New Nghien Cuu
 Search

Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN(cập nhật nửa sau tháng 04/2023)

Trong nửa sau tháng 04 năm 2023, một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo đại học. Nội dung tóm tắt các văn bản như sau:


1. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về việc Bảo vệ dữ liệu cá nhân

a) Hiệu lực thi hành: 

Nghị định số 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2023.

b) Nội dung cơ bản:

Theo đó, quyền của chủ thể dữ liệu trong hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm:

- Thứ nhất, quyền được biết:

Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ hai, quyền đồng ý:

Chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định 13/2023/NĐ-CP .

- Thứ ba, quyền truy cập:

Chủ thể dữ liệu được truy cập để xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ tư, quyền rút lại sự đồng ý:

Chủ thể dữ liệu được quyền rút lại sự đồng ý của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Thứ năm, quyền xóa dữ liệu:

Chủ thể dữ liệu được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ sáu, quyền hạn chế xử lý dữ liệu:

+ Chủ thể dữ liệu được yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

+ Việc hạn chế xử lý dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà chủ thể dữ liệu yêu cầu hạn chế, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ bảy, quyền cung cấp dữ liệu:

Chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân cung cấp cho bản thân dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ tám, quyền phản đối xử lý dữ liệu:

+ Chủ thể dữ liệu được phản đối Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân xử lý dữ liệu cá nhân của mình nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tiết lộ dữ liệu cá nhân hoặc sử dụng cho mục đích quảng cáo, tiếp thị, trừ trường hợp luật có quy định khác.

+ Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện yêu cầu của chủ thể dữ liệu trong 72 giờ sau khi nhận được yêu cầu, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Thứ chín, quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện:

Chủ thể dữ liệu có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

- Tiếp theo, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại:

Chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi xảy ra vi phạm quy định về bảo dữ liệu cá nhân của mình, trừ  trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

- Cuối cùng, quyền tự bảo vệ:

Chủ thể dữ liệu có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan và Nghị định 13/2023/NĐ-CP , hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015.

>>> Xem toàn văn: Nghị định số 13/2023/NĐ-CP 

2. Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

a) Hiệu lực thi hành: 

Chỉ thị số 10/CT-TTg có hiệu lực từ ngày 19/04/2023.

b) Nội dung cơ bản:

Tại Chỉ thị 10/CT-TTg nêu rõ yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên:

- Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trọng xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

- Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt nhấn mạnh cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông và huấn luyện các kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tổ chức nhà trường, phụ huynh và học sinh ký cam kết chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; xây dựng, nhân rộng các mô hình bảo đảm TTATGT khu vực trường học. Bên cạnh đó đưa việc chấp hành pháp luật về TTATGT là một tiêu chí phân loại thi đua của nhà trường, giáo viên, đánh giá đạo đức học sinh, sinh viên.

>>> Xem toàn văn: Chỉ thị số 10/CT-TTg

3. Công văn số 1515/BGDĐT-QLCL của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc Hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

a) Hiệu lực thi hành: 

Công văn số 1515/BGDĐT-QLCL có hiệu lực từ ngày 07/04/2023.

b) Nội dung cơ bản:

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6/2023 và tổ chức thi 5 bài thi, cụ thể:

- Ngày 28/6/2023: Thi ngữ văn (buổi sáng), Toán (buổi chiều)

- Ngày 29/6/2023: Thi tổ hợp các bài thi KHTN, bài thi KHXH (buổi sáng) và ngoại ngữ (buổi chiều)

- Ngày 30/6/2023: Dự phòng.

Các mốc thời gian quan trọng trong kỳ thi THPT năm 2023

- Trước ngày 13/5: Rà soát, cập nhật thông tin của học sinh, học viên (gọi chung là học sinh) đang học lớp 12 trên cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành.

- Từ ngày 14-19/5: Rà soát, kiểm tra, chỉnh sửa thông tin của thí sinh (nếu có).

- Trước ngày 22/5: In danh sách thí sinh đăng ký theo thứ tự a,b,c... của tên thí sinh.

- Từ ngày 26-28/5: Hoàn thành chỉnh sửa thông tin của thí sinh (nếu có); bàn giao Danh sách thí sinh ĐKDT và Phiếu ĐKDT hoặc túi hồ sơ ĐKDT (đối với thí sinh tự do) cho Sở GDĐT.

- Hoàn thành chậm nhất ngày 7/6: Thông báo công khai những trường hợp thí sinh không đủ điều kiện dự thi.

- Các ngày 28,29 và 30/6: Tổ chức thi.

- Hoàn thành chậm nhất 17h ngày 15/7: Tổ chức chấm thi; Tổng kết công tác chấm thi; Gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GDĐT; Đối sánh kết quả thi.

- 8h00 ngày 18/7: Công bố kết quả thi.

- Hoàn thành chậm nhất ngày 20/7: Xét công nhận tốt nghiệp THPT.

- Hoàn thành chậm nhất ngày 22/7: Cập nhật vào Hệ thống QLT và gửi báo cáo kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GD&ĐT; công bố kết quả tốt nghiệp THPT.

- Hoàn thành chậm nhất ngày 24/7: Cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; trả học bạ và các loại Giấy chứng nhận liên quan (bản chính) cho thí sinh.

- Từ ngày 18/7 đến hết ngày 27/7: Thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo.

- Hoàn thành chậm nhất ngày 12/8: Xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

- Trước ngày 13/8/: Cập nhật vào hệ thống QLT; gửi báo cáo và dữ liệu tổng hợp kết quả tốt nghiệp THPT năm 2023.

>>> Xem toàn văn: Công văn số 1515/BGDĐT-QLCL

4. Công văn số 1687/BGDĐT-GDTC của Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc Tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.

a) Hiệu lực thi hành: 

Công văn số 1687/BGDĐT-QLCL có hiệu lực từ ngày 18/04/2023.

b) Nội dung cơ bản:

Theo đó, nhằm tiếp tục chủ động các biện pháp phòng, chống và kiểm soát tình hình dịch, không để dịch bùng phát, lây lan trong trường học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GDĐT và các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể:

- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GDĐT trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Chủ động xây dựng phương án phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó linh hoạt, hiệu quả đối với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.

- Tăng cường truyền thông phòng ngừa dịch bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của trẻ em, học sinh, sinh viên, cán bộ, nhà giáo trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo các thành viên trong nhà trường thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch như vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường lớp học, đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ sắp tới.

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động, rà soát, lập danh sách và phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương để thực hiện việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh, sinh viên nhằm đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ, Thủ tướng.

- Chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID- 19, cơ quan y tế tại địa phương trong công tác phòng chống dịch;

Phối hợp theo dõi và quản lý sức khỏe của các thành viên trong nhà trường để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, kịp thời ngăn chặn, không để dịch lây lan trong trường học.

>>> Xem toàn văn: Công văn số 1687/BGDĐT-QLCL

5. Quyết định số 1328/QĐ-ĐHQGHN của Đại học Quốc gia Hà Nội Ban hành Quy chế tuyển sinh đại học chính quy tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

a) Hiệu lực thi hành: 

Quyết định số 1328/QĐ-ĐHQGHN có hiệu lực từ ngày 18/04/2023

b) Nội dung cơ bản:

Theo đó, Quy chế này quy định những nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình,

quy định cụ thể về xét tuyển, quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong

công tác tuyển sinh đại học chính quy tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Có các phương thức tuyển sinh:

(i) Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dự bị đại học xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, Quy định cơ chế đặc thù trong tuyển sinh của ĐHQGHN và các quy định tại Quy chế này;

(ii) Thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh đạt ngưỡng đầu vào do ĐHQGHN quy định;\

(iii) Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực học sinh THPT do ĐHQGHN tổ chức đạt tối thiểu 80/150 điểm;

(iv) Các phương thức tuyển sinh khác:

  • Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đạt tối thiểu 750/1200 điểm;
  • Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh;
  • Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT đạt tối thiểu 1100/1600 điểm;
  • Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa ACT đạt tối thiểu 22/36 điểm;
  • Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.5 hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác và có tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 14 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm tuyển sinh.

 >>> Xem toàn văn: Quyết định số 1328/QĐ-ĐHQGHN


Phòng Thanh tra & Pháp chế

FullName Email
Address Security code CZDGIQ
Content

Other News