New Tuyen Sinh
 Search

UEBer tích lũy kinh nghiệm thực chiến các mô hình kinh tế “xanh” từ doanh nghiệp Thụy Điển

Đó là mục tiêu chính của Tọa đàm “Tiên phong đột phá” do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB – VNU) và Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp tổ chức vào ngày 3/11/2022. Đây là cơ hội để các chuyên gia, doanh nghiệp lớn của Thụy Điển tại Việt Nam đến giao lưu, chia sẻ và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh với các em sinh viên cùng những nội dung hấp dẫn, thiết thực, hướng đến xây dựng một xã hội phát triển với những giá trị sống bền vững.


Tọa đàm “Tiên phong đột phá" do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB – VNU) và Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp tổ chức

Tại buổi tọa đàm, về phía Đại sứ quán và các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam có sự tham dự của Ông Ola Karlman - Trưởng ban Xúc tiến, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam; Bà Đặng Phương Lan, Đại sứ quán Thụy Điển; Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào; Ông Martin Otahel –  Quản lý tuân thủ chất lượng, Công ty IKEA; Bà Phạm Thanh Nhung - Trưởng phòng Kinh doanh Miền Bắc và Miền Trung, Công ty Electrolux tại Việt Nam; Bà Lương Thanh Thu, Quản lý bền vững Tetra Pak Việt Nam.

Đại diện Đại sứ quán Thụy Điển cùng đại diện các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam tham dự tọa đàm

Về phía Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Đức Lâm – Trưởng Phòng NCKH&HTPT; các giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, cùng hơn 100 em sinh viên UEB tham gia lắng nghe, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia tại tòa đàm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm với sự tham dự của các thầy cô Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, đối tác phía Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam cùng các em sinh viên của Nhà trường

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Anh Thu bày tỏ sự vui mừng chào đón đại diện Đại sứ quán Thụy Điển cùng các diễn giả tới tham dự buổi tọa đàm để chia sẻ những nội dung ý nghĩa, những kinh nghiệm bổ ích trong quá trình hoạt động kinh doanh, các vấn đề hướng tới phát triển bền vững cho các em sinh viên của Nhà trường. “Trong 53 năm qua, bên cạnh mối quan hệ hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam nói chung, quan hệ hợp tác lâu dài giữa UEB với Đại sứ quán Thụy Điển nói riêng cũng được duy trì và gắn bó trong suốt những năm qua. Tôi mong rằng trong thời gian tới, Trường Đại học Kinh tế sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa từ phía Thụy Điển và hai bên sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động trao đổi học thuật, tổ chức hội thảo về chính sách đối ngoại của hai nước và lan tỏa hơn nữa các mô hình “đổi mới sáng tạo” vô cùng hữu ích của Thụy Điển.” – Cô Thu nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu trong buổi tọa đàm
PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tặng quà và chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả đến từ Đại sứ quán Thụy Điển và đại diện các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam tham dự tọa đàm

Với định hướng nghiên cứu ứng dụng thực tiễn cùng với chiến lược quốc tế hóa giáo dục được thúc đẩy mạnh mẽ, hiện nay, Nhà trường là “điểm đến” tin cậy của các học giả, các nhà nghiên cứu lớn từ nhiều quốc gia trên thế giới, tạo ra một môi trường mở - “đa văn hóa” cho các em sinh viên toàn trường có cơ hội tiếp xúc với các diễn giả, các doanh nghiệp trong nước, quốc tế để học hỏi, tiếp thu kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn bên cạnh việc trau dồi tri thức trong sách vở. Tọa đàm với Đại sứ quán Thụy Điển và các doanh nghiệp Thụy Điển là một minh chứng cho các chương trình học thực chiến như vậy tại UEB.

Tọa đàm thu hút nhiều sinh viên tham dự, “bỏ túi” những bài học hấp dẫn từ các diễn giả Thụy Điển

Phát biểu tại tọa đàm, Ông Ola Karlman - Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ về nội dung chính “Tiên phong Đột phá”, trong đó đề cập đến các chính sách của Thụy Điển về chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh thông qua một đoạn phim ngắn gửi đến sinh viên UEB về việc Thụy Điển trở thành quốc gia OECD không sử dụng nhiên liệu hóa thạch đầu tiên trên thế giới như thế nào. 

Ông Ola Karlman - Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Bên cạnh đó, Ông Ola Karlman cũng bày tỏ, Đại sứ quán mong muốn tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện để hai nước Thụy Điển - Việt Nam cùng sáng tạo để hướng tới xã hội phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai, dựa trên mối quan hệ đối tác truyền thống hữu nghị, hợp tác trong nhiều năm qua. 

Các sinh viên chăm chú theo dõi các nội dung được chia sẻ từ Đại diện Đại sứ quán Thụy Điển xoay quanh vấn đề phát triển bền vững môi trường, xã hội

Với chủ đề về “Imagine Possible” Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào trình bày về mạng 5G trong tương lai và cách mà Ericsson cung cấp cho Việt Nam trong việc kết nối mọi người, các ngành công nghiệp và doanh nghiệp trên khắp Việt Nam, phù hợp với tầm nhìn và chiến lược của chính phủ về việc tăng tốc áp dụng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số.

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào chia sẻ với sinh viên UEB về sự cần thiết và những bước tiến trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay

Đại diện Công ty Electrolux tại Việt Nam truyền cảm hứng cho các sinh viên thông qua những câu chuyện ngắn ý nghĩa thể hiện mong muốn thúc đẩy thói quen sử dụng thực phẩm, sản phẩm bền vững với chủ đề: “Sustainability Journey at Electrolux”. Qua đó, mang đến thông điệp: Những thay đổi nhỏ theo hướng tích cực của ngày hôm nay sẽ dẫn đến những sự khác biệt lớn trong tương lai.

 Phạm Thanh Nhung - Trưởng phòng Kinh doanh Miền Bắc và Miền Trung, Công ty Electrolux tại Việt Nam chia sẻ và truyền cảm hứng đến các sinh viên UEB về thiết lập những thói quen, những hành động tốt để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống thông qua những sản phẩm mang tính bền vững

“Sustainable and circular food packaging” là chủ đề mà Lương Thanh Thu – Quản lý bền vững Tetra Pak Việt Nam mang đến tọa đàm, nhằm chia sẻ về hoạt về an toàn thực phẩm và sản xuất bao bì thực phẩm bền vững với mô hình tuần hoàn, giảm thiểu rác thải khó phân hủy và nỗ lực của Tetra Pak trong việc cải thiện hệ thống tái chế ở Việt Nam, thông qua hợp tác với các trường học và các đối tác địa phương.

Bà Lương Thanh Thu - Quản lý bền vững Tetra Pak Việt Nam chia sẻ với sinh viên UEB tại tọa đàm

Ông Martin Otahel – Quản lý tuân thủ chất lượng, Công ty IKEA với chủ đề: “Sustainable manufacturing across supply chains” đã mang đến một “làn gió mới” trong suy nghĩ, hành động cho các sinh viên khi. Ông Martin khơi gợi cho UEbers về khái niệm phát triển bền vững cũng như những nhân tố đóng vai trò quan trọng để thực hiện phát triển bền vững với 3 chữ P: Con người - Hành tinh  - Tích cực (People, Planet, Positive) trong mọi việc công ty IKEA đang thực hiện, từ phát triển sản phẩm, thiết kế, chọn nguyên liệu, sau đó đến sản xuất và đóng gói.

Ông Martin Otahel –  Quản lý tuân thủ chất lượng, Công ty IKEA với bài thuyết trình nhiều năng lượng và đặt các câu hỏi kích thích tư duy sáng tạo cho sinh viên UEB

Sau khi “bỏ túi” các kiến thức vô cùng hữu ích từ các diễn giả thông qua những “case study” thực tiễn mà các công ty Thụy Điển tại Việt Nam đang triển khai trong hoạt động kinh doanh để hướng tới phát triển bền vững, sinh viên UEB còn có không gian để tiếp tục đặt các câu hỏi cho các khách mời trong phần Q&A thú vị.

Sinh viên hào hứng và chăm chú lắng nghe trong tọa đàm

Là một trong những sinh viên chăm chú lắng nghe, ghi chép lại những chia sẻ hay, thú vị từ các diễn giả bên phía Thụy Điển, sinh viên Lê Phan Minh Nhật (UEB – Troy K20) bày tỏ: “Em cảm thấy rất hào hứng vì được nghe các chuyên gia thuộc các công ty hàng đầu đến từ Thụy Điển chia sẻ về sự phát triển bền vững trong trong doanh nghiệp. Sau buổi tọa đàm, em hiểu được rằng các doanh nghiệp không chỉ đơn giản là làm vì lợi ích kinh tế, mà họ còn có nhiệm vụ phải góp phần bảo vệ xã hội và môi trường để giúp nhân loại có cuộc sống vững bền hơn. Đặc biệt, khi đến phần Hỏi – Đáp Q&A, em đã đặt câu hỏi: “Đâu là thứ có thể giúp những người tiêu dùng hướng tới một nền phát triển bền vững?”, em đã được các chuyên gia trả lời rằng: “Giáo dục” chính là phương pháp quan trọng để hướng dẫn tất cả mọi người có thể đóng góp cho nền kinh tế xanh sau này. Em cũng đồng tình với câu trả lời của chuyên gia, vì với em, giáo dục là cốt lõi của sự phát triển. Ngoài nhận được câu trả lời từ các vị chuyên gia thì em còn được nhận thêm những phần quà “xanh” từ ban tổ chức, và em rất vui vì điều đó”. 

Sinh viên Phan Lê Minh Nhật (UEB – Troy K20) đang ghi chú lại những nội dung ý nghĩa, bổ ích từ các diễn giả chia sẻ trong buổi tọa đàm
Ông Ola Karlman - Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam trực tiếp giải đáp các câu hỏi của sinh viên UEB
 Phạm Thanh Nhung  - Công ty Electrolux tại Việt Nam cũng tham gia giải đáp, chia sẻ thêm xoay quanh những thắc mắc của sinh viên UEB đặt ra tại buổi tọa đàm

Sinh viên Nguyễn Đức Minh (Lớp QH 2020E TCNH CLC4) cho biết: “Em cảm thấy rất vinh dự khi được tham dự buổi tọa đàm hôm nay. Đây là một sự kiện bổ ích giúp sinh viên chúng em hiểu rõ hơn về mục tiêu, phương hướng phát triển của các doanh nghiệp với những kế hoạch và hành động cụ thể, các hoạt động đều nhằm hướng đến cuộc sống tương lai hiện đại, bảo vệ những giá trị lâu bền. Điều này giúp chúng em ý thức hơn về trách nhiệm của chính mình, sau khi ra trường, không chỉ đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước, mà song song với đó là bảo vệ những giá trị sống đích thực”.

Sinh viên Nguyễn Đức Minh (Lớp QH 2020E TCNH CLC4) tham gia tọa đàm và học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích

“Buổi tọa đàm được trao đổi bằng tiếng Anh, chính là cơ hội để sinh viên chúng em rèn luyện thêm năng lực nghe – nói, nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình thông qua các phần chia sẻ, trao đổi với diễn giả. Bản thân em đã học hỏi được thêm rất nhiều từ buổi tọa đàm, đó là cách các doanh nghiệp Thuỵ Điển hoạt động theo xu hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, và tuyệt vời hơn là những kinh nghiệm thực tiễn từ các chiến dịch của họ. Em rất mong trong tương Nhà trường sẽ tiếp tục tạo cơ hội cho các bạn sinh viên được tham gia nhiều buổi tọa đàm có ý nghĩa như thế này cho sinh viên.” – Sinh viên Đới Thị Thu Hương (Lớp QH2022E KTKT CLC 2) chia sẻ sau khi tham dự tọa đàm.

Sinh viên Đới Thị Thu Hương (Lớp QH2022E KTKT CLC 2) tham dự tọa đàm và tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích, cùng với đó là rèn luyện kỹ năng nghe – nói tiếng Anh qua các phần chia sẻ, trao đổi với các diễn giả Thụy Điển

Có thể nói, tọa đàm “Tiên phong đột phá” thể hiện sự nỗ lực trong kết nối, tổ chức giữa Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Đại sứ quán Thụy Điển nhằm mang đến một chương trình thiết thực, bổ ích cho sinh viên. Đây là không gian cho các em sinh viên được giao lưu, học hỏi trực tiếp với các chuyên gia, diễn giả, các doanh nghiệp lớn của Thụy Điển tại Việt Nam, truyền tải thông điệp ý nghĩa đến các thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ môi trường, xã hội phát triển bền vững, trước thách thức biến đổi khí hậu đang đe dọa trái đất.

Trong thời gian tới, Trường Đại học Kinh tế sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác với Đại sứ quán cũng như các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam trong nghiên cứu, tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm, mang lại những giá trị thiết thực cho các sinh viên.

Các thầy cô UEB cùng các diễn giả và sinh viên chụp ảnh lưu niệm sau khi tọa đàm kết thúc

Ngọc Thúy - UEB Media

FullName Email
Address Security code AUBHCB
Content

Other News