New Nghien Cuu
 Search

Chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon cho Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế

Việt Nam cần căn cứ vào thực tiễn và kinh nghệm quốc tế để hoàn thiện chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon, từ đó thúc đẩy các hành động ứng phó biến đổi khí hậu và tìm kiếm nguồn kinh phí để thực hiện...


Các diễn giả, khách mời chụp ảnh lưu niệm cùng ban lãnh đạo và các giảng viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực của nó đã hiện hữu và ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi những hành động cấp bách, cụ thể từ các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng trên toàn thế giới.

Phát triển thị trường carbon là một trong những giải pháp mà các quốc gia đang triển khai thực hiện trong những năm gần đây để thúc đẩy các hành động ứng phó biến đổi khí hậu và tìm kiếm nguồn kinh phí để thực hiện.

TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG CARBON TẠI VIỆT NAM

Tại hội thảo "Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam" do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức ngày 27/9/2024, TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà, Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết tại Việt Nam, các hoạt động phát triển thị trường carbon còn khá mới mẻ. Tuy nhiên Chính phủ đã có những chính sách và kế hoạch cụ thể nhằm phát triển thị trường này.

Cụ thể, hiện nay Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định về giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozone, trong đó đã quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Cụ thể như Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ozone, Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường carbon.

Việt Nam đang trong quá trình thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn trao đổi tín chỉ carbon từ năm 2025 với kỳ vọng vận hành chính thức hệ thống mua bán tín chỉ carbon vào năm 2028.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định về danh mục các ngành/phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho việc phát triển thị trường carbon.

"Việc phát triển thị trường carbon sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả, đồng thời tăng khả năng thích ứng với các cơ chế định giá carbon quốc tế, mở ra cơ hội liên kết với thị trường carbon toàn cầu và khu vực, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế," TS. Hà chia sẻ.

"Ngoài ra, thị trường carbon còn là một cơ chế để thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng các công nghệ phát thải thấp, hướng đến một nền kinh tế trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0."

Ở góc phân tích khác, theo ThS. Lưu Hạnh Nguyên, Giảng viên Khoa Tài chính- Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thị trường carbon bao gồm thị trường carbon tuân thủ và tự nguyện, trong đó, Việt Nam đang tham gia thị trường carbon tự nguyện quốc tế.

Theo đó, Việt Nam đã thực hiện 276 dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM) với tổng lượng khí nhà kính giảm nhẹ khoảng 140 triệu tấn CO2;

Thỏa thuận ERPA giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Thế giới chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 giá trị 51,5 triệu USD (Bắc Trung Bộ); Thỏa thuận ERPA giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp chuyển nhượng 5,15 triệu tấn CO2 giá trị 51,5 triệu USD (Tây Nguyên và Nam Trung Bộ).

Bên cạnh đó, bà Nguyên cũng cho biết Việt Nam đang xây dựng thị trường carbon trong nước, bao gồm 3 giai đoạn.

Giai đoạn chuẩn bị (2021- 2027): xây dựng quy định và quy chế vận hàng sàn giao dịch tín chỉ carbon; Hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV); Thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon; Xây dựng hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia; Thí điểm và hướng dẫn cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế; Tuyên truyền và tăng cường năng lực cho các bên tham gia thị trường carbon.

Giai đoạn thí điểm (2025- 2027): Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025. Giai đoạn vận hành (từ năm 2028): Tổ chức vận hành sàn giao dịch carbon chính thức trong năm 2028.

Đáng chú ý, Việt Nam là một quốc gia có mức độ ô nhiễm môi trường cao và dễ bị tổn thương bởi những tác động của biến đổi khí hậu, trong đó, rừng ngập mặn là một hệ sinh thái quan trọng phân bố dọc theo các khu vực bờ biển và các đảo, có khả năng tích trữ và hấp thụ carbon rất cao và do đó giúp giảm thiểu việc phát thải khí nhà kính.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Tiến, Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết hiện nay, do diện tích rừng ngập mặn đang suy giảm nhanh chóng, việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cần trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

"Giá trị trung bình của các dịch vụ môi trường rừng ngập mặn đem lại tại Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường carbon," TS. Tiến chia sẻ.

KINH NGHIỆM QUỐC TẾ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON CHO VIỆT NAM

Các nước phát triển trên thế giới đã áp dụng các giải pháp phát triển thị trường carbon trong nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính và đóng góp cho mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu. TS. Hà chỉ ra một số khu vực/quốc gia có kinh nghiệm phát triển thị trường carbon bao gồm các nước phát triển Châu Âu, Nhật Bản, Canada; và các nước đang phát triển Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Thái Lan. 

Theo TS. Hà, các quốc gia đã sử dụng các cơ chế và chính sách khác nhau để phát triển thị trường carbon, nhưng hầu hết đều có các yếu tố chung như áp dụng các hệ thống giá carbon, hỗ trợ phát triển công nghệ sạch và tăng cường năng suất.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần phải xây dựng các cơ chế phù hợp để giám sát và báo cáo về khí thải, đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy của thị trường carbon.

Trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm phát triển thị trường tín chỉ phát thải carbon tại Châu Âu và Châu Á, TS. Hà đề xuất 6 khuyến nghị chính sách: Thiết lập ra hệ thống giao dịch khí thải (ETS); Ban hành chính sách giới hạn lượng khí thải; Hình thành cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Hỗ trợ phát triển công nghệ sạch; Hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ; Thuế carbon; Định giá carbon.

Từ phân tích thị trường carbon tự nguyên và tuân thủ, ThS. Nguyên cũng đưa ra một số kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam. Để phát triển thị trường carbon tự nguyện, cần phải giải quyết một số vấn đề bao gồm hành vi tẩy xanh (Greenwashing), Kế toán carbon không chính xác, Chất lượng không đồng nhất của các dự án carbon và Thiếu thông tin về thị trường carbon.

Chuyên gia cũng chỉ ra các vấn đề của thị trường carbon tuân thủ bao gồm thặng dư trong phân bổ tín chỉ khiến doanh nghiệp thiếu động lực giảm phát thải; Biến động giá tín chỉ carbon khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư; Lỗ hổng trong cơ chế bù trừ tín chỉ carbon làm sụt giảm giá carbon, suy yếu tính ổn định thị trường;

Cùng với đó là tính phức tạp và kỹ trị của hệ thống dẫn đến dữ liệu thiếu chính xác, khó đánh giá hiệu quả biện pháp giảm phát thải; Quy định chính sách không đủ chặt chẽ, cho phép các nhà máy điện than tiếp tục hoạt động, không chịu áp lực chuyển đổi năng lượng tái tạo...

Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển thị trường carbon, ThS. Nguyên cho rằng cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về thị trường tín chỉ carbon, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, tiêu chuẩn hóa hệ thống MRV, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tham gia các cơ chế carbon toàn cầu, và tăng cường tính minh bạch và chống lại hiện tượng tẩy xanh.

Về phát huy lợi ích từ rừng ngập mặn để góp phần phát triển thị trường carbon, TS. Tiến nhấn mạnh Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng trong nỗ lực bảo tồn và quản lý bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, rút ​​ra những bài học quý giá từ các chính sách thành công được thực hiện ở các quốc gia như Indonesia, Mexico và Australia.

Thứ nhất, quản lý dựa vào cộng đồng nổi lên như một nền tảng của các chiến lược bảo tồn rừng ngập mặn thành công.

Thứ hai, tăng cường bảo vệ pháp lý là cần thiết.

Thứ ba, đầu tư vào nghiên cứu khoa học và giám sát tạo nền tảng quan trọng cho việc ra quyết định sáng suốt và quản lý thích ứng.

Thứ tư, thúc đẩy các cơ chế tài chính bền vững là mấu chốt để đảm bảo nguồn tài trợ và hỗ trợ dài hạn cho việc bảo tồn rừng ngập mặn.

Thứ năm, việc tích hợp các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu vào các kế hoạch bảo tồn rừng ngập mặn là điều bắt buộc.

Thứ sáu, nâng cao năng lực và giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc trao quyền cho cộng đồng địa phương và các bên liên quan.

Thứ bảy, hợp tác quốc tế và chia sẻ kiến ​​thức là cần thiết để tận dụng chuyên môn, nguồn lực và các biện pháp thực hành tốt nhất trong bảo tồn rừng ngập mặn.
 


VnEconomy VnEconomy

FullName Email
Address Security code LGEWIB
Content

Other News