New Nghien Cuu
 Search

Tạo thuận lợi số cho hoạt động thương mại: Lý luận và thực tiễn

Mặc dù được đánh giá có những thành công bước đầu trong việc tạo dựng nền tảng cho sự chuyển đổi số một cách toàn diện trong giai đoạn tới, Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi số nền kinh tế. Nhằm giải quyết những yêu cầu từ lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức hội thảo “Tạo thuận lợi số cho hoạt động thương mại: Lý luận và thực tiễn”.


Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài cấp ĐHQGHN mã số QG 21.47 do TS. Vũ Thanh Hương chủ trì, được tổ chức vào ngày 28/12/2021. 

Hội thảo đề cập đến các vấn đề về lý luận tạo thuận lợi số cho hoạt động thương mại, chuyển đổi số cũng như thực tiễn triển khai các biện pháp tạo thuận lợi số trong thương mại tại Việt Nam. Những thảo luận chi tiết dưới nhiều góc độ từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cho đến góc nhìn chuyên gia, xoay quanh sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc thực thi tạo thuận lợi số trong thương mại đã được đưa ra, góp phần đẩy nhanh tiến trình này tại Việt Nam để gia tăng những lợi ích mà quốc gia có thể đạt được từ hoạt động thương mại quốc tế. 

Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài cấp ĐHQGHN mã số QG 21.47 do TS. Vũ Thanh Hương chủ trì

Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đề xuất những khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý thương mại trong nước và doanh nghiệp trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động tạo thuận lợi số trong thương mại quốc tế như sau: 

Thứ nhất, cần xây dựng khung các biện pháp tạo thuận lợi số trong thương mại một cách rõ ràng để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi trong quá trình áp dụng đưa vào thực hiện. Các biện pháp này cần có sự phối hợp tham gia của tất cả các bên liên quan trong hoạt động thương mại quốc tế, từ doanh nghiệp xuất nhập khẩu đến các cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Thêm vào đó, sự liên kết giữa chính phủ các nước cũng rất cần thiết. TS. Vũ Thanh Hương và nhóm nghiên cứu đã đề xuất khung đánh giá về tạo thuận lợi thương mại số theo 4 nhóm hoạt động với các đối tượng tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, bao gồm: (1) Nhóm các biện pháp chung, (2) Nhóm các biện pháp phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, (3) Nhóm các biện pháp phối hợp giữa các cơ quan quản lý thương mại trong nước, và (4) Nhóm các biện pháp phối hợp giữa các cơ quan quản lý thương mại của các quốc gia.

Thứ hai, muốn ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, các cơ quan nhà nước cần hiểu rõ bản chất và xác định các điều kiện chuyển đổi số phù hợp, bởi chuyển đổi số trong thương mại đòi hỏi làm thương mại theo cách mới với các cơ hội số và tinh thần đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, hiểu bản chất của những vấn đề cơ bản về chuyển đổi số là điều kiện cần để thực hiện chuyển đổi số. Để chuyển đổi số được triển khai nhanh chóng và thu được kết quả tốt, Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể trong việc xây dựng chiến lược, lộ trình và kế hoạch thực hiện. Theo nhận định của Giáo sư Hồ Tú Bảo, xét trên bản đồ của chuyển đổi số thì Việt Nam đang ở những giai đoạn sơ khai nhất. Tuy nhiên trong thương mại quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong hệ thống hải quan điện tử. 

Thứ ba, vấn đề về an ninh số cũng cần được xem xét kỹ lưỡng và cần coi đây là vấn đề quan trọng khi áp dụng các biện pháp tạo thuận lợi số cho thương mại. Quá trình chuyển đổi số là tất yếu, nhưng vấn đề tấn công mạng đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp và các cơ quản quản lý nhà nước. Mức độ nhận biết về an toàn bảo mật thông tin của các bên tham gia chưa cao. Trong khi đó, khả năng kiểm soát từ các công ty dịch vụ công nghệ chưa đủ mạnh. Do đó, cần có các kế hoạch và lộ trình trong việc áp dụng công nghệ số cũng như hoạt động giáo dục để nâng cao kiến thức, ý thức về an toàn an ninh bảo mật. 

Thứ tư, nhằm thúc đẩy việc thực hiện tạo thuận lợi thương mại cho hai nhóm đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, các hệ thống hải quan số, cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa quốc tế… cần được hoàn thiện hơn, đẩy mạnh hơn mức độ triển khai, đẩy nhanh hơn tốc độ thực hiện. Các thủ tục giấy tờ cần thực hiện số hóa gồm giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) điện tử, tờ khai hải quan và kiểm dịch động thực vật (E-SPS)…

Thứ năm, sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc thực thi tạo thuận lợi số trong thương mại là rất quan trọng. Thông qua chia sẻ của các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào hoạt động xuất nhập khẩu, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy mạnh việc đồng bộ hóa thông tin trên các cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW), một cửa ASEAN (ASW) và các trang website chính phủ, bởi lẽ thông tin về hải quan ở Việt Nam còn khá rời rạc; điều này khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian để tự nghiên cứu. Với chia sẻ của đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước, cần phải đẩy mạnh sự kết nối của các Bộ/ban/ngành trong việc thực hiện tạo thuận lợi số về tất cả các khía cạnh từ quy trình đến cách thức kiểm tra thực hiện, bởi vì chính sự rời rạc, chưa thống nhất và thiếu tính xuyên suốt này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của việc chuyển đổi số và tạo thuận lợi số. 

Tóm lại, việc tạo thuận lợi thương mại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục phức tạp liên quan đến thương mại quốc tế, từ đó thúc đẩy thương mại quốc tế và gia tăng lợi ích mà thương mại quốc tế mang lại cho các quốc gia, cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và dưới sức ép của đại dịch COVID-19, việc áp dụng công nghệ số để thúc đẩy hoạt động kinh tế nói chung và thương mại nói riêng dần trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 


Phạm Thị Phượng (Khoa KT&KDQT)

FullName Email
Address Security code LFTLWA
Content