New Nghien Cuu
 Search

Nghề giáo đã mở ra cho tôi nhiều cánh cửa mới

Gần một thập kỷ gắn bó, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế đã có nhiều cống hiến và đóng góp cho Nhà trường trong thời kỳ chuyển giao đặc biệt “từ Khoa lên Trường”. Dù đã rời bục giảng và đảm nhiệm những trọng trách lớn hơn, nhưng những kỷ niệm và tình cảm mà thầy dành cho Trường Đại học Kinh tế vẫn vẹn nguyên, ấm áp.


Gắn bó với Trường Đại học Kinh tế từ năm 2007 đến năm 2017, 10 năm là cả một chặng đường dài, cơ duyên nào đã đưa thầy đến với Trường Đại học Kinh tế và giữ chân thầy ở lại trong suốt hành trình đó?

Nếu nói về cơ duyên thì có lẽ mối lương duyên của tôi với Trường Đại học Kinh tế bắt đầu từ lời mời của thầy Hiệu trưởng Phùng Xuân Nhạ vào năm 2007 khi Khoa Kinh tế mới được nâng cấp lên thành Trường. Tuy nhiên, Trường đã trở nên thân thuộc với tôi khá lâu, khoảng 10 năm, từ năm 1997. Khi đó, tôi là giảng viên kiêm nhiệm của Trường.

Hồi đó, công việc của tôi chủ yếu thiên về nghiên cứu, nhưng trong tôi luôn có một niềm yêu thích đặc biệt với công việc giảng dạy. Bởi đó là cơ hội để tôi có thể giao tiếp được với thế hệ trẻ, trao truyền những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã đúc rút được qua quá trình nghiên cứu cho các em sinh viên. Việc giảng dạy cũng giúp tôi có được động lực để tìm tòi, nghiên cứu sâu hơn về lý thuyết, đồng thời có được các phản hồi để hoàn thiện hơn những nội dung mình đang nghiên cứu. 

Công tác tại Trường Đại học Kinh tế còn giúp tôi có cơ hội thực hiện được những điều mới hơn, lớn hơn, và những điều tôi làm cũng sẽ mang lại giá trị tích cực cho nhiều người hơn. Tôi có cơ hội để tham gia tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia; xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao; mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế…

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế

4 năm trong vai trò Phó Hiệu trưởng, 6 năm giữ vị trí Hiệu trưởng, là một trong những người dẫn dắt con thuyền UEB trong những năm đầu thành lập, theo thầy điều gì là yếu tố cốt lõi làm nên thành công của Trường Đại học Kinh tế?

Để làm nên thành công luôn cần hội tụ nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đó chính là “Đoàn kết”. Đoàn kết vừa là truyền thống tốt đẹp vừa là yếu tố làm nên sức mạnh của Trường Đại học Kinh tế. Tinh thần ấy được hun đúc qua nhiều thế hệ, từ những ngày đầu tiên khi Trường mới chỉ là một Khoa thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đến một trường đại học non trẻ với rất nhiều khó khăn và cho đến sự phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay. Từ Ban Giám hiệu đến tập thể cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức và người lao động đều rất gắn kết, thân thiện, nghĩa tình và luôn hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. 

Tôi vẫn còn nhớ những ngày đầu thành lập Trường, mọi thứ còn rất khó khăn như đội ngũ giảng viên mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn, giảng đường chủ yếu phải đi thuê, quy mô sinh viên nhỏ, đối tác thì chưa nhiều... Nhưng ngay từ những ngày đầu đó, chúng tôi luôn tâm niệm phải nghĩ lớn, làm lớn và đặc biệt không ngại khó. Chúng tôi vẫn nói đùa là phải“vừa chạy vừa xếp hàng”, “vừa với vừa nhón”. Nói như vậy là bởi lúc nào mình cũng phải cố, phải vươn lên, làm việc quên ngày quên đêm, thậm chí làm cả vào ngày nghỉ, đồng lòng vì mục tiêu chung. Chẳng hạn, việc xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao mới hay mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là tìm kiếm đối tác để xây dựng các chương trình đào tạo liên kết quốc tế thời đó rất khó khăn, nhưng không ai nản chí.

Có thể khẳng định, không có sự đoàn kết, thống nhất thì sẽ không vượt qua được những khó khăn mà Trường đối mặt. Không có đoàn kết thì không có sức mạnh để làm những điều khó và những việc lớn.

Ngoài “Đoàn kết”, còn có yếu tố nào mà theo thầy, Trường Đại học Kinh tế cần phải chú trọng?

Cùng với “Đoàn kết”, còn có ba yếu tố đã và sẽ tiếp tục làm nên thành công và thương hiệu của Trường Đại học Kinh tế, đó là: Gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học với tư vấn chính sách, tư vấn phát triển doanh nghiệp; Hợp tác quốc tế; và Trường Đại học Kinh tế là một thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đầu tiên, Trường Đại học Kinh tế luôn gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học với tư vấn chính sách, tư vấn phát triển doanh nghiệp. Bởi vì nếu chỉ đào tạo mà không gắn với nghiên cứu khoa học, nhất là gắn nghiên cứu khoa học với tư vấn chính sách và tư vấn phát triển doanh nghiệp thì giảng viên và sinh viên không thể nắm bắt được hơi thở cuộc sống. Rời xa thực tiễn thì chất lượng đào tạo không thể tốt được. Truyền thống này đã được hình thành ngay từ thời kỳ đầu khi Trường còn là Khoa Kinh tế Chính trị. 

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế mà không gắn với quốc tế thì cũng không thể nâng tầm mình lên được. Quốc tế hóa sẽ thổi luồng gió mới vào trong hoạt động của Trường, làm thay đổi cách giảng dạy cũng như cách học, qua đó góp phần nâng cao năng lực và vị thế của Trường. 

Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Trường Đại học Kinh tế luôn gắn với thương hiệu Đại học Quốc gia Hà Nội. Thương hiệu của Trường được tạo dựng một phần nhờ Trường là thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Và vì là thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế có một mạng lưới đối tác rất rộng. Mặt khác, do Đại học Quốc gia Hà Nội là đại học nghiên cứu, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nên Trường có thể tận dụng được đội ngũ giảng viên của tất cả các trường thành viên, cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. 

Nhìn lại hành trình gắn bó của mình với Trường Đại học Kinh tế, có điều gì khiến thầy cảm thấy vui và tự hào khi nhớ đến?

Dù không còn trực tiếp công tác tại Trường, tôi vẫn luôn cảm thấy tự hào về những thành tựu mà Trường Đại học Kinh tế đã đạt được. Trường không chỉ đào tạo ra những thế hệ sinh viên năng động, có chất lượng cao mà còn đóng góp tích cực vào việc “cung cấp” đội ngũ cán bộ lãnh đạo cho Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như nhiều cơ quan, ban ngành khác. Một niềm vui nhỏ nhưng ý nghĩa đối với tôi là khi nhận được những bức ảnh chụp chung với các thầy cô và sinh viên cũ, rồi chia sẻ lại trên các nền tảng mạng xã hội cùng những dòng bình luận dí dỏm. Những kỷ niệm này thực sự khiến tôi cảm thấy ấm áp và tràn đầy tự hào về hành trình gắn bó của mình với Trường.

Là thế hệ lãnh đạo đi trước và đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử hình thành và phát triển của Trường, thầy có lời nhắn nhủ gì đến Trường Đại học Kinh tế trong hành trình phát triển tiếp theo?

Tôi chúc cho Trường Đại học Kinh tế sẽ vươn mình, bắt nhịp được với xu thế phát triển chung của các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, luôn là nơi nuôi dưỡng đam mê và khát vọng; là ngôi trường mà ai cũng mong muốn đến học tập, làm việc, chia sẻ và ai cũng có cơ hội để phát huy cao nhất năng lực, sở trường của bản thân, cống hiến cho sự phát triển của xã hội và đất nước. 

Xem chi tiết cuốn Kỷ yếu 50 năm của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tại đây


PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế; Trích: Kỷ yếu kỷ niệm 50 năm truyền thống Trường Đại học Kinh tế

FullName Email
Address Security code RNGVHM
Content

Other News