New Trang tin
 Search

UEB tổ chức thành công Tọa đàm khoa học: Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong du lịch biển vùng Đông nam bộ

Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong du lịch biển vùng Đông Nam Bộ”. Đây là một sự kiện nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu trọng điểm của Nhà trường “Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn trong du lịch biển vùng Đông Nam Bộ” do PGS.TS Nguyễn Thế Kiên là chủ nhiệm. 


TẦM QUAN TRỌNG CỦA KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG DU LỊCH BIỂN

Buổi toạ đàm đã được tổ chức dưới hình thức hybird, tập trung giải quyết những thách thức và đưa ra giải pháp thực tiễn nhằm phát triển bền vững ngành du lịch biển trong khu vực. Tham dự buổi tọa đàm gồm có PGS.TS. Nguyễn Công Thành – Trưởng bộ môn Kinh tế - Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân – Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh tế tuần hoàn, TS. Nguyễn Minh Tú - Chuyên gia cấp cao – Trưởng nhóm Kinh tế tuần hoàn nông nghiệp - Viện Nghiên Cứu Phát Triển Kinh tế tuần hoàn, TS. Lại Văn Mạnh – Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược – Chính sách tài nguyên và môi trường, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trường Viện phát triển du lịch Châu Á, TS. Khúc Văn Quý - Chủ bộ môn kinh tế môi trường và phát triển bền vững - Khoa Kinh tế phát triển - UEB, TS. Lê Khánh Cường - Chủ nhiệm bộ môn Chính sách công - Khoa Kinh tế phát triển - UEB. Về phía nhóm nghiên cứu có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Thế Kiên - Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Phân tích Kinh tế - Xã hội, TS. Ma Thế Ngàn - Giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh; cùng nhiều thành viên khác.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực khai thác tài nguyên ngày càng gia tăng, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã trở thành yêu cầu cấp bách đối với ngành du lịch biển – lĩnh vực chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế khu vực Đông Nam Bộ.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Thế Kiên – Giám đốc Trung tâm Dữ liệu và Phân tích Kinh tế - Xã hội (TrườngĐH Kinh tế - ĐHQGHN) nhấn mạnh: “Kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là giải pháp để tối ưu hóa tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao giá trị kinh tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch biển, KTTH giúp chuyển đổi từ mô hình khai thác thụ động sang phát triển bền vững.”

CÁC NỘI DUNG TRỌNG TÂM TẠI TỌA ĐÀM

Tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề then chốt liên quan đến kinh tế tuần hoàn trong du lịch biển, bao gồm: Chính sách và mô hình thành công trong nước và quốc tế về phát triển KTTH trong du lịch biển do PGS. TS. Nguyễn Thế Kiên đại diện nhóm tác giả của đề tài trình bày; Thực trạng và giải pháp phát triển KTTH trong du lịch biển vùng Đông Nam Bộ do TS. Ma Thế Ngàn - Giảng viên Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trìnhbày đã phân tích chi tiết về thực trạng hiện tại và những định hướng chiến lược phù hợp với đặc thù của khu vực.

Toàn cảnh buổi Toạ đàm
Buổi toạ đàm được tổ chức dưới hình thức hybrid với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế biển

Buổi tọa đàm không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức mà còn là diễn đàn trao đổi sôi động. Các chuyên gia đầu ngành như TS. Lại Văn Mạnh (Viện Chiến lược – Chính sách Tài nguyên và Môi trường) và ông Phạm Hải Quỳnh (Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á) đã đưa ra những ý kiến đóng góp giá trị, làm rõ hơn các giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn.

Một số vấn đề nổi bật được thảo luận tại toạ đàm:

  • Cách triển khai chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch áp dụng mô hình KTTH.
  • Khai thác tiềm năng du lịch biển gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
  • Các bài học kinh nghiệm từ quốc tế, như mô hình du lịch xanh tại các quốc gia Bắc Âu.

Liên quan đến nội dung thảo luận của buổi toạ đàm, trước đó nhóm tác giả đã xin ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế biển và tài nguyên môi trường. Trong đó, theo bà Sharon Madel-Artzy là một chuyên gia quốc tế nổi bật trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Nền tảng Kinh tế tuần hoàn Circular Economy đã cho biết: “Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong du lịch biển, việc nâng cao nhận thức đóng vai trò then chốt, đặc biệt đối với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng. Điều này cần được thực hiện thông qua các nghiên cứu khoa học, bài báo và các hoạt động truyền thông nhằm chỉ ra tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh vào việc làm rõ các chi phí môi trường phát sinh từ hoạt động du lịch biển và những lợi ích thiết thực mà mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại, không chỉ cho môi trường và cảnh quan du lịch mà còn cho các nhà hàng, khách sạn và du khách. Chẳng hạn, những thay đổi nhỏ như thay thế các lọ sữa tắm nhỏ thường dùng trong khách sạn bằng chai lớn hơn, có thể tái sử dụng và bổ sung khi cần thiết, sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu rác thải nhựa và tối ưu hóa chi phí vận hành. Những giải pháp cụ thể và thực tiễn này, khi được áp dụng rộng rãi, sẽ góp phần xây dựng một hệ thống du lịch biển thân thiện với môi trường, bền vững và hiệu quả hơn.”

Bà Shanron Madel Artzy, Người sáng lập và giám đốc điều hành Nền tảng Kinh tế tuần hoàn Circular Economy IL

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TẠI TOẠ ĐÀM

Tọa đàm đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bao gồm:

  • Cung cấp góc nhìn đa chiều và toàn diện về vai trò của Kinh tế tuần hoàn trong phát triển du lịch biển.
  • Đề xuất các giải pháp thực tiễn và chính sách phù hợp nhằm phát triển bền vững khu vực Đông Nam Bộ.
  • Thúc đẩy sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong ngành.

 

 

Toạ đàm đã đưa ra được các kinh nghiệm và bài học cụ thể từ các nước trong khu vực để từ đó đưa ra được các khuyến nghị chính sách góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.

Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu của đề tài cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng, đồng hành cùng các đối tác để xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững dựa trên nền tảng kinh tế tuần hoàn.


Thanh Mai - UEB Media

FullName Email
Address Security code KAMWQK
Content