New Tuyen Sinh
 Search

Thí sinh hỏi – UEB trả lời: Ngành Kinh tế Quốc tế với những chuyên ngành chuyên sâu cực "hot"

Thời đại công nghệ 4.0 bùng nổ, “khoảng cách” giữa các quốc gia ngày càng được thu hẹp thì ngành Kinh tế Quốc tế đang dần “lên ngôi”. Theo CareerBuilder, mặc dù cơ hội việc làm đa đạng, mức lương khởi điểm luôn nằm trong top cao nhưng nguồn nhân lực hiện tại của ngành này mới chỉ đáp ứng hơn 50% nhu cầu của doanh nghiệp. Bởi vậy, theo học ngành Kinh tế Quốc tế đang dần trở thành lựa chọn hấp dẫn, được săn đón nhất trong những năm gần đây. Các thí sinh hãy cùng tìm hiểu ngay về Chương trình đào tạo ngành Kinh tế Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB - VNU) trong phần tư vấn tuyển sinh với Cô Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng phòng Phụ trách Phòng Tuyển sinh trong bài viết này nhé!


Câu hỏi 1: Thưa Cô, Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế của Nhà trường có những chuyên ngành gì và sinh viên sẽ phải học bao nhiêu tín chỉ tương ứng với từng chuyên ngành đó ạ?

Trả lời: Chào em, Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có 3 chuyên ngành áp dụng cho Chương trình đào tạo khóa tuyển sinh năm 2022, bao gồm:

  1. Chuyên ngành Thương mại quốc tế
  2. Chuyên ngành Kinh doanh quốc tế
  3. Chuyên ngành Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu

Sinh viên lựa chọn 1 trong 3 chuyên ngành bắt đầu từ học kỳ 6 (năm thứ 3 đại học) và mỗi chuyên ngành sinh viên sẽ học 15 tín chỉ tương ứng em nhé!

Câu hỏi 2: Chương trình đào tạo ngành Kinh tế Quốc tế của UEB có tất cả bao nhiêu tín chỉ ạ? Trong đó, số lượng tín chỉ chia theo các môn chung, tự chọn và chuyên ngành sẽ như thế nào ạ?

Trả lời: Chương trình đào tạo Ngành Kinh tế Quốc tế (mã xét tuyển QHE43) Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có tổng số là 130 tín chỉ. Trong đó:

  • Khối kiến thức chung (chưa tính Giáo dục thể chất, Giáo  dục Quốc phòng – an ninh): 21 tín chỉ
  • Khối kiến thức theo lĩnh vực: 13 tín chỉ
  • Khối kiến thức theo khối ngành: 16 tín chỉ
  • Khối kiến thức theo nhóm ngành: 17 tín chỉ
  • Khối kiến thức ngành: 63 tín chỉ

Mọi thông tin chi tiết về Nội dung chương trình đào tạo ngành Kinh tế Quốc tế, mời em tham khảo thêm tại đây

Câu hỏi 3: Theo học ngành Kinh tế Quốc tế của Nhà trường, thì đến năm thứ mấy sinh viên sẽ cần phải đăng ký lựa chọn chuyên ngành ạ? 

Trả lời: Đối với Ngành Kinh tế Quốc tế của Nhà trường, các môn chuyên ngành sẽ học tập trung vào học kỳ 6 và học kỳ 7, vì thế, sinh viên sẽ đăng ký chuyên ngành bắt đầu từ Học kỳ 6 (năm thứ 3 đại học) em nhé!

Câu hỏi 4: Thầy/Cô cho em hỏi học chuyên ngành Thương mại quốc tế ra trường có thể làm những công việc tại những đơn vị nào ạ?

Trả lời: Chuyên ngành Thương mại quốc tế - Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế, UEB sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu về marketing quốc tế, thương mại điện tử, vận tải và bảo hiểm trong thương mại quốc tế,… để tổ chức nghiên cứu thị trường quốc tế về hàng hóa và dịch vụ và tổ chức triển khai các hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế trong bối cảnh chuyển đổi số, kiến thức về giao dịch thương mại quốc tế để đàm phán, ký kết, tổ chức triển khai và giải quyết tranh chấp trong thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế...

Vì thế, sau khi học chuyên ngành này, cơ hội việc làm rộng mở với các em ở nhiều vị trí như:

Bộ Công thương, bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Sở Công thương, Sở Kế hoạch và đầu tư, cơ quan xúc tiến thương mại và các bộ, ngành có liên quan

- Các văn phòng quản lý đầu tư nước ngoài, các tổ chức kinh tế và xã hội

- Các trường đại học, các viện nghiên cứu kinh tế

- Bộ phận thanh toán quốc tế trong các ngân hàng thương mại và các công ty đa quốc gia

- Các bộ phận phát triển thị trường, quản trị chiến lược, chính sách và và kế hoạch kinh doanh thương mại quốc tế tại các cơ quan nhà nước và tư nhân, các công ty nước ngoài...

Câu hỏi 5: Cơ hội nghề nghiệp dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế Quốc tế - UEB như thế nào ạ, thưa Cô?

Trả lời: Sinh viên học Ngành Kinh tế Quốc tế sau khi tốt nghiệp có thể làm nhiều công việc rất đa dạng như:

- Chuyên viên hỗ trợ hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách trong lĩnh vực thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài

- Chuyên viên phân tích và tư vấn các dự án quốc tế các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc (UN), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức lao động quốc tế (ILO)...hay các tổ chức phi chính phủ (iNGOs).

- Nhân viên kinh doanh quốc tế

- Nhân viên xuất nhập khẩu

- Chuyên viên hoạch định tài chính quốc tế

- Chuyên viên nghiên cứu thị trường

- Chuyên viên marketing quốc tế

- Chuyên viên quản trị chuỗi cung ứng

- Chuyên viên tư vấn đầu tư quốc tế

- Chuyên viên xúc tiến thương mại

- Giảng viên và nghiên cứu viên tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực kinh tế quốc tế.

- Khởi nghiệp có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh quốc tế, giao nhận, vận tải và logistics…

Câu hỏi 6: Em rất thích học và làm việc về lĩnh vực Logistics, Khoa KT&KDQT của Trường có chuyên ngành về Logistics không ạ? Và các học phần mà SV được học trong chuyên ngành này là gì ạ?

Trả lời: Chào em, Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có chuyên ngành Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu em nhé!

Các học phần mà sinh viên học trong chuyên ngành này bao gồm: 

1. Quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu

2. Logistics điện tử 

3. Vận tải và logistics hàng hoá 

4. Kho bãi và kênh phân phối 

5. Quản lý mua hàng và nguồn cung ứng toàn cầu

Mọi thông tin chi tiết về Nội dung chương trình đào tạo về chuyên ngành, mời em tham khảo thêm tại đây.

Câu hỏi 7: Thưa Cô, ngành Kinh tế Quốc tế của Nhà trường có gì khác biệt so với những đơn vị đào tạo khác và sinh viên khi theo học ngành này có những đặc quyền hay lợi thế gì ạ?

Trả lời: Chào em, câu hỏi của em rất hay!

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN - đơn vị đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam được xếp hạng Top 451-500 QS Thế giới lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý - một trong những đơn vị tiên phong đào tạo về ngành Kinh tế Quốc tế để đón đầu xu thế toàn cầu hóa, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, có kiến thức vững vàng về lĩnh vực Kinh tế quốc tế.

Ngành Kinh tế quốc tế của Nhà trường đã được AUN (ASEAN University Network) – mạng lưới các trường đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á kiểm định chất lượng chương trình đào tạo (năm 2010); Kiểm định chất lượng đào tạo Chương trình đào tạo Chất lượng cao trình độ đại học theo Quy định của Bộ GD&ĐT (năm 2022).

Ngoài ra, khi theo học ngành Kinh tế Quốc tế, Khoa KT&KDQT tại Trường, sinh viên có những lợi thế và đặc quyền hấp dẫn như:

Cơ hội tiếp cận với nguồn học bổng đa dạng, giá trị cao

Được tham gia nhiều hoạt động chuyên môn về nghiên cứu khoa học, tham gia các sân chơi trí tuệ, các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ…

Cơ hội tham gia các chương trình Trao đổi sinh viên trong nước với 10 trường đại học và Trao đổi sinh viên quốc tế với hơn 44 trường đại học lớn tại 15 quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Đan Mạch…

Trong các học phần, sinh viên được tham gia các chuyến đi thực tập, thực tế, trải nghiệm tại các doanh nghiệp, tham dự hội thảo, workshop cùng các chuyên gia, các doanh nhân thành đạt…

Mỗi lớp sẽ có một Thầy/Cô Cố vấn học tập hướng dẫn, hỗ trợ và giải đáp các thắc mắc xoay quanh các vấn đề học tập, đời sống, nghiên cứu cũng như các cơ hội việc làm.

Em có thể tham khảo thêm tại Cẩm nang sinh viên UEB, tại  đây em nhé! 

Câu hỏi 8: Sinh viên có cần phải thi hay xét điểm lúc đăng ký lựa chọn chuyên ngành không ạ? 

Trả lời: Sinh viên của Khoa KT&KDQT không cần thi hay xét điểm lúc chọn chuyên ngành nhé! Các em được tự do lựa chọn chuyên ngành mà mình đam mê, yêu thích để theo học, em nhé!

Câu hỏi 9: Khi tốt nghiệp, trên bằng tốt nghiệp đại học của sinh viên chúng em có ghi tên chuyên ngành không ạ?

Trả lời: Khi tốt nghiệp, trên Bằng tốt nghiệp của sinh viên sẽ thể hiện Ngành đào tạo là Ngành Kinh tế Quốc tế; Còn trên Bảng điểm sẽ thể hiện cả Ngành đào tạo và Chuyên ngành các em đã lựa chọn nhé!

Câu hỏi 10: Ngành Kinh tế Quốc tế sẽ học bằng tiếng Anh bao nhiêu % ạ? 

Trả lời: Chào em, đối với Ngành Kinh tế Quốc tế, trong số 96 tín chỉ thuộc kiến thức khối ngành, nhóm ngành, ngành và chuyên ngành, sẽ có 26 tín chỉ học bằng tiếng Anh, chiếm 27% em nhé!

Thông tin chi tiết về số tín chỉ và các môn học của Chương trình đào tạo, mời em tham khảo thêm tại đây.

Câu hỏi 11: Tổ hợp nào để xét tuyển vào ngành Kinh tế Quốc tế ạ? Em có thể đăng ký xét tuyển cả 2 ngành Kinh tế Quốc tế và Quản trị Kinh doanh với tổ hợp D01 không ạ?

Trả lời: Chào em, để xét tuyển ngành Kinh tế Quốc tế của Nhà trường, em có thể sử dụng kết quả của một trong các tổ hợp sau đây: 

A01: Toán, Lý, Anh

D01: Toán, Văn, Anh

D09: Toán, Sử, Anh

D10: Toán, Địa, Anh

Em có thể đăng ký xét tuyển cả 2 ngành Kinh tế Quốc tế và Quản trị Kinh doanh với tổ hợp D01 nhé!

Thông tin chi tiết về tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, mời em tham khảo tại đây.

Câu hỏi 12: Đã có sinh viên nào của Khoa đi trao đổi sinh viên tại các trường quốc tế chưa ạ?

Trả lời: Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế có nhiều sinh viên đã và đang tham gia trao đổi sinh viên tại các trường quốc tế em nhé.

Mời em tham khảo chương trình và cảm nhận của sinh viên vừa tham gia trao đổi tại Trường Kinh doanh IGR, Đại học Rennes 1, Cộng hòa Pháp tại link YOUTUBE!

Câu hỏi 13: Em được biết, lĩnh vực kinh tế có rất nhiều cuộc thi trí tuệ hấp dẫn, khi trở thành SV của Khoa KT&KDQT, em sẽ có cơ hội tham gia những cuộc thi nào ạ?

Trả lời: Khi trở thành sinh viên của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói chung, sinh viên Khoa KT&KDQT tế nói riêng, em sẽ có cơ hội tham gia nhiều cuộc thi trí tuệ do Khoa, Nhà trường, ĐHQGHN tổ chức, cũng như các cuộc thi lớn ở trong nước và quốc tế dành cho sinh viên như: Cuộc thi Shining with FIBE, Business Challenges; Nhà bán hàng tài ba; Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam - Viet Nam Young Logistics Talents; VNU Innovation Start-up,…

Những cuộc thi là sân chơi trí tuệ giúp kết nối mạng lưới sinh viên UEB với các công ty, doanh nghiệp, là diễn đàn để giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, giúp các em tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, mở rộng cơ hội việc làm từ sớm, cũng như tự tin hơn sau khi rời khỏi ghế nhà trường! 

Vậy nên hãy cứ mạnh dạn tham gia các cuộc thi trí tuệ để rèn luyện bản lĩnh và học hỏi nhiều hơn, các em nhé!

Câu hỏi 14: Khi theo học tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận những học bổng nào ạ?

Trả lời: Được mệnh danh là “Thiên đường Học bổng”, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN hàng năm đều có chính sách học bổng dành cho các sinh viên đạt kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc với giá trị cao, góp phần tiếp thêm động lực cho các em cố gắng, nỗ lực gặt hái thành tích cao. Các loại Học bổng đó bao gồm:

  • Học Bổng Khuyến khích học tập: Loại A, Loại B và Loại C. Giá trị của Học bổng tương ứng với 125%, 110% và 100% mức học phí/1 học kỳ của CTĐT.
  • Học Bổng Tài năng: trị giá bằng 300% mức học phí/1 học kỳ của CTĐT.
  • Học Bổng Gương mặt Thương hiệu: trị giá bằng 300% mức học phí/1 học kỳ của CTĐT.
  • Học Bổng Sinh viên Trí tuệ: trị giá bằng 200% mức học phí/1 học kỳ của CTĐT.
  • Học Bổng Sinh viên Năng động: trị giá bằng 200% mức học phí/1 học kỳ của CTĐT.
  • Học Bổng Công dân toàn cầu: trị giá bằng 200% mức học phí/1 học kỳ của CTĐT.
  • Học Bổng Sinh viên Dẫn đầu: trị giá bằng 150% mức học phí/1 học kỳ của CTĐT

Học Bổng Ngoài ngân sách của hơn 20 Nhà tài trợ như: Học bổng IMG tổng trị giá 150 triệu/đồng; Học bổng Thakral 180 triệu/đồng; Học bổng ADF tổng giá trị 24.000USD...v..v...

Câu hỏi 15: Em có thể tham khảo điểm trúng tuyển Ngành Kinh tế Quốc tế của Trường với phương thức xét điểm thi THPT QG năm 2021 tại đâu ạ?

Trả lời: Chào em, em tham khảo điểm chuẩn Ngành Kinh tế Quốc tế của UEB năm 2021 tại đây nhé!


Ngọc Thúy - UEB Media

FullName Email
Address Security code ZEDOWK
Content