New Nghien Cuu
 Search

Xuất khẩu dệt may: Chuyển đổi để thích ứng

Trong bối cảnh biến động không ngừng của nền kinh tế thế giới, ngành công nghiệp dệt may toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức. Các doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi để kịp thời thích ứng và ứng phó nhanh chóng trước những bất ổn trong môi trường kinh doanh quốc tế.


Trong những năm gần đây, thế giới đã trải qua nhiều biến động lớn như đại dịch COVID-19, căng thẳng chính trị giữa các quốc gia, chủ nghĩa bảo hộ, sự lan tỏa của kinh tế số, kinh tế xanh, rủi ro của sự bất ổn trong môi trường tài chính quốc tế, lạm phát gia tăng và hậu quả của chính sách thắt chặt tiền tệ, biến đổi khí hậu… Những biến động này đã có tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của United Nation (2023), tăng trưởng thế giới dự kiến giảm từ mức 3% năm 2022 xuống chỉ còn 1,9% năm 2023, đánh dấu một trong những mức tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong những thập kỷ gần đây. Suy thoái kinh tế có thể tác động mạnh mẽ đến thị trường ngành dệt may thế giới, làm giảm nhu cầu tiêu thụ, biến động tỷ giá hối đoái và lạm phát có thể tác động đến giá thành sản phẩm và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Dự đoán tổng cầu dệt may toàn cầu năm 2023 giảm xuống 700 tỷ USD, thấp hơn cả năm 2019, thời điểm trước Đại dịch COVID-19. Trước bối cảnh biến động không ngừng của nền kinh tế thế giới đã và đang tạo áp lực lớn cho các nhà hoạch định chính sách tại các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm mục đích đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị và xã hội. Một số đề xuất cấp thiết từ các tổ chức quốc tế nhằm ứng phó với những biến động trên bao gồm: Thúc đẩy hợp tác thương mại quốc tế, đặc biệt thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; Ổn định môi trường tài chính và kiểm soát tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu, hỗ trợ đặc biệt cho các quốc gia phát triển và đang phát triển; Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hướng tới phát triển bền vững. 

Trước tình hình ngành dệt may thế giới còn nhiều khó khăn của, thực trạng phát triển ngành của nhiều quốc gia cũng không khác biệt. Đơn cử như Trung Quốc, đây là một trong ba quốc gia sản xuất hàng dệt may hàng đầu thế giới với kim ngạch xuất khẩu lên đến 154 tỷ USD năm 2020. Ngành dệt may Trung Quốc có nhiều lợi thế như chi phí thấp, nguồn nguyên liệu tốt, lực lượng lao động đa dạng, khu công nghiệp phát triển và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, quốc gia này đang trải qua những thay đổi cơ cấu do xung đột trong thương mại quốc tế, thay đổi trong thị trường tiêu dùng, và chuyển đổi nhà cung ứng của các quốc gia khác. Bangladesh đang dần thay thế Trung Quốc để trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất sang Liên minh Châu Âu. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng đẩy nhiều đơn đặt hàng may mặc từ Trung Quốc sang Bangladesh. Tại Sri Lanka, một số doanh nghiệp may mặc đang “chờ chết” trong bối cảnh các đơn đặt hàng lớn bị hủy bỏ từ thị trường Mỹ và châu Âu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trước thực trạng trên, các quốc gia đã đề xuất các phản ứng chính sách nhằm phục hồi ngành dệt may quốc gia nói riêng, và thế giới nói chung. Cụ thể, các tổ chức công đoàn và quốc tế đã đề xuất tăng cường hợp tác giữa các quốc gia như kêu gọi các thương hiệu và nhà bán lẻ hỗ trợ các nhà sản xuất ở các nước đang chịu ảnh hưởng của COVID-19, tạo ra các quỹ cứu trợ và giám sát việc giải ngân cho người lao động hoạt động trong ngành dệt may… Các quốc gia như Bangladesh, Campuchia và Sri Lanka đã cung cấp hỗ trợ tài chính cho ngành may mặc, nhưng tình hình còn khó khăn khi tác động của đại dịch COVID-19 vẫn để lại “dư âm” đáng kể.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên trong bối cảnh biến động hiện tại, ngành vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nhất định. Ngành dệt may đóng vai trò tích cực trong phát triển kinh tế quốc gia. Cụ thể, ngành đã tạo việc làm cho hơn 3 triệu lao động, chiếm trên 10% tỷ trọng lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của ngành chiếm 12-16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam và đứng thứ hai thế giới về quy mô xuất khẩu. Ngành dệt may Việt Nam đã tạo dấu ấn tại hầu hết các thị trường quốc tế, với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức và Trung Quốc là những thị trường chính tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong bối cảnh bất ổn của nền kinh tế thế giới như: (i) Sự thiếu hụt trầm trọng về đơn hàng. Cụ thể, từ cuối quý 3/2022, tình hình sản xuất kinh doanh trong nhiều ngành kinh tế Việt Nam, bao gồm dệt may, đã gặp khó khăn, hơn cả giai đoạn trong đại dịch COVID-19. Xuất khẩu dệt may trong quý 4/2022 giảm tới 15% so với trước đó; trong 5 tháng đầu năm 2023, tình trạng thiếu đơn hàng và giá giảm tiếp tục tác động mạnh đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh do tâm lý người tiêu dùng chuộng tiết kiệm và e ngại chi tiêu. Hàng dệt may Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ Bangladesh với chi phí nhân công rẻ hơn; (ii) Yêu cầu xanh hóa sản phẩm, thân thiện với môi trường và các tiêu chuẩn tái chế của thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu đã tạo áp lực lớn đến các doanh nghiệp dệt may do đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và lâu dài trong việc phát triển các chuỗi cung ứng bền vững và toàn diện; (iii) Tăng chi phí đầu vào và giảm giá thành sản phẩm. Cụ thể, đơn giá sản xuất giảm mạnh, nhiều đơn vị ghi nhận giá gia công giảm tới 50% so với các năm trước. Những khó khăn khác bao gồm việc đối tác hoãn thời gian nhận hàng, ảnh hưởng đến dòng tiền và lưu trữ sản phẩm chưa được xuất, nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc tạo khó khăn trong việc đáp ứng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do; các chính sách ưu đãi của Chính phủ không đến được hay không hiệu quả đến các doanh nghiệp do yêu cầu thủ tục phức tạp, đặc biệt là các hỗ trợ vay vốn; các doanh nghiệp FDI thường đáp ứng các điều kiện ưu đãi của Chính phủ tốt hơn các doanh nghiệp nội địa, tạo áp lực cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước…

Hội thảo "Xuất khẩu dệt may: Chuyển đổi để thích ứng” được tổ chức ngày 6/10/2023, do Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì về chuyên môn

Nguyên nhân cho những thách thức trên có thể đến từ hai khía cạnh. Về mặt khách quan, sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới, giảm nhu cầu nhập khẩu, lạm phát toàn cầu và yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm từ thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU, xung đột quân sự, chi phí năng lượng tăng, biến động tỷ giá hối đoái, chi phí đầu vào gia tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng đã tạo ra áp lực lớn cho xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam. Đơn cử như đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến xuất khẩu ngành, khiến kim ngạch giảm khoảng 10% năm 2020. Tuy vậy, xuất khẩu của ngành dệt may đã bắt đầu phục hồi trong năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Ngành dệt may đã chuyển đổi để sản xuất các sản phẩm như bảo hộ và khẩu trang, đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Thêm vào đó, bối cảnh chuyển đổi số cũng có tác động đặc biệt quan trọng tới ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Sự phát triển của các công nghệ kỹ thuật số đã tác động mạnh mẽ đến ngành, mang đến các thay đổi lớn về phương thức sản xuất, giá trị sản phẩm và hiệu quả lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp thách thức lớn trong việc bắt kịp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ do nguồn lực còn rất hạn chế. Về mặt chủ quan, các chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn chưa thực sự thống nhất, thiếu minh bạch, chưa bám sát vào thực tiễn và khó khăn của doanh nghiệp; Các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công còn chồng chéo, chưa hiệu quả; Chưa xây dựng, thiết kế và hướng dẫn phát triển chuỗi cung ứng xanh, chuỗi cung ứng bền vững tới doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thêm vào đó, năng lực còn hạn chế của các doanh nghiệp dệt may trong việc đáp ứng yêu cầu phi thuế quan và thay đổi trong nền kinh tế xanh và nền kinh tế số là điểm cản trở trong việc ứng phó và đưa ra chiến lược, giải pháp xuất khẩu phù hợp trong bối cảnh hiện tại.

Để ứng phó với những thách thức và tận dụng cơ hội nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu, một số hàm ý chính sách được đề xuất như sau: 

Thứ nhất, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nhằm nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu dệt may Việt Nam trong thị trường quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt như Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu-Việt Nam (European-Vietnam Free Trade Agreement-EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (Vietnam - UK Free Trade Agreement-UKVFTA), được ví như đường cao tốc cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu và Anh quốc. Thuế suất xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU bình quân 9,6%, sẽ giảm dần về 0%. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chủ động nắm rõ các điều kiện và cam kết trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt liên quan tới hàng rào phi thuế quan như các quy tắc xuất xứ, các biện pháp phòng vệ thương mại… 

Thứ hai, ngành dệt may cần nỗ lực thay đổi phương thức kinh doanh, đổi mới phương thức sản xuất, tập trung vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh sạch ngày càng gia tăng, đặc biệt tại thị trường châu Âu - một trong những thị trường xuất khẩu dệt may quan trọng của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp nội địa cần phát triển các chuỗi cung ứng dệt may toàn diện và bền vững. Các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào các nguyên vật liệu tự nhiên, truyền thống, tránh sử dụng sản phẩm từ vật liệu tự kết dính, gây ô nhiễm môi trường; đầu tư các khu công nghiệp thu hút các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đảm bảo công tác xử lý chất thải công nghiệp, hướng tới phát triển bền vững.

Thứ ba, đẩy mạnh quá trình tự động hóa sản xuất, bắt kịp với xu hướng phát triển của bối cảnh chuyển đổi số. Ngành dệt may cần tập trung vào việc tự động hóa dây chuyền sản xuất, chuẩn bị nguồn lực (nguồn nhân lực, vốn, công nghệ kỹ thuật số) để hiện đại hóa các khâu sản xuất và phát triển công nghệ thân thiện với môi trường.Các doanh nghiệp cần đầu tư từng phần, từng bước ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số trong ngành dệt may, bắt đầu từ các thiết bị sử dụng công nghệ số trong các khâu đơn giản và có tính lặp lại cao. Cần thay thế các thiết bị cũ bằng thiết bị mới và tạo nền tảng cho việc xây dựng các nhà máy thông minh. Đơn cử như Công ty may 10 đã chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chiến lược xanh hóa của Nhà nước, từng bước xanh hóa sản xuất như cải tạo cơ sở vật chất, thay toàn bộ bóng đèn led tiết kiệm điện, thay thế đường hơi công nghệ cũ bằng đường hơi mới (thay than đá bằng điện và biomass). Đồng thời, các doanh nghiệp cần nâng cao công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong việc ứng dụng và phát triển các công nghệ kỹ thuật số bằng cách mở các ngành đào tạo liên ngành, đào tạo đội ngũ giảng viên về công nghệ 4.0. 

Thứ tư, cần có sự minh bạch và định hướng rõ ràng trong các chính sách thúc đẩy xuất khẩu, gợi ý và hướng dẫn cụ thể mô hình hoạt động cho các doanh nghiệp, đặc biệt là hướng tới nền kinh tế xanh và số hóa. Đơn cử như việc thực hiện xanh hóa quá trình sản xuất hàng dệt may cần làm rõ định nghĩa xanh hóa, đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng và có hệ thống để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư và thực hiện. Cần tăng cường sự kết nối giữa các Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp dệt may Việt Nam nhằm nâng cao tính hiệu quả trong các chương trình hỗ trợ, xúc tiến thương mại. Hiệp hội Doanh nghiệp Dệt may cần nâng cao vai trò làm cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp, truyền đạt có chắt lọc những chỉ thị của Chính phủ, cũng như những thắc mắc của doanh nghiệp. Thêm vào đó, Chính phủ cần rà soát tính hiệu quả trong các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các ưu đãi vay vốn cho các doanh nghiệp nội địa hoạt động với quy mô vừa và nhỏ. Đề xuất việc ngân hàng cho vay bằng hợp đồng gia công với hình thức tín chấp để có nguồn tiền mua nguyên vật liệu, trả chi phí lương cho người lao động, duy trì nguồn đơn hàng; xem xét các chính sách giảm lãi suất vay, giãn nợ theo đề xuất của doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện tại. 

Cuối cùng, doanh nghiệp dệt may cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và chủ động thích ứng với các nhu cầu mới, ứng phó kịp thời với các biến động của nền kinh tế thế giới. Nắm bắt xu thế phát triển của thị trường quốc tế, đa dạng hóa nguồn cung và thị trường tiêu thụ nhằm giảm tải những rủi ro trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng do phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, đa dạng hóa các hình thức quảng bá sản phẩm thương hiệu hàng dệt may Việt Nam, củng cố thương hiệu dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Tóm lại, những biến động của nền kinh tế thế giới hiện nay như xung đột giữa các quốc gia, lạm phát gia tăng, đại dịch COVID-19, sự bùng nổ của các công nghệ kỹ thuật số, các yêu cầu về sản phẩm xanh… đã tạo áp lực đáng kể tới thị trường ngành dệt may toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần chuyển đổi để thích ứng với thực trạng của thế giới hiện đại. Một số hàm ý chính sách được đề xuất như tăng cường khai thác các hiệp định thương mại tự do nhằm nâng cao vị thế hàng xuất khẩu dệt may Việt Nam trong thị trường quốc tế; thay đổi chuỗi cung ứng và hướng tới phát triển bền vững, gia tăng sản lượng sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường; tăng cường nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ kỹ thuật số; minh bạch và định hướng rõ ràng chi tiết các chính sách thúc đẩy xuất khẩu; doanh nghiệp cần nâng cao sự chủ động và linh hoạt, thích ứng với các biến động của nền kinh tế thế giới.

Ghi chú: Bài tư vấn chính sách dựa trên Hội thảo "Xuất khẩu dệt may: Chuyển đổi để thích ứng” được tổ chức ngày 6/10/2023, do Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế chủ trì về chuyên môn. Đây là Hội thảo nằm trong Chuỗi “UEB Research and Sharing” của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hội thảo nhằm mục đích đưa ra các phân tích và trao đổi chuyên sâu giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, hiệp hội và các doanh nghiệp về những vấn đề xoay quanh xuất khẩu dệt may Việt Nam trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới. Trên cơ sở các phân tích và trao đổi chuyên sâu đó, Hội thảo đề xuất các tư vấn chính sách nhằm thúc đẩy xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các thị trường trong bối cảnh đầy biến động của nền kinh tế thế giới hiện nay. 

Thông tin về Hội thảo được truy cập tại: 

https://kinhte.congthuong.vn/xuat-khau-det-may-cua-viet-nam-sang-hoa-ky-dang-giam-thi-phan-277004.html

https://www.facebook.com/ktqtclc/posts/pfbid02NNfAYLDRHqr3mNeqKufofLqVtPpXhLa2ztY1emUmjwqyWVy6GCDKyLr5UL1r7Xynl 


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code HDGHAQ
Content