New Trang tin
 Search

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đổi mới chương trình - Tạo đột phá trong đào tạo

Tính đến năm 2024, ba lĩnh vực: Kinh doanh và kinh tế, Kinh doanh và khoa học quản lý, Kinh tế và kinh tế lượng của Trường Đại học Kinh tế đã được các Bảng xếp hạng giáo dục quốc tế THE và QS xếp vào Top 500 các trường đại học trên thế giới, điều đó phần nào phản ánh chất lượng đào tạo, nghiên cứu của trường. Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2024, VN Economy đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Trung Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (VNU-UEB).


Hiện cả nước có rất nhiều trường, cơ sở giáo dục đại học, đào tạo về kinh tế. Vậy xin ông cho biết định hướng đào tạo của Trường Đại học Kinh tế cũng như các chuyên ngành đào tạo của trường?

Cả nước hiện có rất nhiều trường đại học đào tạo về kinh tế và mỗi cơ sở đào tạo có thể đặt ra những mục tiêu khác nhau. Đối với Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, định hướng mục tiêu đào tạo là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh.

Các sinh viên ra trường cần phải có đủ kiến thức và kỹ năng để trở thành những chuyên gia, nhà quản lý đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

Muốn vậy, trường phải có đủ đội ngũ giảng viên chất lượng, chương trình đào tạo các ngành kinh tế phải phù hợp với mục tiêu của trường, với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, với phong cách quản lý hiện đại, cơ sở vật chất cũng phải đáp ứng được việc đào tạo của trường.

Về các ngành đào tạo, trường có đầy đủ các chuyên ngành kinh tế chuyên sâu mà nhu cầu xã hội cần như: Kinh tế truyền thông, Kinh tế y tế và Quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu, Kinh tế du lịch và dịch vụ, Phân tích dữ liệu kinh tế và chính sách, Phân tích kinh doanh, Marketing, Đầu tư tài chính, Kinh tế tài nguyên môi trường và bất động sản…

Ngoài ra, trường còn có hai ngành liên kết đào tạo quốc tế do đối tác nước ngoài cấp bằng: Ngành Quản trị kinh doanh (do Đại học Troy, Hoa Kỳ cấp bằng) và ngành Quản trị kinh doanh (do Đại học St.Francis, Hoa Kỳ cấp bằng).

Bên cạnh đó, trường còn có nhiều chương trình trao đổi tín chỉ trong nước và quốc tế tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ để các bạn sinh viên có cơ hội trải nghiệm các môi trường học tập khác nhau.

Để đạt mục tiêu đào tạo như vậy, đúng là cần phải có những sự khác biệt so với các cơ sở đào tạo khác về giảng viên và giáo trình đào tạo…  Xin ông phân tích về những điểm khác biệt này?

Trước hết, về đội ngũ giảng viên, hiện nay, đội ngũ giảng viên của trường tính đến cuối năm 2023 đã có trên 72% thầy, cô đạt trình độ từ tiến sĩ trở lên. Có thể nói đây là một trong những tỷ lệ cao nhất trong khối các trường đại học kinh tế.

Hầu hết các thầy, cô của trường đều  tu nghiệp tại các trường đại học tiên tiến ở nước ngoài, và do vậy, trình độ ngoại ngữ của họ rất tốt, kiến thức uyên thâm, nhiều người còn có thêm các chứng chỉ quốc tế hành nghề, ví dụ như trong lĩnh vực kiểm toán và kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn, các doanh nghiệp, ngân hàng lớn.

Thực tế, trong quá trình giảng dạy, các sinh viên rất thích được nghe những kiến thức kinh tế rút ra từ thực tế của các giảng viên.

Về chương trình đào tạo, chúng tôi đang thay đổi, điều chỉnh chương trình theo hướng ứng dụng những tiến bộ của công nghệ, nhất là việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình chuyển đổi số. Cái gì nhờ công nghệ mà làm tốt rồi thì chương trình cần giảm bớt phần đó đi mà phải đưa các nội dung mới vào.

Một ví dụ, sinh viên theo học ngành kế toán, nếu trước đây chúng ta có một triệu doanh nghiệp mới ra đời thì tương ứng phải cần hàng triệu người làm kế toán, nhưng bây giờ với xu hướng ứng dụng các phần mềm ứng dụng hoặc công nghệ AI thì một người có thể làm kế toán cho nhiều doanh nghiệp. Như vậy, nhu cầu kế toán không còn là số nhiều, mà bây giờ cần những người làm kế toán theo kiểu quản trị tài chính, kế toán thông minh, tức là người kế toán phải rút ra được những thông tin hữu ích từ hệ thống kế toán.

Do vậy, chương trình sẽ giảm bớt phần thực hành định khoản kế toán, bởi cái này công nghệ đã làm rất tốt rồi. Chương trình mới sẽ đưa thêm nội dung kiến thức phân tích dữ liệu và cách tư duy quản trị, tức là người làm kế toán phải biết tổng hợp phân tích rồi đưa ra những thông tin về quản trị giúp chủ doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác.

Ngoài ra, chương trình kế toán của nhà trường còn tích hợp một số nội dung kế toán kiểm toán của Hội Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW). Điều này cho phép các sinh viên sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học tập theo các chứng chỉ chuyên nghiệp sau khi ra trường.

Về tài chính, chúng ta đã nghe nói về fintech (Financial Technology) - sự kết hợp giữa công nghệ và tài chính, gọi là công nghệ tài chính, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư.

Để làm fintech đòi hỏi phải vừa thạo về công nghệ lại vừa thạo về tài chính. Hiện, công nghệ fintech phát triển rất nhanh và mô hình fintech cũng rất đa dạng chứ không cố định, nên sinh viên ngành tài chính, ngân hàng cần phải hiểu về công nghệ.

Trong chương trình đào tạo về tài chính, chúng tôi đưa một số nội dung về công nghệ tài chính, một số chương về lập trình căn bản để giúp sinh viên có những kiến thức cơ bản tiến tới thành thạo ứng dụng công nghệ tài chính khi ra thực tế.

Nói chung, để có đầu ra chất lượng cao, nội dung, chương trình, các ngành học đều phải đổi mới theo xu hướng vừa gắn với nhu cầu thị trường, vừa gắn với ứng dụng công nghệ. Cần phải có những môn học giúp cho sinh viên nắm được kỹ thuật, thao tác khi làm việc với dữ liệu lớn, biết phân tích dữ liệu, hiểu biết ngôn ngữ lập trình căn bản để tạo ra phần mềm giao tiếp với máy tính (coding) cũng như ứng dụng AI vào doanh nghiệp. Nhà trường luôn lấy đổi mới nội dung chương trình giảng dạy làm sức bật chất lượng đào tạo.

Những điểm mạnh, khác biệt đó sẽ tạo ra những sự thay đối lớn về cách dạy và học. Vậy các chương trình, giáo trình, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho dạy và học của trường hiện nay ra sao, thưa ông?

Chúng tôi đang dần hoàn thiện giáo trình do trường biên soạn. Đồng thời trường đã đưa vào hệ thống giảng dạy các tài liệu, giáo trình của nước ngoài theo hướng ứng dụng những tiến bộ của công nghệ, nhất là việc ứng dụng công nghệ AI.

Đại học Quốc gia Hà Nội nói chung và Trường Đại học Kinh tế nói riêng hiện có một hệ thống thư viện với nguồn dữ liệu rất lớn, thậm chí có cơ sở dữ liệu của tất cả các công bố quốc tế trên toàn cầu.

Đối với sinh viên khối ngành kinh tế, chúng tôi còn có thư viện điện tử dùng chung dành cho sinh viên, giảng viên khối ngành kinh tế. Các sinh viên, giảng viên tiếp cận nguồn dữ liệu này thông qua các thiết bị như máy tính, smartphone…

Có thể nói, thư viện của Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc vào loại tốt nhất của Việt Nam và thuộc diện tốt của thế giới với đầy đủ những kiến thức rất mới.

Trong thư viện hiện cũng có rất nhiều phần mềm mã nguồn mở, giúp sinh viện ứng dụng để phân tích tài chính. Chẳng hạn, khi sinh viên muốn dự báo giá vàng hay dự báo về giá của chứng khoán, thì qua tập hợp dữ liệu rất lớn của tất cả các vấn đề từ kinh tế vĩ mô tới tỷ giá khắp nơi đã có, nhờ phần mềm mã nguồn mở, sinh viên có thể tự coding để đưa ra các dự báo. Điều này rất có lợi cho sinh viên khi ra trường về làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu… để có thể tạo ra các mô hình dự báo trong lĩnh vực làm việc của mình.

Thưa ông, còn một điểm nữa mà học sinh rất quan tâm, đó là môi trường học. Người học rất thích môi trường học quốc tế. Vậy môi trường học của Trường đại Kinh tế được nhìn nhận như thế nào? 

Đúng là nhiều sinh viên rất muốn học trong môi trường học quốc tế. Chúng tôi cho rằng điều này là rất quan trọng đối với người học. Môi trường học quốc tế ở Trường Đại học Kinh tế thể hiện qua ba vấn đề.

Thứ nhất, trong chương trình đào tạo của trường phải có một số môn học  bằng tiếng Anh. Hiện Trường Đại học Kinh tế đã có 34-40% môn học trong các chương trình đào tạo của trường dạy bằng tiếng Anh. Các giảng viên dạy các môn học này ngoài các giảng viên trong nước, các thầy cô đi tu nghiệp nước ngoài về, trường còn mời thêm giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy.

Thứ hai, Trường Đại học Kinh tế có nhiều sinh viên nước ngoài trong lớp học. Điều này có tác dụng rất tích cực khi các sinh viên trong lớp tương tác với nhau trong học tập, nghiên cứu. Phía các thầy, cô cũng vậy, dạy tiếng Anh như thế nào, bài giảng phải chuẩn bị tốt theo quốc tế mới đứng lớp được. 

Thứ ba, đặc biệt nhất của trường là trao đổi sinh viên quốc tế. Hiện, trường chúng tôi có hơn 60 đối tác khắp toàn cầu để trao đổi sinh viên đi học và mô hình trao đổi là các em có thể học một kỳ hoặc hai  kỳ, thậm chí có thể nhiều hơn nhưng quan trọng là học sinh hoàn toàn được miễn học phí. 

Thông thường, mỗi học kỳ ở các trường Mỹ, Úc có học phí khá đắt, có thể lên tới 10.000 USD nhưng học sinh không phải nộp khoản này.  Tất nhiên, trước khi đi, các em phải được tư vấn để chọn môn phù hợp để dễ  tích hợp vào chương trình học kinh tế của mình ở Việt Nam. Với các đổi tác trao đổi hàng năm, mỗi lần trường chọn từ 3 đến 5 sinh viên đủ tiêu chuẩn để trao đổi sinh viên với nhau.

Cuối cùng, với nhiều lợi thế học tập, nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế như ông đã phân tích, xin ông cho biết chất lượng của học sinh  đầu vào phải như thế nào để tự tin ứng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế?

Với nhiều lợi thế như vậy nên những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế có xu hướng tăng mạnh. Như đã nói, mục tiêu đầu ra của trường là người học sẽ phải trở thành những chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển, hội nhập kinh tế của đất nước.

Về cơ bản, đầu vào của trường là những thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông có thể đăng ký các ngành đào tạo của trường. Tuy nhiên, để lựa chọn của mình thành công thì các em học sinh cần lưu ý hai điều quan trọng: (i) môn tiếng Anh phải đạt được chuẩn đầu vào của trường, cũng khá cao, trong tất cả các phương thức xét tuyển của trường đều ưu tiên môn tiếng Anh. (ii) điểm trung bình học tập ở trường trung học phổ thông phải khá, giỏi trở lên.

Việc lựa chọn học ngành nào thì cần chú ý đến sự thay đổi nhu cầu của xã hội. Quan trọng nhất lúc này là chọn học ngành nào và học như thế nào. Vậy phải lựa chọn ngành nào phù hợp với bản thân, với sở thích năng lực của mình. Mỗi ngành đều có cơ hội, cái hay của nó và đều có những đặc điểm ngành học riêng.

Chẳng hạn, nếu học ngành Kinh doanh quốc tế, thì thông thường các bạn sinh viên ra trường sẽ làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn Big 4, các tổ chức quốc tế như: World Bank, IMF tại Việt Nam…

Học về ngành Kinh tế quốc tế, học sinh phải trau dồi những kiến thức tổng hợp, những kỹ năng mềm khác như về văn hóa ứng xử để làm được với doanh nghiệp quốc tế. Nếu sinh viên chỉ thích phân tích dữ liệu thì phải chọn ngành tài chính, ngân hàng, kế toán kiểm toán để đi vào những bài toán phân tích dữ liệu.

Cũng cần nói thêm, tỷ lệ sinh viên Trường Đại học Kinh tế tìm được việc làm qua ba năm gần đây (từ năm 2021-2023) cho thấy khoảng trên 97% sinh viên sau khi ra trường đều tìm được việc làm.

Về cơ hội việc làm, sinh viên khi tốt nghiệp ngành kinh tế có cơ hội việc làm đa dạng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Khối ngành này với các ngành hot như: tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, kinh tế quốc tế, kinh tế phát triển… vẫn được nhiều phụ huynh và học sinh ưu tiên lựa chọn.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2024 phát hành ngày 22/04/2024:


Theo VnEconomy

FullName Email
Address Security code KDWYIZ
Content

Other News