New Trang tin
 Search

[VnEconomy] Dư địa hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng rộng mở

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ bước sang một trang mới với dấu mốc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023. Cùng với những thành tựu rực rỡ về thương mại và đầu tư thời gian qua, dư địa hợp tác giữa hai nước rất lớn, song cũng đặt ra không ít thách thức cần giải quyết để bảo đảm hợp tác bền vững.


Mới đây, Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững” được Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Đại học Troy (Hoa Kỳ) tổ chức với sự bảo trợ truyền thông của Tạp chí kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times. 

Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tiếp tục trên đà phát triển tích cực, Diễn đàn là sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vừa đạt cột mốc 1 năm, cũng như nhìn lại chặng đường 30 năm, từ bình thường hóa quan hệ đến Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó nhấn mạnh sự phát triển sâu rộng và bền vững trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, đổi mới sáng tạo và giáo dục.

Dư địa phát triển mạnh mẽ

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong gần 30 năm bình thường hóa quan hệ, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều đạt được nhiều tiến bộ lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hai nước đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng như: Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) năm 2000; Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam năm 2006; Hiệp định khung Thương mại và Đầu tư (TIFA) năm 2007. Đặc biệt là trong năm 2023, mối quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu. Hiện, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng gần 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên khoảng 125 tỷ USD năm 2023. Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN, đồng thời là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của Hoa Kỳ.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 88 tỷ USD (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 77,9 tỷ USD (tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam là 9,8 tỷ USD (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý, lần đầu tiên Hoa Kỳ vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam với kim ngạch đạt 8,58 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024, chiếm tỷ trọng 21,4%.

Về đầu tư, tính đến cuối năm 2023, đầu năm 2024, Hoa Kỳ là quốc gia xếp hạng thứ 11/140 về nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với khoảng 1.150 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 10,3 tỷ USD. Theo chiều ngược lại, Việt Nam có 230 dự án đầu tư tại Hoa Kỳ với tổng vốn đăng ký gần 1,3 tỷ USD. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đầu tư sang Hoa Kỳ 18,7 triệu USD. 

Đáng chú ý, trong năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động và đầu tư tại Việt Nam như Boeing, Nike, Exxon Mobil, Amazon, Marriott, Coca Cola, Google, Facebook, Netflix… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast… cũng đang mở rộng đầu tư sang Mỹ, tạo thế lợi ích đan xen.

Với triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 có nhiều tín hiệu khả quan, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo tích cực, nền kinh tế vĩ mô và chính trị được duy trì ổn định. Cơ quan Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đánh giá các lĩnh vực quan trọng trong quá trình hợp tác song phương giữa hai quốc gia trong thời gian tới là tập trung đa dạng chuỗi cung ứng và chuyển đổi số. Ngoài ra, hai nước cũng đều hướng sự quan tâm tới việc chuyển đổi năng lượng cũng như các giải pháp năng lượng tái tạo, bền vững. Trong đó, đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường giữ vai trò then chốt.

Dù vậy, theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, trong bối cảnh hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó là việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường. Tình trạng thặng dư thương mại lớn của Việt Nam với Hoa Kỳ cũng gây ra nhiều áp lực từ các biện pháp bảo hộ và điều chỉnh chính sách thương mại của phía Hoa Kỳ, đặc biệt trong bối cảnh các nước đều gia tăng bảo vệ lợi ích quốc gia trước biến động toàn cầu.

Thách thức cần khắc phục

Theo nhận định từ nhiều nhà nghiên cứu, Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào lao động giá rẻ, trong khi năng suất lao động còn thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia. Điều này không chỉ hạn chế khả năng nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn đặt ra nguy cơ khiến Việt Nam khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, và nâng cao tay nghề lao động. Bên cạnh đó, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ, cũng là chìa khóa để giảm phụ thuộc vào lao động giá rẻ.

Ngoài ra, khu vực kinh tế nhà nước của Việt Nam, dù chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hiệu quả còn thấp, làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) là động lực chính, nhưng sự phụ thuộc quá nhiều vào FDI có thể không bền vững về dài hạn. Do đó, Việt Nam cần chuyển dịch sang một mô hình kinh tế bền vững hơn, dựa trên nội lực của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân. Việc này bao gồm cải cách mạnh mẽ để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ cao và dịch vụ giá trị gia tăng.

Trong năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động vàđầu tư tại Việt Nam như Boeing, Nike, Exxon Mobil, Amazon, Marriott, Coca Cola, Google,Facebook, Netflix…Nhiều doanh nghiệp Việt Nam như FPT, Vinfast… cũng đang mở rộng đầu tư sang Mỹ, tạo thế lợi ích đan xen.

Một điều đáng lưu ý được các chuyên gia nhắc tới là tốc độ già hóa của lực lượng lao động. Dân số vàng của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ giảm dần lợi thế khi tốc độ già hóa ngày càng nhanh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lao động trong tương lai mà còn gia tăng áp lực cho hệ thống an sinh xã hội.

Để duy trì tính cạnh tranh, Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào giáo dục và đào tạo nghề, tận dụng tốt nhất tiềm năng của nguồn lao động trẻ, đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực để tăng năng suất lao động.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở thuộc hàng cao nhất thế giới, đồng nghĩa với việc dễ bị tổn thương trước các biến động quốc tế và phản ứng chính sách từ các đối tác thương mại lớn, bao gồm Hoa Kỳ. “Vượt rào cản” thích nghi và sáng tạo, sẵn sàng khắc phục và đổi mới là những việc mà các doanh nghiệp Việt Nam cần thể hiện trong bối cảnh mới để tiến sâu hơn, chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ, cũng như thu hút vốn đầu tư và sự chuyển dịch của doanh nghiệp Hoa Kỳ về Việt Nam.

>> Nguồn: Dư địa hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng rộng mở


VnEconomy; Tổng hợp: Tiến Thành - UEB Media

FullName Email
Address Security code NASBPA
Content