New Nghien Cuu
 Search

Cựu sinh viên – Giảng viên UEB: Những người cần mẫn ươm cho đời “trái ngọt hoa thơm”

Nhà giáo dục Tiệp Khắc vĩ đại J. A. Comenski từng viết: “Dưới ánh sáng mặt trời này không có nghề nào vinh quang hơn nghề dạy học”… đó là những lời ngợi ca và tri ân sâu sắc gửi đến các thầy cô - những người đã dành cả cuộc đời để gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Và càng xúc động hơn khi có những thầy cô quay trở về chính nơi đã đào tạo mình để giảng dạy, cống hiến, dành tâm huyết một đời chèo lái con thuyền tri thức, xây dựng và kết nối các thế hệ để phát triển mái trường thân yêu…

Khoa Kinh tế chính trị - Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là nơi đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho bao thế hệ sinh viên, trở thành hiền tài đóng góp công sức trong việc xây dựng và phát triển đất nước trên nhiều lĩnh vực, trong số đó, có cả những sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở về trường làm giảng viên, tiếp tục với sự nghiệp “trồng người”, cần mẫn ươm cho đời những “trái ngọt hoa thơm”.Và chúng tôi đã được gặp gỡ những người thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề như thế…

Kỷ niệm ùa về qua từng miền ký ức…

Cô Vũ Thị Dậu mặc dù đã về hưu nhưng mỗi lần lật giở từng bức ảnh trên cuốn album đã nhuộm màu thời gian, lại khiến cô không khỏi xúc động, bồi hồi vì những ngày tháng là Sinh viên Khóa 2 (1975-1980) Khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.Đầu những năm 1970, cuộc sống và điều kiện còn khó khăn về mọi mặt, nhưng tinh thần của thế hệ sinh viên lúc ấy vô cùng giàu nhiệt huyết, ý chí và quyết tâm trong học tập. Cô Dậu kể: “Khóa học chúng tôi là một tập thể đoàn kết, giàu nhiệt huyết, yêu thương và luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập và trong cuộc sống” …

 Sinh viên Khoa Kinh tế Chính trị Khóa 2 (Cô Vũ Thị Dậu hàng trên cùng, thứ 3 từ trái sang) - Ảnh NVCC

Kỷ niệm như ùa về mỗi lần cô Dậu nhớ lại những ký ức thời sinh viên: nhớ những buổi tối miệt mài đèn sách trên khu giảng đường, nhớ những chuyến đi thực tập nghiên cứu hoạt động kinh tế tại nhiều địa phương, nhớ cả những bữa ăn sinh viên thời gian khó của đất nước…Đặc biệt, kỷ niệm về những lần tham gia các phong trào thanh niên sinh viên xây dựng Thủ đô và bảo vệ miền biên giới không thể nào quên. (Tháng 12 năm 1978, sinh viên Khóa 2 Khoa Kinh tế chính trị, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có mặt trên trận tuyến biên giới Trùng Khánh, Cao Bằng). Ánh mắt cô hiện lên những niềm tự hào và hãnh diện khi là một trong những thế hệ sinh viên đầu tiên của nhà trường.Sau khi tốt nghiệp đại học, mối duyên với mái trường vẫn còn đó, cô Vũ Thị Dậu là một trong những sinh viên Khóa 2 được nhà trường tuyển chọn làm giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị - Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Như một nhân chứng lịch sử trong sự phát triển của Trường Đại học Kinh tế - từ những khóa đầu tiên khi là một khoa trực thuộc, cho đến mái trường của ngày hôm nay - trở thành một trong những ngôi trường hàng đầu Việt Nam với sự hiện đại, khang trang, rạng rỡ - cô Dậu vui mừng bày tỏ: “Mặc dù đã về hưu nhiều năm nhưng mỗi khi đến Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 tôi lại trở về trường, tôi rất vui vì sự lớn mạnh của nhà trường: trường lớp khang trang, hiện đại hơn, đội ngũ cán bộ, giảng viên đông hơn và chuyên nghiệp. Và điều tuyệt vời nhất mà tôi cảm nhận được đó là sâu thẳm trong môi trường mới này vẫn là những tấm lòng, tình cảm của các giảng viên, sinh viên trong nhà trường vô cùng chân thành, ấm áp...

”Niềm hạnh phúc của “những người chèo đò trên bến sông đời”...

Hơn 30 năm cần mẫn trở những chuyến đò cập bến bờ tri thức, cống hiến hết mình với sự nghiệp giáo dục, cô Vũ Thị Dậu không giấu được niềm xúc động, hạnh phúc và tự hào trong khi nhớ về những kỷ niệm mà cô đã có trong suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, gắn bó với mái trường.Từng bức ảnh, từng trang nhật ký, từng phong thư và từng tấm thiệp,… mọi thứ đã ngả màu theo thời gian nhưng vẫn được cô giữ gìn cẩn thận, bởi với cô đó là “những thứ quý giá mà tiền bạc nào cũng chẳng thể mua được”…, là minh chứng chân thực nhất cho những ngày tháng cô được sống trọn vẹn trong niềm vui mỗi ngày tới trường.

Cô Dậu kể lại những kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp trồng người của mình. Là cô giáo nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm lớp, khi được BCN Khoa giao nhiệm vụ đảm nhiệm công tác sinh viên, cô luôn thấu hiểu và chia sẻ với sinh viên. Cô cùng với các thầy cô Khoa Kinh tế chính trị đã có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và trong hoc tập như: đóng góp và kêu gọi những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài trường giúp đỡ các em về tiền bạc, nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại, suất học ngoại ngữ miến phí, việc làm bán thời gian… Đặc biệt, cô Dậu và các thầy cô trong Khoa đã xây dựng được Quỹ học bổng, với sự đóng góp của cán bộ giảng viên trong Khoa, trong Trường, những nhà hảo tâm là cựu sinh viên và một số doanh nghiệp để giúp đỡ những sinh viên mồ côi cả cha, lẫn mẹ và những sinh viên không có điều kiện tiếp tục đi học. Đến nay, nhiều sinh viên trong số đó đã trở thành những nhà giáo, những nhà quản lý tốt, nhiều em đã có học vị thạc sỹ, tiến sỹ... 

Hiện tại các em đều có một cuộc sống và công việc tốt.Là người tiếp nối ngọn lửa nhiệt huyết của thế hệ trước, TS.Nguyễn Thùy Anh – một trong những học trò xuất sắc của cô giáo Vũ Thị Dậu, ngay khi tốt nghiệp ngành Kinh tế Chính trị khóa K44 (1999-2003) cũng đã lựa chọn quay trở lại ngôi trường - nơi đã đào tạo mình để giảng dạy và nghiên cứu. Hiện nay, cô là chủ nhiệm bộ môn Kinh tế Chính trị, Khoa Kinh tế Chính trị Trường ĐHKT – ĐHQGHN.

Là một cựu sinh viên, đồng thời cũng là một giảng viên của nhà trường, cô Thùy Anh không chỉ có những kỷ niệm đẹp gắn với thời sinh viên mà còn có những niềm vui và hạnh phúc mỗi ngày tới trường được truyền tải những kiến thức, chia sẻ và giúp đỡ các em sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện. Cô Thùy Anh tâm sự: “Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là một môi trường mang tính quốc tế hóa, giảng viên có nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài, cơ sở vật chất hiện đại,… giúp cho các em sinh viên có nhiều cơ hội để học tập, trao đổi và tham gia các chương trình trao đổi sịnh viên trong nước và quốc tế, từ đó tích lũy được kiến thức, kỹ năng và có những trải nghiệm tuyệt vời, để khi ra trường các em không chỉ cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, mà trong hành trang của mình sẽ có thêm nhiều điểm cộng để vững tin tỏa sáng và thành công trong tương lai.

”Niềm tự hào và hy vọng về những thế hệ sinh viên UEB...

Mái trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN là nơi đã chắp cánh ước mơ cho rất nhiều thế hệ. Thật hãnh diện và tự hào khi những sinh viên thành đạt đã góp phần mang thương hiệu UEB vươn xa. Có những người giờ đây đã trở thành những cán bộ nòng cốt của nhà nước, lãnh đạo các công ty, tập đoàn lớn, hay nhà nghiên cứu có đóng góp nổi bật ở trong và ngoài nước,…Bên cạnh niềm tự hào về các thế hệ sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Cô Vũ Thị Dậu cũng không quên dành những lời gửi gắm tới các thế hệ cựu sinh viên: “Trong quá trình phát triển của nhà trường, có rất nhiều cựu sinh viên đã có những đóng góp quý giá trên nhiều phương diện, không chỉ là đóng góp về tài chính, công việc bán thời gian, mà còn giúp đỡ sinh viên về cơ hội việc làm sau khi ra trường, kết nối sinh viên với nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội,…Hy vọng rằng các thế hệ cựu sinh viên bằng những điều kiện của mình sẽ đóng góp nhiều hơn nữa để cùng xây dựng và phát triển nhà trường lớn mạnh hơn trong giai đoạn mới với sự hội nhập quốc tế sâu rộng…”

TS. Nguyễn Thùy Anh cũng gửi đến các thế hệ sinh viên đang và sẽ học tập tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN những lời nhắn nhủ: “4 năm đại học sẽ trôi qua rất nhanh, các bạn hãy luôn cố gắng và nỗ lực để trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng trong học tập và hoạt động ngoại khóa,…hãy học hết mình, chơi hết mình, sống hết mình – một tương lai tươi sáng đang chờ đón các bạn!”

Qua bao thế hệ sinh viên của UEB, có thể cảm nhận sâu sắc một điều rằng: Sự đóng góp và cống hiến của những thế hệ trước là nguồn cảm hứng bất tận cho những thế hệ sau, dù đó là những đóng góp về vật chất, trí tuệ hay tinh thần,… đều là những đóng góp vô cùng ý nghĩa, bày tỏ tình yêu, sự tri ân với mái trường nơi đã kiến tạo cho mỗi người hành trang vững chắc, đồng thời cũng góp phần giúp đỡ cho các em sinh viên thế hệ sau, đồng hành cùng nhà trường phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

>>> Những bài viết trong Chuỗi Series " 1 ngày là UEBer - Cả đời là UEBer" 

Cựu Sinh viên Lê Tự Minh – Một doanh nhân thành đạt, một nghệ sĩ tài hoa, một trong những người “truyền cảm hứng” cho các thế hệ sinh viên UEB

20 năm một tình yêu mãnh liệt: Một ngày là UEBer, mãi mãi là UEBer! 


Ngọc Thúy - UEB Media

FullName Email
Address Security code OEKJAL
Content