New Nghien Cuu
 Search

Lần thứ 15 tổ chức thành công Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam

“Liên kết và phát triển doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tự chủ” là chủ đề của năm 2023, đã được các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, cơ quan lý luận và nghiên cứu… thảo luận tại Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 (BCTN KTVN 2023) do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh Tế - ĐHQGHN (UEB) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam đồng tổ chức sáng ngày 22/06/2023 vừa qua.


Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại diện của các cơ quan chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan lý luận và nghiên cứu trong nước - quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và viện nghiên cứu, đại diện của nhiều đại sứ quán, các tổ chức phát triển quốc tế tại Việt Nam như: bà Svenja Hahn – Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu; bà Beata Osińska – Đại diện lâm thời nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam; ông Marco Abbiati – Tham tán khoa học Đại sứ quán Italia tại Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương; bà Phạm Chi Lan – chuyên gia kinh tế cao cấp; TS Nguyễn Đình Cung – chuyên gia kinh tế cao cấp; ông Nguyễn Hải Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc tế và hội nhập – Ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD)…

Toàn cảnh tại Hội thảo BCTN KTVN 2023

Về phía ĐHQGHN, Trường Đại học Kinh tế có sự tham dự n của PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQGHN, PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng; PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR, cùng các giảng viên, nhà khoa học UEB.
Về phía Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam có sự tham dự của GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia  FNF tại Việt Nam.

BCTN KTVN 2023 nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia thuộc các Bộ, Ngành, cơ quan lý luận trong nước và quốc tế
Bà Svenja Hahn – Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu
Bà Beata Osińska – Đại diện lâm thời nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam
Ông Marco Abbiati – Tham tán khoa học Đại sứ quán Italia tại Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng ban, Ban Kinh tế Trung ương tham dự Hội thảo
PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội tham dự Hội thảo

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 – sản phẩm khoa học giá trị và thực tế
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN khẳng định: “Là một trường Đại học 3 năm liên tục ở top 500 thế giới về lĩnh vực kinh tế - kinh doanh và quản lý trên những bảng xếp hạng uy tín quốc tế như Time Higher Education và QS World University Ranking, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN mỗi năm công bố hàng trăm bài báo quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu ISI/SCOPUS, những công trình nghiên cứu, những ấn phẩm khoa học chất lượng cao được đón nhận bởi cộng đồng chuyên gia, nhà khoa học cũng như các nhà hoạch định chính sách…”

PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu tại Hội thảo

BCTN KTVN là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN (UEB), đã liên tục được xuất bản và công bố trong 15 năm qua, có thể được coi là một sản phẩm nghiên cứu tiêu biểu phản ánh chân thực về bức tranh của nền kinh tế, xã hội của đội ngũ chuyên gia UEB cũng như mạng lưới nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế của Nhà trường.

TS. Guido Hildner - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam
GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia  FNF tại Việt Nam

Theo các thành viên nhóm nghiên cứu tại hội thảo, năm 2022, đại dịch COVID vẫn chưa thực sự được kiểm soát trên thế giới, cộng hưởng với làn sóng lãi suất dâng cao và biến động chính trị khó lường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các động lực tăng trưởng của Việt Nam. Thông điệp lớn nhất của báo cáo năm nay là tính tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Khi các chỉ số đảm bảo tăng trưởng bền vững và sức cạnh tranh doanh nghiệp đều suy giảm trong điều kiện các yếu tố kinh tế quốc tế không thuận lợi, kèm theo những vấn đề nội tại kinh tế không được xử lý triệt để nên khi khó khăn xảy ra, khả năng thích ứng không cao. Do vậy, cần tăng cường tính liên kết và chú trọng giải pháp phát triển doanh nghiệp một cách thực chất và bền vững.

Sách kỷ yếu Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2022
BTC trao tặng Sách kỷ yếu cho các đại biểu, chuyên gia

Tại hội thảo, đại diện nhóm tác giả của BCTN KTVN 2023 gồm: TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR; TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; TS. Nguyễn Đình Hoan, Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); TS. Trần Thị Mai Thành, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã trình bày những kết quả của báo cáo, tập trung vào các nội dung chính như: 
(1) Toàn cảnh Kinh tế thế giới năm 2022 và gần nửa đầu năm 2023, tổng quan về một số nền kinh tế lớn và có mối quan hệ chặt chẽ với Việt Nam, triển vọng kinh tế thế giới năm 2023 và những cơ hội, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. 
(2) Tác động của lãi suất neo cao và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 và gần nửa đầu năm 2023, dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023. 
(3) Kết quả thực hiện các chính sách nhằm phục hồi nhanh và bền vững nền kinh tế hậu Covid-19…
Theo đó dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt từ 6 – 6,5% trong năm 2023.

Diễn giả TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện VEPR, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Diễn giả TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương
Diễn giả TS. Nguyễn Đình Hoan, Viện Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Diễn giả TS. Trần Thị Mai Thành, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Phiên trao đổi và thảo luận mở được điều hành bởi PGS.TS.Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và các chuyên gia phản biện: TS. Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM); TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; TS. Nguyễn Thị Xuân Thuý, Tổ chức Hợp tác Quốc tế GIZ. Nhiều ý kiến tham luận, phát biểu của các chuyên gia kinh tế, học giả trong và ngoài nước, các nhà quản lý, hoạch định chính sách đã được trao đổi, hỏi đáp tại Hội thảo.

Các ý kiến của chuyên gia phản biện sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như tất cả những người quan tâm đến các vấn đề về kinh tế vĩ mô và chính sách phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Phiên thảo luận mở nhận được những góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo

Giải pháp nào cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế tự chủ?
Hội thảo đã đưa ra một số kết luận nhằm gợi mở một số khuyến nghị chính sách quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng cường liên kết doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Trong đó, các giải pháp ngắn hạn sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp; Quan tâm giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp; Tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ giải quyết thủ tục hành chính triệt để trên môi trường mạng; Nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền…
Với các giải pháp trung và dài hạn sẽ là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dựa trên các đánh giá khoa học và dự báo được về những thay đổi của thị trường lao động việc làm trong 5-10 năm tới; Nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ; Cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính có liên quan để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ; Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa; Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

BTC trao tặng sách kỷ yếu cho nhóm tác giả trong Hội thảo lần thứ 15

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam với chặng đường dài 15 năm đã trở thành một phần trí tuệ tinh hoa từ những chuyên gia nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, góp phần khẳng định UEB là một môi trường có định hướng chiến lược gắn với quốc tế, có vị thế dẫn dắt trong các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước và khu vực.
Xem chi tiết Kỷ yếu hội thảo tại đây
Một số hình ảnh tại Hội thảo


Thu Uyên, Quang Trung - UEB Media

FullName Email
Address Security code QSDIUG
Content

Other News