New Nghien Cuu
 Search

“INDIA trip” - Hành trình kết nối và mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế của UEB với các đối tác Ấn Độ

Chuyến đi không chỉ để lại những trải nghiệm và ấn tượng đáng nhớ đối với mỗi giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB), mà quan trọng hơn đó là tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy các hoạt động giáo dục đem lại những cơ hội học tập, nghiên cứu, đóng góp cho sự phát triển chung của UEB và các đối tác đến từ Ấn Độ.


Nằm trong khuôn khổ chương trình India Immersion diễn ra từ 04/1-14/1/2024 do O.P Jindal Global University tổ chức, chuyến “INDIA trip” của UEB có sự tham gia của các giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh đang làm việc và theo học tại Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (KT&KDQT), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Hội thảo Kinh doanh và Thương mại quốc tế giữa Ấn Độ - Việt Nam: “Đòn bẩy” xúc tiến hợp tác giữa UEB và Trường Quản lý Apeejay, Dwarka (ASM) 
Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác UEB tại “Xứ sở sắc màu” - Ấn Độ, đó là Trường Quản lý Apeejay, Dwarka tọa lạc tại thủ đô New Delhi, nhằm phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh doanh và Thương mại quốc tế giữa Ấn Độ - Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu và các nhà xuất bản nổi tiếng ở Ấn Độ.

Trường Quản lý Apeejay, Ấn Độ nồng nhiệt đón tiếp đoàn giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tới tham dự hội thảo

Trước khi chính thức bắt đầu hội thảo, TS. Anuj Kumar và TS. Pragya Arya - Assistant Professor, ASM đã mời PGS.TS. Vũ Thanh Hương - Phó trưởng Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN – đại diện cho đoàn Việt Nam lên sân khấu cùng thực hiện nghi thức thắp đèn khai mạc hội thảo.

PGS.TS Vũ Thanh Hương – Trưởng Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, UEB và TS. Anuj Kumar, ASM cùng thực hiện nghi thức thắp đèn để bắt đầu hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS. Etinder Pal Singh - đại diện Trường Quản lý Apeejay bày tỏ lòng biết ơn tới đối tác là Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, cùng các vị khách quý, các nhà tài trợ đã đến tham dự hội thảo. Ông nhấn mạnh “Chúng tôi nỗ lực xây dựng một nền văn hóa xuất sắc và mong muốn thúc đẩy một số quan hệ đối tác quốc tế. Hội nghị chuyên đề này là minh chứng cho thấy Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ như thế nào, mở ra nhiều cánh cửa về việc làm và giáo dục”.

TS. Etinder Pal Singh – đại diện Trường Quản lý Apeejay, Ấn Độ phát biểu khai mạc
TS. Anuj Kumar – Trường Quản lý Apeejay chia sẻ về mối quan hệ hợp tác giữa ASM và UEB-FIBE, hy vọng sau hội thảo này, hai bên sẽ kết nối, tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế, mang tới những giá trị ý nghĩa, thiết thực nhất cho cả hai đơn vị.

Tại đây, PGS.TS. Vũ Thanh Hương đã giới thiệu tới ASM cùng các khách mời tham dự hội thảo chi tiết hơn về ĐHQGHN, Trường Đại học Kinh tế và Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (KT&KDQT) PGS.TS. Vũ Thanh Hương nhấn mạnh Trường Đại học Kinh tế tự hào là đơn vị đóng góp chính, chủ lực, khẳng định vị thế của ĐHQGHN vào vị trí xếp hạng top 501 - 550 lĩnh vực Kinh doanh và Khoa học Quản lý theo BXH QS Rankings và top 501-600 tại BXH THE. Trường Đại học Kinh tế cũng là đơn vị tiên phong thực hiện trao đổi sinh viên trong nước với các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam. Một trong những mũi nhọn quan trọng mà Khoa KT&KDQT và Nhà trường hướng đến chính là tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi chuyên môn với các trường đại học trong khu vực châu Á, đặc biệt là tại Ấn Độ.

PGS.TS. Vũ Thanh Hương tặng quà lưu niệm cho đối tác ASM
Đại diện ASM trao chứng nhận của hội thảo và quà lưu niệm cho đối tác UEB 

Tại hội thảo, các nghiên cứu sinh của Khoa KT&KDQT, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã đóng góp 02 bài tham luận. ThS.NCS. Trần Thị Thảo đã có bài trình bày về “Vietnam's agricultural supply chain for export and some logistics issues”. Bài trình bày đã phân tích cấu trúc và đặc điểm các thành phần tham gia chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, kết quả hoạt động xuất khẩu nông sản, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của logistics đối với hiệu quả hoạt động của chuỗi. Nghiên cứu sinh cũng đã chỉ ra những thách thức và các vấn đề về logistics cần cải thiện, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu Việt Nam như: vấn đề về vận tải, hoạt động kho bãi và cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, sự hình thành các trung tâm logistics phục vụ thu mua, xử lý, đóng gói, lưu trữ, cũng như năng lực của các công ty cung cấp dịch vụ logistics phục vụ chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu.

ThS.NCS. Trần Thị Thảo trình bày tham luận với chủ đề “Vietnam's agricultural supply chain for export and some logistics issues”

ThS.NCS. Đỗ Thị Minh Huệ đã có những trao đổi về chủ đề “Vietnamese Coffee Industry - The National Competitive Advantage and Factors Affecting Coffee Exports”. Bài tham luận tập trung vào một số nội dung chính như: giới thiệu lịch sử phát triển, những đóng góp của ngành cà phê Việt Nam vào nền kinh tế quốc gia, vị thế của cà phê Việt Nam trên bản đồ ngành cà phê thế giới, lợi thế cạnh tranh quốc gia của ngành cà phê Việt Nam, sau đó, phân tích dựa trên cơ sở Lý thuyết Cạnh tranh quốc gia - Mô hình kim cương đề xuất bởi nhà kinh tế học Michael Porter. Để tận dụng được lợi thế này và thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển, nắm bắt được các yếu tố tác động đến dòng xuất khẩu cà phê là rất quan trọng. Mô hình nghiên cứu trên cơ sở lý thuyết trọng lực trong kinh tế quốc tế được đề xuất giả định kèm theo các thảo luận xung quanh các vấn đề kinh tế lượng có thể phát sinh khi thực hiện hồi quy dữ liệu mảng.

ThS.NCS. Đỗ Thị Minh Huệ trình bày tham luận với chủ đề Vietnamese Coffee Industry - The National Competitive Advantage and Factors Affecting Coffee Exports”

Sau phần tham luận, PGS.TS. Vũ Thanh Hương và TS. Nguyễn Thị Như Ái đại diện đoàn Việt Nam tham gia phiên thảo luận bàn tròn về tình hình và triển vọng hợp tác kinh doanh và thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ.

Phiên thảo luận bàn tròn về tình hình và triển vọng hợp tác kinh doanh và thương mại giữa Việt Nam - Ấn Độ

Trong phiên thảo luận, PGS.TS. Vũ Thanh Hương đã chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế, chính sách hội nhập kinh tế, vai trò của thương mại và đầu tư đối với Việt Nam. Thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ chưa lớn, nhưng có rất nhiều tiềm năng khi hai bên đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Thương mại và Hợp tác Kinh tế. Hai nước đang là đối tác chiến lược toàn diện và là thành viên của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ. Do đó còn rất nhiều dư địa để tăng cường hợp tác đầu tư kinh tế thương mại song phương trong thời gian tới. Đặc biệt, Ấn Độ là nhà đầu tư lớn thứ 26 của Việt Nam và những ngành có tiềm năng thu hút đầu tư từ Ấn Độ là các ngành năng lượng, công nghệ số, công nghiệp phụ trợ, logistics...

PGS.TS Vũ Thanh Hương trao đổi tại Hội thảo

TS. Nguyễn Thị Như Ái cũng cho rằng hai bên có thể hợp tác để phát triển nông nghiệp và thúc đẩy thương mại, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

TS. Nguyễn Thị Như Ái chia sẻ tại Hội thảo

Các vấn đề được thảo luận trong phiên bàn tròn đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều giảng viên, sinh viên và nhận về nhiều câu hỏi giá trị từ khán giả. Từ đó, đưa ra những đóng góp, kiến nghị tích cực cho việc phát triển nền kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ trong bối cảnh hội nhập và tăng cường hợp tác như hiện nay.

Hội thảo nhận được sự quan tâm, đóng góp và chia sẻ ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên Trường Quản lý Apeejay - Ấn Độ và các khách mời tham dự

Hội thảo quốc tế này đã đặt nền móng cho mối quan hệ đối tác bền chặt và lâu dài giữa Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Quản lý Apeejay - Ấn Độ, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giá trị khác như: Trao đổi giảng viên, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh; guest speaker, các hoạt động nghiên cứu, tổ chức hội thảo… trong thời gian tới.

Hội thảo “Kinh doanh và Thương mại quốc tế giữa Ấn Độ - Việt Nam” là “đòn bẩy” xúc tiến hợp tác giữa UEB - FIBE và Trường Quản lý Apeejay, Dwarka - Ấn Độ

Trải nghiệm thú vị và ý nghĩa với chuỗi hoạt động đến từ O.P Jindal Global University (JGU) – Trường đại học tư nhân hàng đầu Ấn Độ
Tiếp nối thành công của hội thảo quốc tế, hành trình tiếp theo của đoàn UEB trong chuyến “INDIA trip” đó là O.P Jindal Global University – Ngôi trường được đánh giá là đại học tư nhân hàng đầu Ấn Độ.

Đoàn UEB được đón tiếp nồng nhiệt tại O.P Jindal Global University trong chương trình India Immersion

Trong buổi Welcome Day, TS. Rahul Bhandari - Phó hiệu trưởng O.P Jindal Global University và TS. Raj Kumar đã trực tiếp gặp mặt, đón tiếp đoàn Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Tại đây, PGS.TS. Vũ Thanh Hương đã có những lời giới thiệu về UEB và Khoa KT&KDQT, đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các lãnh đạo, giảng viên, sinh viên tình nguyện của Trường O.P. Jindal Global đã tham gia tổ chức chương trình này.

PGS.TS. Vũ Thanh Hương gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo JGU trong buổi Welcom day

Một trong những giá trị nổi bật mà India Immersion đem lại, chính là chương trình học thuật mà O.P Jindal Global University thiết kế riêng dành cho đoàn UEB. Không chỉ được tìm hiểu sâu về văn hoá, chính trị, an ninh của quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới này từ GS. Jadumani Mahanand, đoàn còn được học hỏi kỹ năng làm nghiên cứu khoa học từ GS. K K. Pandey đến từ JGU.

ThS.NCS. Vũ Thiện Bách thảo luận cùng GS. K K. Pandey (JGU) về các kỹ năng làm nghiên cứu khoa học

Bên cạnh những kiến thức lý thuyết bổ ích, đoàn còn được trải nghiệm thực tế khi gặp mặt với lãnh đạo doanh nghiệp, hiểu thêm về thực tiễn kinh doanh tại Ấn Độ, tham dự seminar về Quản trị nguồn nhân lực do Ông Rajneesh Singh - Nhà sáng lập doanh nghiệp Simple HR Solutions chia sẻ. Ngoài ra, các giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh của UEB còn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về vấn đề Quản trị chuỗi cung ứng của công ty Logistics lớn top 3 tại Ấn Độ.

Seminar về Quản trị nguồn nhân lực do Ông Rajneesh Singh - Nhà sáng lập doanh nghiệp Simple HR Solutions trực tiếp chia sẻ cho đoàn công tác của UEB

Không dừng lại ở những buổi trao đổi học thuật ý nghĩa, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy, chuyên môn nghiên cứu, điểm thú vị trong chuyến đi còn là những trải nghiệm về văn hoá Ấn Độ. Đoàn được ghé thăm Taj Mahal - 1 trong 7 kỳ quan của thế giới, cùng các điểm du lịch nổi tiếng như: India Gate, Đền Swaminarayan Akshardham, Qutub Minar - Quần thể di tích được UNESCO công nhận…

Đoàn UEB tham quan các điểm du lịch nổi tiếng tại Ấn Độ để tìm hiểu thêm về văn hóa, bản sắc và con người địa phương

Hành trình của các giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh Khoa KT&KDQT, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có những ký ức tươi đẹp và nhiều bài học giá trị cho mỗi thành viên. Thành công của chương trình chính là tiền đề cho sự mở rộng hợp tác lâu dài trong tương lai, mang tới cơ hội phát triển nghiên cứu, học thuật, trao đổi sinh viên, giảng viên,... giữa UEB với các đối tác tại Ấn Độ - quốc gia đa văn hóa và đang trở thành một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực giáo dục.

Một số hình ảnh của đoàn công tác UEB trong Hội thảo quốc tế tổ chức tại Trường Quản lý Apeejay, Ấn Độ:

Đại diện ASM giới thiệu chi tiết hơn về Nhà trường đến đoàn công tác của UEB
Hai bên cùng chụp ảnh lưu niệm sau chuyến campus tour

Ngọc Thúy - UEB Media

FullName Email
Address Security code AWVDWU
Content

Other News