New Nghien Cuu
 Search

Nâng cao nền tảng số cho cho ngành dịch vụ - Khuyến nghị chính sách giá trị tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022

Đây chính là chủ đề đã được các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí… thảo luận tại Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 (BCTN KTVN 2022) do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh Tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức ngày 20/5/2022.


Hội thảo có sự hiện diện của GS.TS Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng lãnh đạo các phòng/ban chức năng của ĐHQGHN. 

Về phía Trường Đại học Kinh tế có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN  cùng các giảng viên, nhà khoa học UEB.

Về phía Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam có sự tham dự của GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia  FNF tại Việt Nam.

Hội thảo còn vinh dự tiếp đón nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan hoạch định chính sách, các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, các đại sứ quán Ba Lan, Đức và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Các vấn đề thời sự trong chuyển đổi số đã được trình bày bởi các diễn giả: TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia; ThS. Phạm Thế Thành, Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN; TS. Nguyễn Thị Vân Hà, Khoa Vận tải Kinh tế, Trường  Đại học Giao thông Vận tải.

Phiên trao đổi và thảo luận mở được điều hành bởi PGS.TS.Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và sự tham dự của các chuyên gia phản biện: TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, Cố vấn cấp cao Viện công nghệ  quốc tế TFGI; PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Trưởng bộ môn phân tích chính sách tài chính, Khoa tài chính công, Học viện Tài chính; TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí. 

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 - ấn phẩm giàu giá trị khoa học, thời sự thiết thực

Đánh giá cao vị thế của Trường Đại học Kinh tế trong nghiên cứu với các công bố quốc tế, các tư vấn chính sách và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế, quản trị kinh doanh, tài chính, GS.TS Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định Trường Đại học Kinh tế đã đóng góp một phần quan trọng vào thành tích xếp hạng 451-500 QS thế giới lĩnh vực Kinh doanh và Khoa học quản lý của ĐHQGHN. Trong đó, Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Trường Đại học Kinh tế thực hiện là một sản phẩm nổi bật đã góp phần đưa ra kết quả nghiên cứu độc lập về các vấn đề kinh tế Việt Nam trong năm và dự đoán cho năm tiếp theo, cùng với những kết quả nghiên cứu về một số vấn đề kinh tế chọn lọc trong năm.

GS.TS Lê Quân đánh giá, Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, trong số các chính sách và giải pháp, chuyển đổi số nền kinh tế nói chung và cho ngành dịch vụ, được đánh giá sẽ tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong trung và dài hạn. Mặt khác nền tảng dịch vụ số hiệu quả và sáng tạo sẽ tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực trong nền kinh tế thông qua cung cấp đầu vào chất lượng cao và đảm bảo đầu ra và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh cho các ngành công - nông nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đã ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

GS.TS Lê Quân đánh giá cao đóng góp khuyến nghị chính sách của Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN phát biểu tại hội thảo

Khẳng định hệ sinh thái nghiên cứu gắn với đào tạo, sử dụng đông đảo đội ngũ chuyên gia nước ngoài với vai trò là cố vấn, học giả của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng nhà trường nhận định: “Báo cáo thường niên kinh tế đã đi suốt chặng đường dài lịch sử gần 15 năm bởi 2 tổ chức uy tín là Trường ĐHKT và FNF. Có được những báo cáo này là một phần trí tuệ tinh hoa từ những chuyên gia nghiên cứu của Trường ĐHKT, là một môi trường có định hướng chiến lược gắn với quốc tế, có vị thế dẫn dắt trong các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước và khu vực”. 

Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, các kiến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong các ngành dịch vụ tại Việt Nam của Báo cáo năm nay cũng đã gợi mở ra những giải pháp tiềm năng hướng tới việc thực hiện đồng bộ Nghị quyết "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" vừa được Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) ban hành. Bên cạnh đó, Báo cáo kinh tế thường niên cũng sẽ tập trung phân tích đánh giá công cuộc chuyển đổi số đối với một số ngành dịch vụ, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng và logistics, 2 ngành mũi nhọn chiến lược của đất nước. Người đứng đầu Trường Đại học Kinh tế hy vọng rằng những phân tích này sẽ là những đánh giá sâu sắc, đề ra được những khuyến nghị tư vấn chính sách đến với Chính phủ và Trung ương, làm ổn định và bình thường hóa hệ thống tài chính và chuỗi cung ứng bị đứt gãy mà đất nước đã chịu đựng trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua.

GS.TS. Andreas Stoffers, Giám đốc quốc gia  FNF tại Việt Nam

Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ”bao gồm 6 chương là bức tranh tổng quan tình hình kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và nửa đầu 2022 với những phân tích về bối cảnh chuyển đổi số, nhất là ngành dịch vụ trên thế giới và Việt Nam trong điều kiện Covid-19, nền tảng chuyển đổi số nói chung và ngành dịch vụ nói riêng của Việt Nam. Báo cáo đi vào phân tích chuyên sâu năng lực chuyển đổi số của 2 ngành dịch vụ mũi nhọn là Tài chính - Ngân hàng và Logistic. Nội dung được đặc biệt quan tâm là những đánh giá, nhận định của các nhà khoa học, các chuyên gia về triển vọng kinh tế Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao nền tảng số cho cho ngành dịch vụ.

TS. Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, Cố vấn cấp cao Viện công nghệ quốc tế TFGI đánh giá cao những giá trị to lớn mà Báo cáo đã mang lại giữa tình hình nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều thách thức trong việc phục hồi và phát triển. 

Theo TS. Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, Báo cáo thường niên KTVN 2022 do VEPR thực hiện đã thể hiện rất nhiều phân tích sâu và bao quát ở các lĩnh vực kinh tế trong hoạt động chuyển đổi số để chung sống an toàn, hiệu quả với COVID-19. Đây là dữ liệu khoa học uy tín, hữu ích cho các doanh nghiệp, địa phương và các cơ quan hoạch định chính sách.

Phiên trao đổi và thảo luận mở đón nhận nhiều ý kiến phản biện giá trị của các chuyên gia, nhà khoa học uy tín

Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu với các doanh nghiệp dịch vụ toàn cầu để sống chung an toàn, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với COVID-19.

Năm 2021 đã nổi lên những xu hướng chuyển đổi số như làm việc từ xa (Work from Home); Mạng 5G; Trí tuệ nhân tạo AI, Blockchain, Internet of Things (IoT), Nền tảng dữ liệu khách hàng (Customer Data Platforms - CDP); …. Các nền kinh tế phát triển đã đi vào chiều sâu và đang ở giai đoạn hướng vào xử lý những vấn đề “lõi” của kinh tế số thì khu vực Đông Nam Á (trừ Singapore) mới đang ở bước khởi động chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực và vẫn đang đi sau khá xa so với các nước phát triển. 

Quá trình chuyển đổi số trong các ngành dịch vụ đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và có sự khác biệt theo ngành. Chuyển đổi số trong dịch vụ Logistics đang tăng mạnh dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Trong dịch vụ tài chính, quá trình chuyển đổi số diễn ra theo nhiều cấp độ khác nhau tuỳ theo công nghệ, khả năng tài chính của mỗi tổ chức thực hiện. 

Theo kết quả báo cáo của các chuyên gia tại Hội thảo, Việt Nam hiện đang đứng vị trí 70/141 quốc gia trong xếp hạng mức độ sẵn sàng chuyển đổi số. Năm 2021, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong chuyển đổi số ứng phó với đại dịch Covid-19 với 50% doanh nghiệp đầu tư triển khai công nghệ cho vận hành nội bộ; 36.76% doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo nhân sự từ xa; 8 triệu người dùng mới trên các nền tảng kỹ thuật số. Hơn 60% doanh nghiệp Việt Nam có ý định tiếp tục kết hợp làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng, hơn 77% doanh nghiệp lựa chọn triển khai mô hình kết hợp giữa kinh doanh online và tại chỗ sau dịch. Chuyển đổi số được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội (Y tế, giáo dục, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng, Logistics,... Mặc dù đã có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực từ các con số và dự báo của Tổng cục thống kê trong gần nửa đầu năm 2022, quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam phần nào chậm nhịp so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Các chính sách hỗ trợ và giải pháp phục hồi quyết liệt cũng đã được Đảng và Chính phủ ban hành và đòi hỏi các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phát huy mọi động lực để duy trì nhịp tăng trưởng về mức trước đại dịch. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và nâng cao nền tảng kinh tế số. 

Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng năm 2022

Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022, VEPR đánh giá, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại.

Đó là những rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu. Trở ngại còn đến từ áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh, rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù các tác động trực tiếp không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với Việt Nam khá nhỏ, nhưng các tác động gián tiếp là rất lớn. Tiếp đến là sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách “zero Covid” với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng.

Từ việc phân tích và đưa ra những khuyến nghị chính sách chung, Báo cáo nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện mục tiêu vừa khôi phục kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh; minh bạch hoá thị trường tài chính trên quan điểm sống chung với Covid-19; thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ tập trung nhiều vào việc thúc đẩy cầu và ưu tiên nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Báo cáo đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, với kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt 5,7%, kịch bản bích cực là 6,2%. Tuy nhiên, nếu bối cảnh tiêu cực, mức tăng trưởng GDP mà VEPR dự báo sẽ giảm còn 5,2%.

Các nhà khoa học khuyến nghị, trong bối cảnh đại dịch còn có thể diễn biến phức tạp, việc chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tác động tiêu cực, bảo vệ và hỗ trợ phục hồi kinh tế cần phải được ưu tiên.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, có đánh giá đầy đủ và có các biện pháp ứng phó kịp thời với vấn đề nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với chính sách “zero Covid”, xung đột Nga - Ukraine leo thang và các rủi ro khác có thể xảy ra.

Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ thực thi các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp an sinh xã hội, các chính sách miễn, giảm thuế, phí,...đã đề xuất tại Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022- 2023. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện điều hòa hiệu quả nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và nguồn vốn từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các biện pháp giảm lãi suất và hỗ trợ lãi suất song cần gắn chặt với việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình nợ xấu...

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm trọng điểm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Trải qua 14 năm, 14 kỳ báo cáo, Viện đã tập trung nghiên cứu, phân tích một cách độc lập, dựa trên bằng chứng từ thực tế các vấn đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm nghiên cứu và dự báo cho năm tiếp theo. Ngoài ra, các báo cáo cũng nêu bật được thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế nổi bật và chuyên sâu của Việt Nam.

Một số hình ảnh nổi bật tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2022:

Báo chí đưa tin về Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2022:

  1. Bản tin Tài chính KD 12h - VTV1 
  2. Truyền hình Nhân dân
  3. Báo điện tử Chính phủ: Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022
  4. Báo Dân trí: Trường ĐH Kinh tế công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022
  5. Cổng Thông tin đối ngoại: Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022
  6. Đài tiếng nói Việt Nam: Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 (VEPR), khuyến nghị “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ" - Động lực trực tiếp cho tăng trưởng và phát triển bền vững!
  7. Đại học Quốc gia Hà Nội: Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022: Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ
  8. Trường Đại học Kinh tế: Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với đề xuất chính sách phục hồi tăng trưởng, nâng cao nền tảng số ngành dịch vụ
  9. Báo Tuổi trẻ: VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 5,2 - 6,2%, lạm phát là nỗi lo lớn nhất
  10. Báo Đầu tư: VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022
  11. VTC news: Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022, từ 5,2 - 6,2%
  12. Sài Gòn giải phóng: Tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 5,2 - 6,2%
  13. Thương hiệu và công luận: VEPR đưa ra 03 kịch bản tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 2022

Thùy Dzung, Quang Trung – UEB Media

FullName Email
Address Security code CBIEUV
Content