New Tuyen Sinh
 Search

“Từ Nhà trường đến thương trường” – Những kiến thức và bài học thực tế từ giảng đường…

Nếu như học mà không áp dụng được vào cuộc sống thì đó là “kiến thức chết”. Nếu như kiến thức mà không thực tế, phù hợp với thời cuộc thì cũng không còn giá trị. Xuất phát từ định hướng tối đa tính thực tiễn cho sinh viên, đưa sinh viên đến gần và đến sớm với nghề nghiệp tương lai, Viện Quản trị Kinh doanh (SBA) - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên năm thứ ba các môn học mang tính ứng dụng cao, vừa khơi dậy sự hứng thú, vừa giúp các bạn có được “kinh nghiệm” sớm.


Viện Quản trị Kinh doanh (UEB - VNU) luôn chú trọng tính thực tế trong các học phần giảng dạy cho sinh viên

UNESCO từng đề xướng kim chỉ nam cho việc học tập rằng “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình”. Nhưng học cái gì, học như thế nào cũng rất quan trọng. Đối với những sinh viên năm ba, thời điểm bắt đầu ứng dụng môn học ở nhà trường để vận dụng trong doanh nghiệp thực tập thì các nội dung có tính thực tế lại càng cho thấy “sức mạnh” hơn bao giờ hết. Bốn học phần: Khởi sự và tạo lập doanh nghiệp, Quản trị thương hiệu, Quản trị nguồn nhân lực và Quản trị sự thay đổi chính là những môn học ứng dụng như thế.

Hiểu được bản chất từ khối kiến thức chuyên sâu để khởi sự

Ngay từ năm nhất, năm hai, sinh viên của Viện Quản trị Kinh doanh đã có những môn học nền tảng mang tính ứng dụng cao như Kỹ năng làm việc theo nhóm, Văn hóa doanh nghiệp và Đạo đức kinh doanh giúp các bạn sinh viên có thêm tự tin cũng như các kỹ năng cần thiết trong học tập và cuộc sống. Khi lên năm thứ ba, Viện thiết kế 4 học phần mới, bổ trợ và tạo nền tảng tốt cho sinh viên được tiếp cận thực tế để không “bỡ ngỡ” khi ra ngoài doanh nghiệp hay thậm chí là khởi lập sự nghiệp của bản thân mình.

Để khởi nghiệp cần bắt đầu từ đâu, lựa chọn ý tưởng kinh doanh thế nào, lập kế hoạch ra sao, đăng ký và duy trì doanh nghiệp… chính là nội dung trong học phần Khởi sự và tạo lập doanh nghiệp. Từ khối kiến thức này, mỗi sinh viên SBA có thể tự xây dựng dự án khởi sự triển vọng, hợp pháp và khả thi cho mình.

Kiến thức từ học phần Khởi sự và tạo lập doanh nghiệp là cơ hội để sinh viên khởi nghiệp

Giống như khi xây dựng một ngôi nhà, đặt nền móng vững chãi là tiền đề để ngôi nhà trở nên kiên cố. Nắm được kiến thức từ môn học này chính là đặt được nền móng cho công việc kinh doanh sau này. Không những vậy, kiến thức thực tiễn từ môn học còn dạy sinh viên xây dựng thái độ phù hợp với môi trường làm việc.

Kho tàng kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các thương hiệu, học phần Quản trị thương hiệu mang đến một bức tranh tổng quan cho người học, giúp các bạn sinh viên biết thế nào là thương hiệu và vai trò của chúng trong cuộc sống. “Đây là một trong những học phần thuộc khối Marketing. Môn học cụ thể hóa kiến thức về thương hiệu như cấu trúc thương hiệu, tài sản thương hiệu, giá trị thương hiệu, hệ thống nhận diện thương hiệu… giúp các bạn sinh viên khi đi ra một doanh nghiệp sẽ hiểu và biết cách để nâng tầm giá trị thương hiệu tại nơi mình đang công tác.” – TS. Đào Cẩm Thủy - giảng viên học phần Quản trị thương hiệu chia sẻ về giá trị của môn học.

Kết thúc học phần Quản trị thương hiệu, sinh viên sẽ hiểu và biết cách để nâng tầm giá trị thương hiệu tại nơi mình công tác sau này

Thích ứng với những thay đổi của thị trường, học phần Quản trị nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng khi mang đến khối kiến thức chuyên sâu, hiện đại và có tính thực tiễn cao. “Các nhà quản trị tương lai cần có năng lực quản trị nhân lực nếu muốn thành công. Họ cần biết cách chiêu mộ và tuyển chọn những cá nhân ưu tú để thành lập đội nhóm cho mình sau đó huấn luyện họ thành những “chiến binh” thực thụ. Họ cũng cần biết cách xây dựng hệ thống quản trị và phát triển nhân lực cho tổ chức như đánh giá thành tích, thù lao và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.” – TS. Đỗ Xuân Trường, giảng viên học phần Quản trị nguồn nhân lực chia sẻ.

Bổ trợ cho khối kiến thức về quản trị - quản trị sự thay đổi mang tính liên ngành, có tính thực tiễn cao và bao hàm các hoạt động chủ động phát hiện, thúc đẩy và điều khiển quá trình thay đổi của doanh nghiệp phù hợp với những biến động của môi trường kinh doanh, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển. Kết thúc học phần, sinh viên nắm chắc kiến thức khoa học hành vi, tích hợp với các tình huống xử lý thực tế tại doanh nghiệp.

Cơ hội để phát triển bản thân

Bên cạnh khối kiến thức “đồ sộ”, kỹ năng và những tình huống thực tế, mỗi học phần cũng đem đến nhiều cơ hội để sinh viên được phát triển toàn diện. “Trong quá trình học chúng em được các thầy cô của Viện truyền đạt những kiến thức không chỉ là lý thuyết mà còn có rất nhiều ví dụ, những câu chuyện thực tế để chúng em hình dung rõ hơn về quá trình xây dựng và phát triển của các thương hiệu từ lớn đến nhỏ. Thầy cô kết hợp hình thức truyền tải slide bài giảng cùng các web tương tác trực tuyến và tạo không gian để sinh viên tự tìm hiểu, giúp chúng em hứng thú hơn và nhớ kiến thức hơn.” - bạn Bùi Hà Vy, QH2019-E QTKD CLC 5 chia sẻ.

Những giờ học Quản trị nguồn nhân lực của thầy Trường cũng là những giờ thú vị, tạo nguồn cảm hứng: “Ngoài các hoạt động thường gặp như bài giảng, thảo luận tình huống, các dự án nhóm sinh viên còn được tham gia hoạt động tranh biện và đóng vai mô phỏng. Các cuộc tranh biện về chủ đề như “Chọn người tài hay người phù hợp” thường diễn ra sôi nổi đến mức thầy giáo phải “ngắt” vì quá giờ. Mô phỏng đóng vai “Phỏng vấn tuyển dụng” theo phương châm “càng thật càng tốt” nhiều lần làm thầy trò cười nghiêng ngả… Nhờ đó, sinh viên sẽ được phát triển các kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp, xử lý tình huống. Đặc biệt sinh viên được củng cố các giá trị nhân văn, hiểu được tiềm năng to lớn và trân trọng người lao động.” – TS. Đỗ Xuân Trường nhắc đến mỗi tiết học của thầy và trò SBA.

Các hoạt động thực hành trên lớp Quản trị nguồn nhân lực của sinh viên SBA

Ứng dụng thực tiễn ngay từ những giờ học trên lớp, sinh viên SBA tự tin thực chiến

“Học đi đôi với hành”, các học phần đưa sinh viên từ sách vở đi đến hiện thực. Bạn Doãn Thị Thuỳ Linh, QH2018-E QTKD CLC 1 chia sẻ cách vận dụng kiến thức vào công việc: “Trong quá trình học, em đã biết các dấu hiệu để xây dựng thương hiệu một doanh nghiệp không chỉ ở tên, slogan, hình ảnh... mà nó còn là dấu ấn, tạo cho khách hàng một hành trình trải nghiệm tích cực ở hình thức, chất lượng sản phẩm và giá trị nhận được sau cùng. Những bài học rút ra ấy chính là những kiến thức mà môn Quản trị thương hiệu đúc kết để sau khi học xong, sinh viên có thể áp dụng vào chính thương hiệu của mình, linh hoạt tạo ra được điểm nhấn, điều mới mẻ mà không mất đi những nền tảng cốt lõi trong quản trị thương hiệu.”

Tính thực tiễn từ các học phần còn mang đến sự hứng thú cho sinh viên của Viện, TS. Đào Cẩm Thủy, giảng viên SBA chia sẻ: “Các bạn sinh viên rất hào hứng vì được tiếp cận môn học thực tế thú vị, được phân tích những case study từ doanh nghiệp, tập đoàn lớn, nhỏ khác nhau. Đồng thời hiểu được để xây một thương hiệu cá nhân, thương hiệu cho công việc khởi nghiệp sau này sẽ phải làm những gì. Học phần Quản trị thương hiệu nói riêng và các học phần mang tính thực tiễn khác nói chung đều định hướng cho sinh viên biết cách “brainstorming” để phát triển ý tưởng khởi nghiệp, đi làm trong tương lai…”

Từng bước hành trình đi theo Triết lý giáo dục “Giáo dục chuẩn quốc tế, kiến tạo, tư duy tự lập, hài hòa, giữ vững bản sắc, trở thành chuyên gia, lãnh đạo”, các học phần mang tính thực tiễn của Viện Quản trị Kinh doanh sẽ là “vũ khí sắc bén” cho sinh viên trong hành trình công việc sau này.

Tìm kiếm ngành học đào tạo thực tiễn – Hãy đến Viện Quản trị kinh doanh UEB-SBA!


Thu Uyên - UEB Media

FullName Email
Address Security code SJOVWS
Content