New Nghien Cuu
 Search

Đem “hơi thở cuộc sống" vào trong từng môn học tại Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

Không có những slide dày đặc chữ,

Sinh viên không chỉ ghi chép bài giảng mà còn hóa thân vào những tình huống giả định,

Những người hướng dẫn không chỉ có thầy cô mà còn có cả những CEO tại các doanh nghiệp,

Bài học rút ra không chỉ từ những vấn đề lý thuyết được cập nhật mà còn từ những kinh nghiệm thực tế của các giảng viên, chuyên gia …


Đó là những gì sinh viên của Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội được trải nghiệm trong các học phần mang tính ứng dụng cao, thức thời với nền kinh tế số 4.0 như Thương mại điện tử, Giao dịch thương mại quốc tế, Logistics …Vậy sinh viên UEB đã được trải nghiệm những gì từ các học phần này?

Sinh viên UEB thích nghi nhanh với tốc độ phát triển của Thương mại điện tử…

Ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức phát triển nhờ vào khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng. Kênh phân phối hàng hoá, dịch vụ qua internet và các phương tiện công nghệ thông tin đang tạo ra một ngành công nghiệp hoàn toàn mới cũng như tái cấu trúc những ngành đang tồn tại. Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang chiếm lĩnh được trái tim của người tiêu dùng cũng như là sức sống của các doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Thương mại điện tử là lĩnh vực có sự thay đổi rất nhanh chóng. Vậy sinh viên UEB được trang bị kỹ năng như thế nào để thích ứng nhanh với sự vận động, thay đổi rất nhanh đó? Theo TS. Nguyễn Tiến Minh - Phó Trưởng Khoa Kinh tế & Kinh doanh quốc tế, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy về Thương mại điện tử, đây là một môn học có tính ứng dụng cao, đang phát triển nhanh với nhiều mô hình kinh doanh mới, vì vậy ngoài nền tảng kiến thức vững chắc, trong quá trình học sinh viên UEB sẽ được trang bị các kỹ năng bổ trợ giúp nâng cao khả năng thích nghi với môi trường đang liên tục thay đổi, như sử dụng tiếng Anh chuyên ngành, tư duy đổi mới sáng tạo, giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, giải quyết xung đột…

Học phần Thương mại điện tử trang bị những kiến thức cơ bản cho sinh viên UEB về lĩnh vực này, giúp các em hiểu được bản chất sự phát triển của TMĐT, các mô hình B2B và B2C, E-Marketing và thanh toán điện tử E-payment. Các lý thuyết mới, hiện đại được giảng viên cập nhật thường xuyên, cung cấp kịp thời cho người học những cơ sở lý luận và thực tiễn mới nhất, đảm bảo tính thời sự và phù hợp với xu hướng của thị trường TMĐT. Điều này không chỉ giúp sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu mới, các dự án trong chương trình học mà còn tự tin ứng dụng trong quá trình làm việc sau khi ra trường. 

Một buổi trao đổi thực tế của sinh viên UEB với doanh nghiệp trong học phần Thương mại điện tử

Thực hành, ứng dụng thực tế là một phần không thể thiếu, chiếm trên 30% thời lượng của thời lượng học phần này. Người học sẽ được hướng dẫn thực hành xây dựng kế hoạch Media, viết bài chuẩn SEO, ứng dụng các công cụ TMĐT phổ biến và hữu dụng như Google Analytics, Google Ads, Facebook Ads, Sapo Omnichannel… Hơn thế, trong quá trình học tập, sinh viên sẽ có những buổi học có sự đồng hành của các chuyên gia đến từ doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực TMĐT như CốcCốc, SAPO, MoMo, Gapit... và trải hiệm thực tế các giải pháp TMĐT của các doanh nghiệp này.

Clip: Sinh viên UEB thực hành tại Sapo trong học phần Thương mại điện tử 

Lê Minh Thảo, sinh viên năm 4 lớp Chất lượng cao QH-2018-E KTQT CLC4 chia sẻ: “Học phần Thương mại điện tử giúp em hiểu các doanh nghiệp lớn hay các agency nhỏ khai thác các kênh online và social media như thế nào. Đặc biệt qua môn học này, em đã được rèn luyện kỹ năng viết SEO chuẩn, đây là kỹ năng vô cùng quan trọng, đặc biệt với các bạn theo ngành content marketing. Em cùng một số bạn đã phát triển website riêng, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giúp sinh viên tìm được công việc yêu thích của mình. Sau khi va vấp trong thực tế làm việc và phát triển dự án riêng, em nhận ra những kiến thức và bí kíp thầy cô chia sẻ trong học phần TMĐT quan trọng như thế nào!”

 Xử lý thành thạo các tình huống trong giao dịch thương mại quốc tế

Học phần Giao dịch thương mại quốc tế là một học phần mang tính nghiệp vụ thực hành giới thiệu các chủ thể và cơ sở pháp lý của giao dịch thương mại quốc tế, các điều kiện giao dịch thương mại quốc tế đó là Incoterms 2020, cũng như các phương thức giao dịch trên thị trường thế giới hiện nay. Bên cạnh đó, nội dung đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế cũng được giới thiệu, nhấn mạnh cách thức soạn thảo hợp đồng một cách chặt chẽ, phù hợp với quy định của pháp luật. Học phần này cũng giới thiệu quy trình thủ tục hải quan cũng như cách thức giải quyết tranh chấp khi thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa. 

Sinh viên UEB sau khi hoàn thành học phần đã rất tự tin và thành thạo khi soạn thảo được các bản hợp đồng xuất nhập khẩu (XNK) một cách chặt chẽ, hiểu bản chất từng điều kiện của Incoterms để vận dụng vào đàm phán ký kết hợp đồng XNK. Ngay sau khi tốt nghiệp, các em sinh viên có thể tổ chức thực hiện có hiệu quả các hợp đồng kinh doanh XNK của doanh nghiệp.

Bên cạnh các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp trong môi trường đa văn hóa, sinh viên, học viên tham gia học phần Giao dịch thương mại quốc tế còn được làm quen, trau dồi và hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn quan trọng như: đàm phán và soạn thảo hợp đồng thương mại quốc tế, sử dụng thành thạo các điều kiện thương mại quốc tế (Incoterms) trong giao dịch thương mại quốc tế và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại quốc tế. Đây là học phần duy nhất tại trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN mang đến cho sinh viên cơ hội tìm hiểu sâu sắc về các vấn đề chuyên môn này.

Với định hướng về tính ứng dụng kỹ năng nghề nghiệp, tại mỗi chương của học phần Giao dịch thương mại quốc tế, giảng viên không chỉ dừng lại ở việc truyền tải các nội dung lý thuyết mà còn đưa ra nhiều tình huống giả định để sinh viên thảo luận, vận dụng các kiến thức đã học kèm theo suy luận của bản thân để đưa ra giải pháp nhằm giải quyết các tình huống một cách hợp lý nhất. 

Sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế sau khi tốt nghiệp đã nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế ngoại thương như doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp logistics...

Với Hoàng Thạch Thảo - cựu sinh viên QH2017 E KTQT, việc tìm kiếm công việc phù hợp và thu nhập tốt không quá khó khăn, khi Thảo được doanh nghiệp tuyển dụng đi làm ngay sau kỳ thực tập. Hiện nay Thạch Thảo đang là nhân viên kinh doanh Logistics tại một trong những công ty hàng đầu trong ngành giao nhận vận tải quốc tế, giao nhận hàng hóa XNK và dịch vụ Kho đa chức năng tại Việt Nam. Cô cựu sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế cho biết, các kiến thức được tích lũy từ học phần Giao dịch thương mại quốc tế đã làm nên nền tảng vững chắc cho Thảo trong quá trình làm việc hiện nay. Sinh viên UEB sau khi tốt nghiệp đã xử lý khá thành thạo các vấn đề về thanh toán quốc tế, Incoterms, bảo hiểm hàng hoá… tại doanh nghiệp. Thảo cũng chia sẻ: “Học phần Giao dịch thương mại quốc tế là một môn học thực tế nên vào các giờ thực hành sinh viên được tiếp cận với những case study để hiểu rõ vấn đề hơn. Đây cũng là thời gian rèn luyện kiến thức một cách tổng hợp, tiết kiệm thời gian học tập cho sinh viên”.

Và lọt “mắt xanh” nhà tuyển dụng ngay sau các cuộc thi trong lĩnh vực Logistics

Học phần Logistics được thiết kế giảng dạy cho chuyên ngành kinh tế quốc tế, nghiên cứu các hoạt động quản trị và nghiệp vụ logistics trong hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh quốc tế nói riêng. Ngoài việc cung cấp các kiến thức tổng quan về Logistics, học phần trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về quản trị và nghiệp vụ của từng hoạt động Logistics như quản trị dự dữ và kho bãi, hoạt động vận tải, giao nhận hàng hoá và các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng khác. TS. Nguyễn Tiến Minh, giảng viên của học phần Logistics cho biết, mục tiêu của học phần là mang lại cho sinh viên những hiểu biết về các khái niệm, mô hình và công cụ, các xu hướng mới được sử dụng trong quản trị logistics tích hợp. Trong quá trình học, các em sinh viên sẽ có những buổi giảng dạy với sự đồng hành của các chuyên gia đến từ hiệp hội nghề, các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Logistics như Valoma, Viettel Post, Drago Logistics... Sinh viên UEB đã được tham gia các hoạt động thực tế cùng thành viên CLB Logistics của Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, tham gia Virtual Factory tour của Yakult Việt Nam, giúp sinh viên có được cái nhìn thực tế về hoạt động Logistics trong sản xuất. 

Sinh viên UEB đã thực hiện nhiều đề tài NCKH sinh viên trong lĩnh vực Logistics và đạt được các giải thưởng cao ở cấp trường và cấp Đại học quốc gia Hà Nội. Hàng năm các nhóm sinh viên UEB tham gia cuộc thi toàn quốc trong lĩnh vực Logistics với mentors là các giảng viên và chuyên gia đến từ các doanh nghiệp. Trong khuôn khổ các cuộc thi, các n hóm sinh viên đã triển khai các đề tài mang tính ứng dụng cao để giải quyết các vấn đề tồn tại trên thực tế, đưa ra các giải pháp tối ưu hoá các hoạt động logistics ở các doanh nghiệp. Các dự án, đề tài được thẩm định bởi các giám khảo là những lãnh đạo quản lý nhà nước và chủ các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường Logistics Việt Nam.  

Sinh viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế đi thực tế tại Lazada Express

Theo kết quả khảo sát và phỏng vấn các nhà tuyển dụng, sinh viên UEB được đánh giá cao về nền tảng kiến thức và phần lớn có tính chủ động trong việc tiếp cận những kiến thức mới trong quá trình công tác. Một số thành viên trong các nhóm sinh viên tham gia các cuộc thi Logistics đã được mời tuyển dụng ngay sau các phần thi của mình, khi các bạn đã thể hiện được kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực này và lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng. 

Nhịp đập sôi động của thị trường trong nước và quốc tế, những kinh nghiệm quý báu được trao truyền bằng tâm huyết của các chuyên gia, giảng viên,… đã đem đến cho sinh viên UEB tâm thế tự tin, sẵn sàng chinh phục những nhà tuyển dụng khó tính nhất, những vị trí công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng thực tế. “Đem hơi thở cuộc sống vào từng môn học” đã trở thành kim chỉ nam của mỗi giảng viên, khẳng định định hướng nghiên cứu ứng dụng mà Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN luôn theo đuổi và đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm qua.


Thùy Dung - UEB Media

FullName Email
Address Security code BMPIGG
Content