New Nghien Cuu
 Search

Sinh viên UEB - FDE học tập và giao lưu cùng giảng viên Quốc tế: Rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu

Mở rộng giao lưu học thuật giữa sinh viên Việt Nam và quốc tế là một trong những cơ hội tuyệt vời để sinh viên tiếp cận với nhiều môi trường mới, khẳng định cá tính, sự tự tin cũng như nâng cao cơ hội hội nhập toàn cầu. Đây cũng là hoạt động hướng tới mục tiêu quốc tế hóa giáo dục của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói chung và khoa Kinh tế Phát triển nói riêng trong những năm qua, tạo điều kiện để sinh viên phát triển toàn diện, tự tin bứt phá trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai.


Sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển có cơ hội được tham gia lớp học cùng hai giảng viên quốc tế: TS. Nguyễn Hoàng Phương - Giảng viên Trường Kế hoạch và các vấn đề công thuộc Đại học Iowa, Hoa Kỳ và PGS. TS. Marta Wajda-Lichy đến từ Đại học Kinh tế Cracow, Ba Lan. Không chỉ được học tập kiến thức đa chiều về kinh tế, các em còn được lắng nghe những chia sẻ thực tế về chuyện nghề, về những bài học, bài toán thực tế từ doanh nghiệp từ đó thu nạp thêm tri thức mới cũng như những giải pháp thiết thực giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp. 
Lớp Kinh tế Công cộng của Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN do TS.Trương Thu Hà giảng dạy trở nên đặc biệt hơn khi có sự tham gia của TS. Nguyễn Phương Hoàng - Giảng viên Trường Kế hoạch và các vấn đề công thuộc Đại học Iowa, Hoa Kỳ. Trong buổi học này, thầy đã cùng sinh viên UEB - FDE thảo luận về thuế cũng như sự phân loại và hiệu quả kinh tế của thuế. Bên cạnh đó, thầy cũng đưa ra những ví dụ thiết thực giúp cho việc tiếp thu kiến thức được dễ dàng hơn cũng như tạo được bầu không khí gần gũi với sinh viên UEB.
“Ngoài việc cung cấp thêm kiến thức cho môn Kinh tế Công cộng mà sinh viên đang được học, TS. Nguyễn Hoàng Phương còn giúp sinh viên kết hợp cùng với kiến thức Kinh tế vi mô cũng như những hiểu biết nhất định cho việc học môn học Kinh tế lượng. Điều này sẽ hỗ trợ em rất nhiều trong học kỳ tới.”, sinh viên lớp học Kinh tế Công cộng chia sẻ. Việc lồng ghép nội dung bài học cùng kiến thức pháp luật thực tế giúp sinh viên có góc nhìn bao quát về thuế và nền kinh tế thế giới; giáo dục sinh viên nguyên tắc đạo đức trong kinh doanh.

TS. Nguyễn Hoàng Phương - Giảng viên Trường Kế hoạch và các  vấn đề công thuộc Đại học Iowa, Hoa Kỳ tham gia giảng dạy tại lớp học Kinh tế Công động của Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN 

Xuyên suốt bài giảng, TS. Nguyễn Hoàng Phương đã chỉ ra những loại thuế cơ bản cũng như sự hiệu quả của nó. Thầy cũng nhiều lần liên hệ đến Việt Nam và đã nhận được nhiều câu hỏi cùng thắc mắc thú vị của các bạn sinh viên. Trước khi tạm biệt thầy Phương, một số sinh viên níu giữ thầy lại bằng những câu trò chuyện bằng tiếng Anh trôi chảy cũng như để chụp một tấm ảnh lưu niệm về buổi học quý giá và ý nghĩa này.
"Không biết những tiết học online của các bạn thế nào chứ với mình với những sự đổi mới như này thì mình thấy môn học càng trở lên thú vị hơn. Nếu bạn chưa từng trải nghiệm những điều này thì hãy thử một lần ghé lớp học của tụi mình nhé. Các bạn sẽ phải bất ngờ trước sự hào hứng, phấn khởi, sôi nổi đến từ sinh viên cũng như tinh thần nhiệt huyết của giảng viên đấy!", sinh viên Hương Ly - Lớp trưởng KTCC 2 chia sẻ sau khi kết thúc lớp học. 

Sinh vien UEB - FDE hào hứng với nội dung bài học và không gian giao lưu trao đổi học thuật cùng TS. Nguyễn Hoàng Phương và TS. Trương Thu Hà tại lớp học

Không chỉ được trải nghiệm lớp học cùng TS. Nguyễn Hoàng Phương, sinh viên K65 Khoa Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã được chào đón một vị khách vô cùng đặc biệt - PGS. TS. Marta Wajda-Lichy đến từ Đại học Kinh tế Cracow, Ba Lan tham gia giảng dạy học phần Kinh tế vĩ mô chuyên sâu.
Buổi học đầu tiên, cô Marta đã cùng các bạn sinh viên thảo luận về vấn đề: Tại sao các nước hợp tác – từ FTA đến Liên minh Kinh tế và Tiền tệ đầy đủ: Bằng chứng thực nghiệm từ các nền kinh tế châu Âu. Trong buổi học này, sinh viên khoa Kinh tế phát triển đã có một cái nhìn rõ nét về các mức độ, các hình thức hợp tác, tác động kinh tế của hội nhập châu Âu, đồng thời hiểu rõ được các giai đoạn hội nhập kinh tế khác nhau… Bên cạnh đó, cô Marta cũng đưa ra những ví dụ thiết thực giúp cho việc tiếp thu kiến thức được dễ dàng hơn cũng như tạo được bầu không khí gần gũi với sinh viên UEB.

Bên cạnh lớp học cùng TS. Nguyễn Hoàng Phương, sinh viên UEB - FDE còn có cơ hội tham dự lớp học cùng PGS. TS. Marta Wajda-Lichy đến từ Đại học Kinh tế Cracow, Ba Lan


Trong buổi học thứ 2, sinh viên khoa Kinh tế Phát triển tiếp tục được tiếp cận đến vấn đề: Một thị trường một tiền tệ: Các nước EU có cần một đồng tiền không? - Kinh nghiệm vận hành của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Qua buổi học này, các bạn đã phần nào hiểu sâu hơn về tỷ giá hối đoái, đồng thời biết được những ưu và nhược điểm của chế độ tỷ giá hối đoái cố định so với tỷ giá hối đoái thả nổi. Ngoài ra, PGS. TS. Marta Wajda-Lichy đã đề cập đến động cơ giới thiệu đồng euro và cách tổ chức, quản trị Khu vực đồng tiền chung châu Âu thông qua ví dụ về kinh nghiệm chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Không những thế, cô còn giúp sinh viên trả lời được câu hỏi: Tại sao một số nước EU không sử dụng đồng euro – Lý do họ hoài nghi đồng euro là gì? Cuối buổi học, cô cũng đã dành thời gian ôn tập lại kiến thức và đã nhận được nhiều câu hỏi cùng thắc mắc thú vị của các bạn sinh viên. 

Không chỉ được nghiên cứu về nội dung lý thuyết học phần Kinh tế vĩ mô chuyên sâu, sinh viên UEB - FDE còn có cơ hội giao lưu, trao đổi với PGS.TS Marta Wajda-Lichy những câu chuyện, bài học về nền Kinh tế Châu Âu trong bối cảnh hậu đại dịch

Từ khi Covid-19 diễn ra, sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã làm quen và có những buổi học online cùng giảng viên quốc tế rất thú vị. Ngoài những khung hình lý thuyết “trừu tượng”, sinh viên UEB còn được chiêm nghiệm những lý thuyết ấy dưới góc nhìn thực tế và đa chiều của các giảng viên đến từ các trường đại học uy tín hàng đầu thế giới. Trong thời gian tới, Trường Đại học Kinh tế nói chung và Khoa Kinh tế Phát triển nói riêng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình lớp học hybrid linh hoạt, tạo những trải nghiệm học tập và giao lưu trao đổi thú vị giữa sinh viên UEB và sinh viên, giảng viên Quốc tế, giúp các em mở rộng cánh cửa hội nhập, tự tin tiến bước trên con đường chinh phục tri thức và trở thành những công dân toàn cầu tài năng trong tương lai. 
-----
Để được tư vấn Tuyển sinh Đại học Ngành Kinh tế Phát triển năm 2023, vui lòng đăng ký TẠI ĐÂY.


Thu Trang - UEB Media

FullName Email
Address Security code RJOXGE
Content