New Trang tin
 Search

Nhóm nghiên cứu UEB gợi mở giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu tại Việt Nam

Du lịch sinh thái đang trở thành xu hướng nổi bật toàn cầu, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo ra những giá trị kinh tế bền vững. Thạc sĩ Lê Minh Tuấn, giảng viên Khoa Kinh tế & Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) cùng các thành viên trong nhóm đã có những nghiên cứu sâu sắc về: “Chính sách phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”. Nghiên cứu đã mở ra góc nhìn mới trong việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, gắn liền với bảo tồn và phát triển bền vững tại Việt Nam.


Đề tài nghiên cứu này đã được Ths. Lê Minh Tuấn trình bày trong phần tham luận quan trọng tại Hội thảo khoa học: “Chính sách thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon và phát triển bền vững ở Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức. Đây là diễn đàn uy tín, nơi các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu thảo luận, chia sẻ những giải pháp hữu ích để thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế bền vững, trong đó có du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học – sự kiện Nhóm nghiên cứu trình bày đề tài“Chính sách phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”  

Du lịch sinh thái, với đặc điểm dựa trên sự bảo tồn thiên nhiên và văn hóa địa phương, đã nhanh chóng phát triển trên thế giới. Theo dự báo, giá trị thị trường của ngành này sẽ đạt 836,13 tỷ USD vào năm 2030. Trong xu hướng đó, sự kết hợp giữa du lịch sinh thái và các sản phẩm dược liệu nổi lên như một giải pháp phát triển bền vững. Các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan đã chứng minh rằng việc xây dựng các mô hình du lịch gắn với y học cổ truyền không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn nâng cao giá trị văn hóa và sức khỏe cộng đồng.

ThS. Lê Minh Tuấn, Giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trình bày  các nghiên cứu đề tài “Chính sách phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”

Việt Nam, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và hơn 5.100 loài cây dược liệu, trong đó 200 loài có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình này. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, việc khai thác nguồn tài nguyên này cần đi kèm với các chiến lược phù hợp nhằm tránh tình trạng phát triển tự phát, manh mún. Bài học từ các quốc gia phát triển ngành du lịch sinh thái - dược liệu là những kinh nghiệm quý báu để Việt Nam học hỏi.

Nghiên cứu đã chỉ ra, tại Trung Quốc, du lịch sinh thái kết hợp y học cổ truyền là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng nông thôn. Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các khu sinh thái y học cổ truyền tại nhiều địa phương, ví dụ như Quý Châu và Vân Nam – nơi có nguồn dược liệu phong phú và văn hóa bản địa đặc sắc. Các khu sinh thái này không chỉ là điểm tham quan mà còn là nơi để du khách trải nghiệm các liệu pháp chăm sóc sức khỏe như châm cứu, bấm huyệt, và ngâm thảo dược. Đặc biệt, Quý Châu đã tạo dựng thương hiệu du lịch gắn với hơn 700 loại thảo dược địa phương, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa.

Một trong những yếu tố then chốt trong thành công của Trung Quốc là sự kết hợp giữa nghiên cứu khoa học và chính sách hỗ trợ. Các viện nghiên cứu y học cổ truyền phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch để phát triển các sản phẩm sáng tạo, từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến các sản phẩm lưu niệm như trà thảo dược, túi thơm, và mỹ phẩm thiên nhiên. Thạc sĩ Lê Minh Tuấn nhận định rằng đây chính là điểm mà Việt Nam có thể học hỏi, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể về Du lịch sinh thái gắn với dược liệu trên thế giới

Quốc gia được coi là trung tâm du lịch y tế của châu Á – Thái Lan, cũng đã phát triển thành công các mô hình du lịch sinh thái - dược liệu. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ, Thái Lan đã triển khai các chương trình xây dựng thành phố dược liệu và phát triển hàng trăm sản phẩm từ các loại thảo mộc truyền thống. Các liệu pháp SPA kết hợp dược liệu như nghệ, gừng, sả được thiết kế thành các gói trải nghiệm du lịch cao cấp, mang lại giá trị kinh tế lớn và tạo dấu ấn thương hiệu quốc gia.

Dựa trên những nghiên cứu và thực tiễn này, Thạc sĩ Lê Minh Tuấn và các chuyên gia đề xuất rằng Việt Nam cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái - dược liệu dựa trên thế mạnh địa phương. Các địa phương như Sa Pa, Quảng Ninh, hay vùng Tây Nguyên, nơi có nguồn tài nguyên dược liệu và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, cần được ưu tiên phát triển thành các trung tâm du lịch chuyên biệt. Các sản phẩm có thể bao gồm tắm thuốc lá người Dao, khám phá các vườn dược liệu kết hợp với các liệu pháp cổ truyền, và các trải nghiệm gắn liền với văn hóa bản địa.

Ths Lê Minh Tuấn đưa ra những khuyến nghị chính sách để phát triển du lịch sinh thái gắn với dược liệu tại Việt Nam

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt là sự thiếu liên kết giữa các bên liên quan. Các doanh nghiệp du lịch, nhà nghiên cứu, và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn để tạo ra chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Đồng thời, việc xây dựng thương hiệu du lịch dược liệu cần dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế nhằm thu hút du khách nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn nhân lực. Việc đào tạo các hướng dẫn viên, kỹ thuật viên chăm sóc sức khỏe am hiểu về dược liệu và văn hóa địa phương là yếu tố quyết định đến chất lượng dịch vụ. Cần đầu tư vào các chương trình đào tạo tại các vùng trọng điểm, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành thực tế.

Nghiên cứu của giảng viên UEB không chỉ làm sáng tỏ tiềm năng và thách thức trong phát triển du lịch sinh thái - dược liệu tại Việt Nam, mà còn đưa ra những gợi ý thiết thực để ngành du lịch nước ta học hỏi kinh nghiệm quốc tế như:

  • Nghiên cứu cơ bản: Cần được chú trọng, nhằm cung cấp thông tin cần thiết cho việc xây dựng chính sách. Trong quá trình triển khai cũng cần điều tra, khảo sát thực tiễn nhằm điều chỉnh kịp thời phù hợp với nhu cầu thay đổi nhanh chóng của khách hàng.
  • Phát triển sản phẩm: Tập trung các nghiên cứu phát triển nhằm tạo ra một số “sản phẩm quốc dân” trong lĩnh vực du lịch sinh thái - chăm sóc sức khỏe từ thảo dược dựa trên bản sắc, lợi thế của Việt Nam.
  • Xây dựng mô hình du lịch sinh thái – sức khỏe – thảo dược dựa vào cộng đồng, từ đó huy động sự tham gia của cộng đồng, chia sẻ lợi ích hài hòa, nhằm thực hiện đầy đủ các yêu cầu của du lịch sinh thái.
  • Tiêu chuẩn: Theo tiêu chuẩn quốc tế.
  • Tăng cường các hoạt động tiếp thị, không những trong nước mà còn cả ở nước ngoài, thông qua hệ thống các đại sứ quán của Việt Nam ở các thị trường mục tiêu.

Với chiến lược đúng đắn, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng một ngành du lịch sinh thái đặc thù, vừa độc đáo, vừa bền vững, góp phần khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Đề tài nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo khoa học do UEB tổ chức đã mang đến những nội dung thiết thực, những chính sách, khuyến nghị giá trị để chung tay thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, là một trong những trường đại học hàng đầu tại Việt Nam với đội ngũ giảng viên là các chuyên gia và nhà khoa học giàu kinh nghiệm. Không chỉ thực hiện các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, Nhà trường còn là nơi cung cấp những tư vấn chính sách quan trọng cho chính phủ và các doanh nghiệp. Đồng thời, UEB cũng là “điểm đến” tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo quốc gia, quốc tế để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận, trao đổi, đóng góp những sáng kiến và giải pháp hữu ích cho các vấn đề xã hội. Sứ mệnh này đã và đang góp phần khẳng định vai trò tiên phong của Nhà trường trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.


Biên tập: Ngọc Thuý - UEB Media

FullName Email
Address Security code EGOSFJ
Content

Other News