New Nghien Cuu
 Search

TS. Đinh Thị Thanh Vân: Hiểu biết tài chính giúp người trẻ quyết định tương lai

TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Phụ trách khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, hiểu biết về tài chính quyết định tương lai của người trẻ. Mỗi người cần lập kế hoạch tài chính, tích lũy, phân bổ thu nhập để hướng tới mục tiêu về hưu sớm ở tuổi 50.


Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Vân đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng và Tài chính cá nhân. 7 năm trước chị sáng lập Mạng lưới Tài chính cá nhân Việt Nam và là đồng tác giả Board game Đường Đua tài chính (giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông từ 8 tuổi trở lên)... Hiện chị đang tham gia chương trình giáo dục tài chính tại Mỹ.

Phải có chiến lược phân bổ thu nhập

Gần đây nhiều người nhắc đến tự do tài chính. Các chuyên gia tài chính định nghĩa tự do tài chính thế nào thưa Tiến sĩ?

Tự do tài chính là phải có 2 yếu tố. Thứ nhất là được tự do làm những điều mình yêu thích và mong muốn. Thứ hai là không phải lo lắng về tiền bạc. Tự do tài chính có nghĩa là bạn có thể đưa ra những quyết định trong cuộc sống mà không phải lo lắng về tiền bạc vì bạn đã có sự chuẩn bị sẵn sàng.

Như vậy tự do tài chính không phải là có rất nhiều tiền và không làm gì hết. Nhưng tại sao lại chọn mốc 50 tuổi để đạt tự do tài chính?

Độ tuổi 50 là cột mốc mà tính khả thi để đạt được tự do tài chính cao hơn. Tại nhiều nước phát triển, giới trẻ còn đặt mục tiêu ở độ tuổi thấp hơn. Nếu đặt mục tiêu đến 60 tuổi mới đạt tự do tài chính thì lúc đó sức khỏe cũng đã suy giảm, muốn đi du lịch hay thực hiện những điều mình thích có thể cũng đã khó rồi. 50 là độ tuổi vừa phải, có tính khả thi rất cao cho nhiều người.

Liệu có thể xác định một con số cụ thể về tài sản để đạt đến tự do tài chính?

Đầu tiên, bạn phải lập kế hoạch, liệt kê những mong muốn của bản thân cho cuộc sống sau độ tuổi 50. Từ những mong muốn và kế hoạch này, bạn phải tính toán ra các khoản chi tiêu mình sẽ trang trải cho bản thân để đạt được mức sống đó: chi phí sinh hoạt, tiền khám sức khỏe, đi du lịch...

Các chuyên gia tài chính ước tính nó vào khoảng 80% chi phí ở thời điểm mình chi tiêu nhiều nhất. Ví dụ, hiện bạn 35 tuổi, hằng năm gia đình bạn tiêu hết số tiền 240 triệu đồng (khoảng 20 triệu đồng/tháng). Giả sử lạm phát là 2%/năm và bạn định nghỉ hưu trong vòng 15 năm ở độ tuổi 50 thì số tiền bạn cần chi tiêu một năm sau 15 năm tính cả lạm phát sẽ là: 240 triệu đồng x 80% x (1 2%)15 = 258,4 triệu đồng. Bạn cần tính thêm số tiền phải tích lũy tại thời điểm nghỉ hưu là số tiền cần có hằng năm/tỷ lệ lợi nhuận trung bình dự kiến tức là 200 triệu đồng/4% = 5 tỷ đồng. Như vậy, khi bạn có 5 tỷ đồng thì bạn có thể nghỉ hưu.

... Nhưng cũng có thể khi nghỉ hưu người ta không có nhu cầu tiêu nhiều như khi mình còn trẻ thì có nhất thiết phải cần 5 tỷ đồng?

Đó chỉ là một mốc tài sản cần thiết để đạt mục tiêu tự do tài chính. Trong thực tế, cuộc sống luôn có những biến đổi nên việc hoạch định tài chính cá nhân có thể phải điều chỉnh hằng năm, thậm chí hằng tháng.

Trong hoạch định tài chính, thu nhập chủ động từ việc chúng ta đi làm và thu nhập thụ động từ những nguồn đầu tư tài chính có vai trò như thế nào?

Trong những giai đoạn đầu của cuộc sống, khi còn trẻ, thu nhập chủ động chiếm tỷ trọng lớn tới 80 - 90%. Ở những giai đoạn sau, khi đã tích lũy được một số tài sản nhất định thì bạn có thể kiếm được thu nhập thụ động từ nguồn vốn tích lũy. Nếu đến mốc 50 tuổi, thu nhập thụ động có thể đạt 100% thì không cần thu nhập chủ động, bạn có thể đạt được tự do tài chính.

TS. Đinh Thị Thanh Vân hiện là Phó Chủ nhiệm Phụ trách khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Công thức tiết kiệm phù hợp

Nhưng bài toán mà nhiều người đều thấy là đi làm với số thu nhập chủ động ít ỏi thì số tiền tích lũy không đáng kể?

Nguyên tắc là phải tiết kiệm trước, chi tiêu sau. Giai đoạn đầu thu nhập chưa nhiều thì hằng tháng bỏ ra 5 - 10% tiết kiệm thôi, giai đoạn sau tỷ lệ có thể tăng hơn. Đến sinh viên ít tiền, sau khi học tài chính cá nhân mà còn tiết kiệm được thì những người đi làm hoàn toàn có thể thực hiện được. Chỉ là do mọi người chưa đủ kỷ luật, chưa thực sự mong muốn, chưa nhìn thấy hoạch định tài chính quan trọng với cuộc sống như thế nào nên chưa quyết tâm để làm thôi. Ví dụ, bạn hoàn toàn có thể bớt cà phê, xem phim, đi ăn nhà hàng, mua sắm...

Vậy vấn đề nằm ở bài toán chi tiêu. Nhưng ngược lại, với nhiều người, làm sao có được nguồn thu đều đặn ổn định mỗi tháng cũng đã là bài toán khó, nhất là trong khủng hoảng của dịch Covid-19?

Đây là một câu hỏi rất khó vì trong thực tế đúng là để có nguồn thu nhập ổn định bền vững không dễ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nguyên tắc chung chúng ta phải tìm kiếm tối đa thu nhập chủ động trong thời gian chúng ta còn trẻ, còn khỏe. Có thể đặt mục tiêu tìm kiếm thu nhập chủ động từ nhiều nguồn, liên tục tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, cập nhật những xu thế của tương lai để khi càng tuổi cao hơn thì giá trị sức lao động của chúng ta càng cao hơn. Ngay từ sớm, nếu chúng ta có ý thức tích lũy thu nhập thụ động thì sẽ giúp chúng ta có thu nhập bền vững trong tương lai. Một người bình thường hoàn toàn có thể đạt tự do tài chính ở tuổi 50 nếu chúng ta có kế hoạch tài chính và kỷ luật trong thực hiện tích lũy. Rất nhiều người đã làm được.

Liệu có một công thức tiết kiệm nào mà các chuyên gia tài chính khuyên dùng?

Có rất nhiều phương pháp quản lý và phân bổ thu nhập cho tiết kiệm, đầu tư: 30-50-20; 6 chiếc hũ;... Mỗi một phương pháp có tỷ lệ khác nhau. Mỗi nền văn hóa, hoàn cảnh cá nhân thì có tỷ lệ khác nhau nhưng luôn giữ nguyên tắc tiết kiệm trước, chi tiêu sau. Khi có thu nhập, luôn phải trích tỷ lệ tiết kiệm trước, số còn lại mới chi tiêu. Ở giai đoạn còn trẻ tuổi, chỉ có thể tiết kiệm 10 - 15%, trung tuổi thì 15 - 25%. Khi thu nhập cao hơn thì tỷ lệ này có thể cao hơn nữa.

Trong số tiền tiết kiệm thì phần trăm dành cho những khoản đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán, bất động sản được phân bổ như thế nào?

Trong tài chính cá nhân có một yếu tố quan trọng đó là tháp tài sản. Tháp tài sản giống hình kim tự tháp chia làm 3 tầng. Tầng bảo vệ quản lý rủi ro gồm: quỹ khẩn cấp (6 - 10 tháng chi phí); hợp đồng bảo hiểm (bảo vệ sức khỏe); vàng... để phòng ngừa các biến cố. Tầng thứ hai là tiết kiệm cho các mục tiêu du lịch, hưu trí, đầu tư cho con... Tầng thứ ba là tầng đầu tư. Sản phẩm đầu tư càng rủi ro thì càng chiếm tỷ lệ nhỏ. Không có con số cụ thể cho từng trường hợp nhưng nguyên tắc an toàn là 50% cho tầng 1, 30% cho tầng 2, 20% cho tầng 3.

Trong lúc chưa tăng được thu nhập thì chúng ta cố gắng kiểm soát chi phí. Tiến sĩ có chia sẻ gì về điều này?

Một người quản lý chi tiêu hiệu quả luôn luôn nhớ mục tiêu dài hạn của mình là gì và tự do tài chính trong dài hạn của mình như thế nào thay vì sở thích cá nhân trước mắt hay sự thoải mái tự do ở thời điểm hiện tại. Bí quyết quản lý chi tiêu đơn giản nhất là hãy ghi lại chi tiêu của mình trong 3 tháng. Khi nhìn vào đó bạn sẽ nhìn thấy tỷ lệ chi tiêu không hợp lý và tự điều chỉnh.

Có lẽ sau đại dịch Covid-19, nhiều người sẽ nhận ra tầm quan trọng của hoạch định tài chính cá nhân...

Đúng vậy. Tương lai có rất nhiều bất định nên chúng ta cần phải có quỹ khẩn cấp (6 - 10 tháng chi tiêu) để trong trường hợp có chuyện gì xảy ra chúng ta chủ động cuộc sống, không làm phiền đến người khác.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

>> Xem bài gốc


Theo Khoa học Đời sống

FullName Email
Address Security code LGQRPD
Content