New Sinh Vien & Hoc Vien
 Search

Thông tin về luận án tiến sĩ nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hoàn

Tên đề tài luận án: Một số nhân tố ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ


1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thu Hoàn.                 2. Giới tính: Nữ

3. Ngày sinh: 31/01/1987                                                                   4. Nơi sinh: Hà Nội

5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: Quyết định số 2417/QĐ-ĐHKT ngày 09/09/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo (nếu có):

7. Tên đề tài luận án: “Một số nhân tố ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ”.

8. Chuyên ngành: Kinh tế quốc tế                                                   9. Mã số: 9310106.01

10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Anh Thu

11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án: 

11.1. Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án 

a. Mục tiêu chung: Mục tiêu chung của luận án nhằm nghiên cứu thực trạng và phân tích những nhân tố chính ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ năm 1993 đến nay, từ đó đưa ra giải pháp thúc đẩy thương mại hàng hóa song phương hai nước thời gian tới.

b. Mục tiêu cụ thể: Luận án tập trung vào các mục tiêu cụ thể sau đây: (1) Nghiên cứu và phân tích một cách toàn diện và hệ thống về những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới thương mại hàng hóa song phương hai nước; (2) Phân tích thực tiễn những nhân tố chính ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ từ năm 1993 đến nay; (3) Phân tích thực trạng thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ giai đoạn từ năm 1993 đến nay; (4) Sử dụng mô hình hồi quy phân tích định lượng các nhân tố chính ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ từ năm 1993 đến nay; (5) Xác định các giải pháp thúc đẩy thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ trong thời gian tới, đảm bảo thu được lợi ích kinh tế tối đa cho Việt Nam từ hợp tác thương mại song phương hai nước.

c. Đối tượng nghiên cứu: Luận án nghiên cứu những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thương mại hàng hoá Việt Nam- Hoa Kỳ. Ngoài ra, luận án sẽ chọn ra một số nhân tố chính để đề xuất mô hình định lượng dựa trên lý thuyết về mô hình Trọng lực. Luận án cũng nghiên cứu thực trạng thương mại hàng hoá Việt Nam- Hoa Kỳ giai đoạn 1993- nay.

11.2. Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng:

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu luận án, NCS đã sử dụng và kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau. Về phương pháp nghiên cứu định tính, NCS sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp, phân tích số liệu và phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp lịch sử. Về phương pháp nghiên cứu định lượng, NCS đã ứng dụng Mô hình Trọng lực (Gravity Model) để xây dựng mô hình định lượng kết hợp các phương pháp thống kê mô tả, phương pháp phân tích tương quan, phân tích hồi quy để phân tích định lượng mô hình ước lượng tác động của một số nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ. 

11.3. Các kết quả chính và kết luận:

Thứ nhất, luận án đã hệ thống được các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài, cả các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước. Từ đó, NCS đã tổng hợp được bảng các nhân tố ảnh hưởng đến thương mại song phương hai nước theo các kết quả nghiên cứu trước đó đưa ra. Luận án cũng đã hệ thống được cơ sở lý luận, các lý thuyết liên quan về các nhân tố ảnh hưởng đến thương mại song phương hai nước. Từ đây, NCS cũng tổng hợp được thêm bảng các nhân tố ảnh hưởng thông qua nghiên cứu hệ thống cơ sở lý luận này.

Thứ hai, luận án đã phân tích được những thay đổi trong chính sách thương mại của hai nước qua từng giai đoạn. Về phía Việt Nam, NCS đã phân tích dựa trên Chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam xây dựng cho mỗi giai đoạn 10 năm. Về phía Hoa Kỳ, NCS đã phân tích chính sách thương mại dựa trên sự khác biệt giữa các giai đoạn cầm quyền của các đời Tổng thống Mỹ. Luận án cũng đã phân tích một cách toàn diện và hệ thống thực trạng thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ từ năm 1993 đến nay. Trong đó, NCS đã phân tích số liệu xuất nhập khẩu, cán cân thương mại rất chi tiết chia theo từng giai đoạn nhỏ cụ thể, tự lập các bảng biểu minh họa sinh động để người đọc có cái nhìn sâu sắc nhất về nội dung phân tích, rút ra đánh giá, nhận xét chung cho từng giai đoạn nhỏ này.

Thứ ba, ngoài phương pháp phân tích định tính, luận án cũng đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để phân tích số liệu một cách khoa học nhằm chứng minh những nhân tố chính có ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa hai nước. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và thảo luận, NCS cũng đã phân tích được những cơ hội và thách thức, tiềm năng hợp tác trong tương lai, định hướng tăng cường thương mại song phương theo hướng hai bên cùng có lợi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai quốc gia. Việc kết hợp phương pháp phân tích định lượng với phương pháp phân tích định tính đã góp phần bổ sung những thông tin còn thiếu và để làm cơ sở so sánh và đối chiếu, hiệu chỉnh lại các nhận định, đánh giá và kết luận trong luận án.

Thứ tư, luận án đã xác định được các mô hình định lượng cơ bản phân tích các nhân tố chính ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ. Cụ thể, NCS đã xây dựng mô hình định lượng cho xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ vào Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai nước, cán cân thương mại song phương. Bên cạnh đó, NCS cũng xây dựng các mô hình cho năm nhóm mặt hàng quan trọng và nhiều tiềm năng nhất trong thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ. NCS đã sử dụng phần mềm Python và Stata để phân tích hồi quy các mô hình định lượng nhiều biến, tiến hành loại bỏ các biến không phù hợp để chọn ra các biến có ý nghĩa, là những nhân tố ảnh hưởng nhiều nhất. Bằng việc áp dụng mô hình Trọng lực mở rộng, NCS đã xây dựng được mô hình định lượng phân tích những nhân tố quan trọng nhất có ảnh hưởng nhiều nhất tới thượng mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ trong hơn 30 năm qua. 

Thứ năm, từ kết quả nghiên cứu và phân tích, luận án đã đưa ra những hàm ý chính sách, đề xuất được một số giải pháp từ phía chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cũng như giải pháp cụ thể cho từng nhóm ngành hàng quan trọng nhằm đẩy mạnh thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ trong thời gian tới, đảm bảo thu được lợi ích tối đa cho Việt Nam từ hợp tác kinh tế song phương đầy tiềm năng này.

Ngoài những đóng góp mới của luận án, những mục tiêu và vấn đề đặt ra ban đầu đã được giải quyết, luận án còn mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn, với khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ vừa mới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 9 năm 2023 sau gần 30 năm chính thức bình thường hóa quan hệ, vị thế của Việt Nam đang ngày càng tăng trong mắt bạn bè quốc tế trong đó có Hoa Kỳ. Hoa Kỳ hiện đang là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, do đó thương mại hàng hóa Việt Nam- Hoa Kỳ là vấn đề đang được đặc biệt quan tâm, và có nhiều tiềm năng thúc đẩy thời gian tới. 

12. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:

      Luận án đã mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu tiếp theo bao gồm: nghiên cứu thương mại song phương giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước là đối tác quan trọng của Việt Nam; nghiên cứu về tác động của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt là những FTA “thế hệ mới” đến thương mại giữa các nước thành viên; nghiên cứu tác động của chính sách thương mại; nghiên cứu ảnh hưởng của các cơ chế hợp tác đa phương;…

13. Các công trình công bố liên quan đến luận án:

a. Tiếng Anh:

Bài đăng kỷ yếu hội thảo quốc tế có ISBN:

i. Nguyen Thi Thu Hoan (2023), “A gravity model for trade between Vietnam and the United States”, CODI23-58, in proceedings of the international conference “Trade and distribution”, ThuongMai University, Hanoi, Vietnam, 3/2023. 

ii. Nguyen Thi Thu Hoan (2023), “Changes in trade policies through four United States Presidential administrations: Impacts and Implications for Vietnam”, CODI23-72, in proceedings of the international conference “Trade and distribution”, ThuongMai University, Hanoi, Vietnam, 3/2023. 

iii. Nguyen Thi Thu Hoan (2023), “Trade between Vietnam and the United States: Achievements and Limitations”, CODI23-72, in proceedings of the international conference “Trade and distribution”, ThuongMai University, Hanoi, Vietnam, 3/2023. 

Bài đăng tạp chí nước ngoài có ISSN:

iv. Nguyen Thi Thu Hoan (2023), “Vietnam and the “new generation” FTAs: trends and solutions”, Economics and Society (Institute of Management and Socio- Economic Development), №2(105), pp. 87- 116. ISSN: 2225- 1545. 

v. Nguyen Thi Thu Hoan (2021), “Recovery from the COVID-19 Pandemic: The Case of Vietnam's Foreign Trade”, Journal of International Business & Law 137 (Volume 20, Number 2, Spring 2021), Hofstra University, New York, USA. ISSN: 2151-7649.

b. Tiếng Việt:

vi. Nguyễn Thị Thu Hoàn (2022), “Chương 2- Vai trò của Mỹ và Trung Quốc trong các tổ chức quản trị toàn cầu, khu vực”, Sách chuyên khảo “Cạnh tranh Mỹ- Trung trong các tổ chức quản trị toàn cầu, khu vực và một số hàm ý đối sách của Việt Nam”, NXB Khoa học xã hội, 2022. ISBN 978-604-308-917-2.

vii. Nguyễn Thị Thu Hoàn, Chủ nhiệm Đề tài NCKH cấp Học viện “Ngoại giao kinh tế của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, Học viện Ngoại giao, Nghiệm thu đạt kết quả Xuất sắc năm 2022.

viii. Nguyễn Thị Thu Hoàn (2021), Thành viên chính, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Chiến lược Ngoại giao kinh tế giai đoạn 2021- 2030”, Bộ Ngoại giao, 2021.

ix. Nguyễn Thị Thu Hoàn (2021), Thành viên chính, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Quản trị toàn cầu và khu vực: Thực trạng, xu hướng, tác động và đối sách của Việt Nam”, Bộ Ngoại giao, 2021.

x. Nguyễn Thị Thu Hoàn (2022), “Ngoại giao kinh tế của Hoa Kỳ trong Đại dịch Covid-19 và sau khủng hoảng”, Tạp chí Quản lý Nhà nước, tháng 4/2022. ISSN 2354- 0761. 

>> Xem Thông tin luận án tại đây./.


Phòng Đào tạo

FullName Email
Address Security code OVXMZY
Content