New Tuyen Sinh
 Search

Cựu sinh viên, học viên Lại Mạnh Quân - Người anh “tiếp lửa” cho sinh viên UEB

Gặp gỡ Thạc sĩ Lại Mạnh Quân - gương mặt cựu sinh viên, cựu học viên quen thuộc trong nhiều hội thảo, workshop đào tạo kỹ năng, các cuộc thi dành cho sinh viên UEB, những câu chuyện về thầy cô, bạn bè, về mái trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN lại được tái hiện với nhiều cung bậc cảm xúc.


“Mái trường này đối với tôi là cả tuổi thanh xuân, là những kỷ niệm gắn bó như tình thân với các thầy cô, bạn bè và các em sinh viên, đặc biệt UEB còn là nơi kết nối nhân duyên của gia đình tôi” - đó là những chia sẻ của của anh Lại Mạnh Quân, cựu sinh viên K47 ngành Quản trị Kinh doanh và cũng là cựu học viên K16 Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Anh Lại Mạnh Quân hiện đang giữ cương vị là Phó chủ tịch HĐQT Hệ sinh thái Doanh nghiệp BestB; Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bưu điện Tràng An - PTI thuộc Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện. Ngoài ra, anh cũng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Công ty CP Phát triển Quốc tế Anh Em IDB; Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm Lane Xang.

Theo anh Quân, những năm tháng học tập tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã mang tới cho anh nhiều sự thay đổi. “Sự thay đổi lớn nhất của tôi phải kể đến là tư tưởng về Quản trị doanh nghiệp nói chung, từ đó vận dụng để phát triển doanh nghiệp của mình. Sau khi tốt nghiệp hệ cử nhân, tôi đã tiếp tục tham gia học tập chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại UEB. Sau hai năm học Thạc sĩ, tôi đã tích lũy cho mình nhiều kiến thức bổ ích và được gợi mở rất nhiều lĩnh vực kinh doanh. Với những tri thức được học tại Trường Đại học Kinh tế, tôi đã thay đổi hầu như tất cả các vấn đề quản trị tại doanh nghiệp của mình cho phù hợp với thời cuộc, mục tiêu và nguồn nhân lực.” – anh Quân cho biết.

Anh cho biết thêm, UEB với sứ mệnh cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng chuyên gia, lãnh đạo trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh có những nét đặc trưng, khác các trường khối ngành kinh tế trong cả nước. Cách tiếp cận các vấn đề kinh tế của UEB có sự khác biệt khi xác định tiếp cận theo nguyên lý, bản chất của vấn đề kinh tế và giải quyết theo hướng quản trị, đưa ra giải pháp tổng thể trên cơ sở nguồn lực của doanh nghiệp, thay vì tiếp cận cụ thể, tác nghiệp vào từng khía cạnh của vấn đề. Điều này, giúp các em sinh viên UEB linh hoạt và thích ứng rất nhanh với đa dạng các vị trị việc làm cũng như các công ty thuộc các ngành nghề khác nhau.

Ngoài ra, giảng viên của UEB là những thầy cô có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn cao, đặc biệt là gần gũi, thân thiết và rất nhiệt huyết với học viên trong suốt quá trình đào tạo. 

Khi được hỏi về các hoạt động Đoàn - Hội tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, anh Quân hồ hởi chia sẻ: “Tuổi trẻ của tôi tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN là những ngày tháng say mê với các hoạt động Đoàn - Hội và các hoạt động của sinh viên. Nhớ những ngày thâu đêm suốt sáng cùng các bạn trong Đoàn Thanh niên tổ chức các chương trình Sinh viên tình nguyện, Hội trại truyền thống, Gặp mặt sinh viên xa nhà, các cuộc thi Sinh viên Thanh lịch, các buổi tập huấn dành cho Cán bộ Đoàn… Nhớ những giọt mồ hôi, những bữa chỉ ăn vội hộp cơm nhưng các bạn cán bộ đoàn của UEB ai cũng nhiệt tình, cũng tham gia hết sức hết lòng. 

Với chúng tôi, đó là miền ký ức không thể xóa nhòa của những năm tháng thanh niên sôi nổi tại UEB.”

Và đặc biệt, từ hoạt động Đoàn – Hội, anh Quân đã tìm được ý trung nhân cũng là cựu sinh viên UEB. Bởi vậy, mái trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN không chỉ là nơi lưu giữ những kỷ niệm của một thời sinh viên nhiệt huyết, mà còn là nơi gắn với nhiều ký ức thương mến của gia đình nhỏ. Những năm tháng gắn bó và trưởng thành dưới trường đại học thân yêu vẫn được vợ chồng anh kể lại một cách đầy tự hào với các con trong mỗi câu chuyện của gia đình.

Anh Lại Mạnh Quân là “gương mặt thân quen” và uy tín trong nhiều hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, như hoạt động chia sẻ với sinh viên ngành ngành Quản trị kinh doanh và Kinh tế Quốc tế về một số kỹ năng mềm cần có để đi đến thành công, chương trình Thắp lửa tinh thần doanh nhân do Viện Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN tổ chức năm 2014. Đặc biệt, anh Quân là Giám khảo và Mentor suốt 4 mùa của cuộc thi UEB Business Challenges - cuộc thi về khởi nghiệp hấp dẫn không chỉ dành cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN mà còn thu hút sinh viên tại hàng chục trường đại học trong cả nước.

“Sinh viên UEB được trang bị kiến thức cơ bản rất tốt, có tố chất thông minh và tư duy logic. Tuy nhiên, việc các em tự trang bị các kỹ năng mềm cần thiết thì chưa đồng bộ. Nhìn lại chính mình của những năm tháng sinh viên, tôi đã không ngần ngại khi nhận lời cùng các thầy cô thực hiện các chương trình đào tạo ngắn, các buổi trao đổi về kỹ năng mềm cho sinh viên.

Với kinh nghiệm và những trải nghiệm của bản thân, tôi rất muốn chia sẻ những kiến thức thực tế, cũng như những điều kiện cần để các bạn sinh viên thế hệ sau đi nhanh hơn và thành công hơn. Thay vì phải cần 10 năm để thế hệ 8x khẳng định năng lực và có vị trí nhất định, thì các em sinh viên UEB ngày nay chỉ cần 5 năm, thậm chí 3,4 năm. Với việc nhà trường là nơi trang bị kiến thức cần, mỗi em sinh viên bằng nỗ lực và sự cố gắng của mình, với sự hỗ trợ của các thầy cô và các anh chị thế hệ đi trước hướng dẫn, chỉ lối, các em sẽ tự tin đi đến thành công”. Anh Quân tâm đắc: “Việc gắn lý thuyết với thực hành trong nhà trường là xu hướng tất yếu của các trường đại học, với định hướng nghiên cứu ứng dụng, Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đang đi đúng hướng để mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội được trao đổi, học tập từ các doanh nghiệp, các CEO là cựu sinh viên. Đây là điểm sáng của UEB và cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa”.

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động đồng hành và hỗ trợ sinh viên, anh Quân còn là một trong những thành viên năng nổ, nhiệt tình của Hội cựu sinh viên UEB (UEB Alumni). Với mong muốn lan tỏa tinh thần UEB, con người UEB và những giá trị tích cực dành cho chính các sinh viên đang theo học, dành cho toàn xã hội, anh Quân hy vọng hoạt động của UEB Alumni sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai và có được sự chung sức của thật nhiều UEBer.

Đã từng tham dự nhiều buổi workshop của các cựu sinh viên UEB, sinh viên Đồng Phương Linh - lớp QHE-2020 - TCNH CLC1 chia sẻ: Được nghe những chia sẻ của các anh chị cựu sinh viên tại các buổi hội thảo về cơ hội nghề nghiệp và đào tạo kỹ năng mềm, đặc biệt là anh Lại Mạnh Quân, đã mang lại cho em cảm xúc tự hào về những thế hệ sinh viên của UEB - những con người tài giỏi và thành công trong sự nghiệp. Sự thành công ấy đã tiếp thêm động lực, “truyền lửa” cho các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Kinh tế, là tấm gương để chúng em trau dồi và phát triển bản thân trong tương lai”.

Phương Linh cho biết, khi được tham gia vào buổi chia sẻ của các anh chị cựu sinh viên, cựu học viên, các bạn sinh viên UEB đã có cơ hội được lắng nghe, như có thêm người thấu hiểu và giải đáp những trăn trở của chúng em trên con đường học tập và phát triển sự nghiệp của bản thân. Từ những kinh nghiệm đúc kết sau nhiều năm trong nghề của anh chị, sinh viên UEB đã có thể nhìn nhận những thiếu xót của bản thân, những khó khăn thực tế, tích luỹ thêm cho mình, từ đó định hướng lại mục tiêu rõ ràng hơn để có thể bước những bước đi dài hơi hơn trong tương lai. Những lời chia sẻ chân thật, những kinh nghiệm ấy thật sự rất bổ ích với những sinh viên còn đang ngồi trên giảng đường, lan tỏa những giá trị tích cực của môi trường học tập tại Trường Đại học Kinh tế.

Với cựu sinh viên, cựu học viên Lại Mạnh Quân, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN không chỉ đơn thuần là một trường đại học mà còn là ngôi nhà chung. Ở nơi ấy, các thế hệ sinh viên, học viên tiếp nối nhau trưởng thành và trở thành những con người thành công, tử tế, để góp sức xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Và sau những sải cánh rộng dài ngoài cuộc đời, họ lại tìm về tổ ấm UEB để cùng với các thầy cô nâng bước các thế hệ đi sau, cùng nhau làm dầy thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp đã được vun đắp gần 50 năm.


Thùy Dung - UEB Media

FullName Email
Address Security code RGJEMS
Content