New Trang tin
 Search

Hành trình NCKH và đăng tải trên tạp chí quốc tế của thầy trò Khoa Kinh tế Phát triển UEB

Lần đầu tiên làm nghiên cứu khoa học (NCKH), nhóm sinh viên lớp QH2020-E KTPT 3: Đỗ Thị Ngọc Trâm, Trịnh Minh Thuận và Khổng Phương Mai dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã xuất sắc hoàn thành công trình nghiên cứu tham gia hội nghị sinh viên NCKH năm 2023 và công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục Web of Science (WoS), xếp hạng Q1.


Khởi đầu hành trình mới của những “nhà khoa học sinh viên”...

“Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học để phát triển kỹ năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, là những kỹ năng cần thiết cho sinh viên khi ra trường làm việc, không chỉ trong các cơ quan giảng dạy và nghiên cứu, mà còn trong doanh nghiệp và các tổ chức công.” - PGS.TS Nguyễn An Thịnh chia sẻ.

“Nhập cuộc” với đầy quyết tâm, sinh viên Trịnh Minh Thuận tâm sự về những ngày đầu tiên khi bắt đầu hành trình: “Chọn và tìm hiểu sâu về đề tài là khó khăn lớn nhất của sinh viên khi làm NCKH. Nhóm em cũng không là ngoại lệ, chúng em đã mất khá nhiều thời gian cho bước đầu này. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của thầy Thịnh - giảng viên hướng dẫn đề tài đã giúp chúng em có thể theo sát và từng bước chinh phục đề tài.”

Nhóm nghiên cứu lựa chọn vấn đề “Understanding the Importance of Eco-Labeling for Organic Foods at UNESCO Biosphere Reserves: A Case Study of the Cocoa Powder at the Dong Nai, Vietnam” (Thấu hiểu tầm quan trọng của dán nhãn sinh thái đối với thực phẩm hữu cơ tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới UNESCO: Nghiên cứu điển hình về sản phẩm bột ca cao tại Đồng Nai, Việt Nam). Để hoàn thành công trình nghiên cứu, thầy và trò đã đồng hành triển khai trong thời gian 1 năm.

Tháng 1/2023, nhóm nghiên cứu di chuyển từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, tham gia hội thảo tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, tham quan và làm việc với công ty TNHH Cacao Trọng Đức, thực hiện điều tra 285 khách hàng tại tỉnh Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh, sau đó lọc được 203 dữ liệu phù hợp đưa vào phân tích.

PGS.TS Nguyễn An Thịnh cùng 3 sinh viên tham dự hội thảo tại Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Nhóm nghiên cứu lựa chọn sản phẩm ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) để phân tích

Trong quá trình ấy, rất nhiều thử thách “ghé thăm” các “nhà khoa học trẻ”. Nhắc đến chuyến đi thực địa tại Đồng Nai, sinh viên Khổng Phương Mai kể lại: “Trong 3 ngày thực địa ở đây, nhóm chúng em luôn bắt đầu ngày mới vào 5 rưỡi sáng, ra chợ và các khu vực xung quanh để khảo sát người dân. Có những người không sẵn sàng trả lời, họ gạt phăng đi, khiến cho quá trình thu thập số liệu trở nên khó khăn… Nhưng với tinh thần không chịu khuất phục, nhóm em đã hoàn thành công việc với kết quả như mong đợi.”

Nhóm sinh viên thực hiện khảo sát người địa phương tại nơi nghiên cứu

…Luôn có thầy cô và Nhà trường đồng hành trong quá trình làm nghiên cứu!

Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã nhận được sự hỗ trợ của đề tài nghiên cứu cấp nhà nước do Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp là đơn vị chủ quản. Đề tài hỗ trợ toàn bộ kinh phí vé máy bay, di chuyển, ăn ở và phỏng vấn cho sinh viên. Theo quan điểm của PGS.TS Nguyễn An Thịnh cũng như chiến lược phát triển NCKH sinh viên của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, việc kêu gọi tài trợ cho các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên đóng vai trò vô cùng quan trọng, khuyến khích sinh viên tham gia và sinh viên không phải chi trả kinh phí trong quá trình thực hiện nghiên cứu.

Nhóm sinh viên nghiên cứu vui vẻ chia sẻ rằng ban đầu cũng khá lo lắng về chi phí đi lại, sinh hoạt vì nơi khảo sát ở khoảng cách rất xa. Nhưng Nhà trường và thầy Thịnh đã luôn sát cánh, kêu gọi tài trợ và giúp đỡ trong toàn bộ quá trình thu thập số liệu nên nhóm chỉ cần vui vẻ và tập trung làm tốt việc nghiên cứu. Đặc biệt, nhờ NCKH mà một số thành viên của nhóm có chuyến bay đầu tiên của cuộc đời!

“Một kỷ niệm rất vui trong quá trình nghiên cứu đó là thầy Thịnh không chỉ giúp chúng em xin hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, đồng hành cùng chúng em trong từng chặng hoàn thành đề tài mà thầy còn rất quan tâm từ những điều giản dị nhất. Thầy đã tặng cho mỗi đứa chúng em 1 hộp bột ca cao mix - sản phẩm mà chúng em đang nghiên cứu.” - Phương Mai tươi cười chia sẻ.

“Vì là lần đầu làm nghiên cứu, có thể nói là chưa biết gì cả, nhưng sau 1 năm, chúng em đã học được nhiều kiến thức, được tiếp xúc với những anh chị, thầy cô tài giỏi giúp chúng em hiểu và dễ dàng tiếp cận các vấn đề. Tất cả những điều này đã làm cho hành trình nghiên cứu của nhóm trở thành một kỷ niệm đáng nhớ, với những kiến thức quý báu và kinh nghiệm thực tế giúp chúng em phát triển bản thân một cách toàn diện hơn.”

“Trái ngọt đầu mùa” cho những “nhà khoa học sinh viên”

Đề tài nghiên cứu của thầy và trò Khoa Kinh tế Phát triển đã đạt được những kết quả nghiên cứu quan trọng: Về mức sẵn lòng chi trả của người dân nơi đây cho sản phẩm ca cao có gắn thêm 3 loại nhãn sinh thái, đồng thời xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn lòng chi trả này. Nhóm cũng đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp ca cao tại Đồng Nai nên sử dụng nhãn dán sinh thái mức độ 2 (nhãn sinh thái có sự tham gia quản lý giám sát của ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển), đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về các loại chứng nhận quốc tế để có thể áp dụng nhãn mức độ 3 (nhãn sinh thái có các chứng nhận quốc tế) trong thời gian tới.

Đánh giá về những đóng góp của sinh viên, PGS.TS Nguyễn An Thịnh nhận xét: “Sinh viên Kinh tế Phát triển có 2 ưu điểm nổi bật: khả năng làm việc nhóm và khả năng lên kế hoạch thực hiện công việc. Cụ thể trong suốt quá trình nghiên cứu, nhóm luôn chủ động phối hợp, quán xuyến toàn bộ công việc thiết kế và triển khai nghiên cứu trong phòng và ngoài thực địa. Thầy hướng dẫn chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đồng hành cùng sinh viên. Kết quả ngày hôm nay là thành quả xứng đáng cho những cố gắng của các em.”

Sau khi báo cáo tại hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên của Khoa Kinh tế Phát triển, thầy trò đã hoàn thiện các kết quả nghiên cứu và đăng tải bài báo thành công trên tạp chí quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS), xếp hạng Q1. (Xem tại đây)

“Lúc nhận thông báo kết quả, thực sự là một cảm giác không thể tin nổi! Sau đó thì cảm giác tự hào và hạnh phúc, như mình vừa đạt được một mục tiêu siêu khó mà từng mơ ước. Đó thực sự là nguồn động viên rất lớn để sau này chúng em có thể tiếp tục đam mê nghiên cứu!” - Sinh viên Đỗ Thị Ngọc Trâm chia sẻ.

Với sự nỗ lực, tâm huyết trong từng công việc nghiên cứu, thầy và trò Khoa Kinh tế Phát triển đã đạt được kết quả xứng đáng. NCKH không chỉ giúp sinh viên hiểu hơn về ngành học mà còn là cơ hội học hỏi, trau dồi các kỹ năng làm việc nhóm, tư duy logic, khả năng phân tích, tư duy giải quyết vấn đề... Đặc biệt, việc có bài Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí quốc tế sẽ giúp sinh viên có một CV ấn tượng, ghi điểm hơn trong mắt nhà tuyển dụng.


Thu Uyên - UEB Media

FullName Email
Address Security code OMNRHJ
Content

Other News