABDC vào nghiên cứu và đặt chỉ tiêu một năm có ít nhất 30% số bài báo khoa học được xuất bản trên các tạp chí được đánh giá là “quốc tế xuất sắc” – tức là mức từ A/3 sao trở lên. TS. Lưu Ngọc Hiệp chia sẻ: Việc công bố trên những tạp chí uy tín góp phần vào chuẩn hóa kiến thức/kỹ năng cho giảng viên, mài giũa tư duy phản biện và phân tích chuyên sâu, đồng thời tránh sự ngộ nhận kiến thức hoặc nhận định cảm quan. Những điều này mang lại các giá trị hàn lâm và thực chiến. 

Qua buổi tọa đàm, TS. Song Hạnh đã bày tỏ sự vui mừng khi biết được Trường Đại học Kinh tế nói chung, Khoa Tài chính Ngân hàng nói riêng đã chủ động đặt ra những tiêu chí công bố quốc tế như các trường kinh doanh lớn ở Vương quốc Anh đang áp dụng. TS. Song Hạnh và các học giả tham gia buổi tọa đàm tin tưởng mô hình của Khoa sẽ được lan toả không chỉ trong Trường Đại học Kinh tế, mà cả trong hệ thống Đại học Quốc gia Hà Nội và hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.

Tóm lại, trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, các giảng viên trẻ cần tham khảo và tìm hiểu những kinh nghiệm học tập, nghiên cứu từ các quốc gia phát triển để tránh bị thụt lùi trong thời đại ngày nay. Do đó, buổi tọa đàm có ý nghĩa cần thiết đối với các giảng viên cũng như nghiên cứu sinh trong việc mở mang kiến thức và giao lưu với nền học thuật thế giới.


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code ZZVKWW
Content