New Trang tin
 Search

Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Liên kết Quốc tế (MBA-USF) với chuyến học tập thực tế cùng Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam

Với môi trường học tập mở, tối ưu hiệu quả đào tạo liên kết quốc tế, gắn liền thực tiễn, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN liên tục tổ chức những chương trình trao đổi thực tế không chỉ dành cho sinh viên mà còn cho học viên, đặc biệt là học viên Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh liên kết với Đại học St.Francis, Hoa Kỳ. 


Lần đầu tiên học viên Thạc sĩ Quản trị kinh doanh liên kết quốc tế MBA - USF K1 của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN được tham gia buổi gặp gỡ, giao lưu cùng Ngài Wojciech Gerwel – Đại sứ Nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam. Đây là cơ hội để học viên được trải nghiệm thực tế, tiếp thu kiến thức thực tiễn, giao lưu trao đổi cùng những lãnh đạo, những doanh nghiệp đối tác, tạo dựng nền tảng tri thức cũng như quan hệ rộng mở hỗ trợ học tập và công việc sau này.

Buổi gặp gỡ có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN,  PGS.TS Nguyễn Việt Khôi – Giám đốc Viện Giáo dục Kỹ năng & Trí tuệ sáng tạo, TS. Nguyễn Đức Lâm – Trưởng phòng NCKH&HTPT, ThS. Thái Thị Minh – Phó Giám đốc, Trưởng phòng Tuyển sinh Đào tạo Quốc tế UEB - CITE cùng các học viên MBA – USF K1 và sinh viên chương trình liên kết Quốc tế (BBA – TROY và BBA – USF). Xuyên suốt chương trình, học viên không chỉ được giao lưu văn hóa giữa hai nước mà còn được lắng nghe những chia sẻ của ngài Đại sứ về cơ hội mở kinh doanh với Châu Âu từ Ba Lan cũng như những định hướng hợp tác với Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong tương lai.
 

Buổi gặp gỡ và trao đổi giữa Đại sứ quán Ba Lan và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

“Quốc tế hóa giáo dục” – Cơ hội phát triển rộng mở cho học viên Liên kết quốc tế
Mở đầu buổi gặp gỡ, PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng trân trọng cảm ơn ngài Wojciech Gerwel đã tạo cơ hội để sinh viên và học viên MBA-USF có cơ hội được giao lưu và cập nhập thêm những thông tin mới nhất về sự phát triển của Ba Lan trong bối cảnh hậu đại dịch cũng như mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa UEB - VNU và ĐSQ Ba Lan trong thời gian tới. “Không chỉ mang đến những khóa học chuyên môn, lớp học bổ trợ kỹ năng, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN còn mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên – học viên, đặc biệt là học viên chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh liên kết với Đại học St.Francis, Hoa Kỳ nền tảng kiến thức thực tiễn đa chiều. Nhà trường luôn cố gắng nỗ lực tổ chức những buổi gặp gỡ, tiếp xúc với các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan quốc tế và Đại sứ quán các nước để học viên có thể mở rộng và có cái nhìn tổng thể các vấn đề gắn liền với chương trình đào tạo các em đang theo học. Thông qua buổi gặp gỡ, học viên có thể tìm hiểu về nền kinh tế Ba Lan – cửa ngõ “kinh tế” của Châu Âu. Từ đó, học viên cũng tìm hiểu thêm về mô hình kinh tế chuyển đổi, áp dụng với quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam và rút ra kiến thức thực tiễn cho bản thân.”, PGS.TS Nguyễn Anh Thu chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ tại buổi gặp gỡ Đại sứ quán Ba Lan

Qua những chia sẻ, ngài Wojciech Gerwel đánh giá cao môi trường giáo dục đào tạo mà UEB đem tới cho sinh viên và học viên. Với chương trình đào tạo chất lượng, cùng những nỗ lực phát triển không ngừng nghỉ của đội ngũ giảng viên Nhà trường, ngài Đại sứ tin chắc rằng, thế hệ sinh viên học viên UEB sẽ trở thành thế hệ công dân toàn cầu mới, năng động, sáng tạo và tài năng. Thông qua buổi gặp gỡ, ngài Đại sứ cũng chia sẻ góc nhìn kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tiềm năng mở rộng kinh doanh hậu đại dịch từ “cửa ngõ kinh tế” Ba Lan và mong muốn kết nối hợp tác phát triển với UEB – một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam. Đây là những thông tin kinh tế giá trị để không chỉ học viên mà còn sinh viên liên kết quốc tế có đánh giá khách quan về thị trường EU và Ba Lan, mở ra cánh cửa tiếp cận kiến thức thực tế, hỗ trợ quá trình học tập nghiên cứu và công việc sau này.

Ngài Wojciech Gerwel – Đại sứ nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam giao lưu và trao đổi những thông tin về đất nước, con người và cơ hội hợp tác phát triển giữa Ba Lan và Việt Nam với thầy trò Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Đại diện Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGN cảm ơn ngài Đại sứ quán đã tạo cơ hội giao lưu và tích lũy kiến thức cho sinh viên, học viên Nhà trường

Sự gần gũi và cởi mở giữa hai đơn vị tạo nên bầu không khí thân mật, gắn kết giữa Đại sứ quán Ba Lan và đoàn đại diện Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Sự năng động, hào hứng cùng những chia sẻ thực tế của học viên MBA- USF đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ với ngài Đại sứ: “Tôi rất ấn tượng với những nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục chuẩn quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trong những năm gần đây. Với mối quan hệ bền chặt, gắn kết với UEB – VNU, tôi hy vọng Ba Lan và Nhà trường có thể mở rộng cơ hội hợp tác đa phương diện. Đặc biệt, qua những chia sẻ, những dự án quốc tế học viên đang ấp ủ tại buổi gặp gỡ, tôi đánh giá rất cao sự năng động, tài năng và tư duy sáng tạo của các bạn. Đất nước Ba Lan chúng tôi luôn sẵn sàng mở cửa chào đón thế hệ sinh viên – học viên tài năng của UEB tới học tập và nghiên cứu trong tương lai không xa.”

Ngài Wojciech Gerwel – Đại sứ nước Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam chia sẻ những ấn tượng với Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và sinh viên, học viên Nhà trường

Đi một ngày đàng học một sàng khôn - Trải nghiệm giao lưu Quốc tế lần đầu tiên của học viên MBA – USF
“Đây là trải nghiệm đáng nhớ đầu tiên của mình với UEB và lớp cao học MBA – USF”. Đó là cảm xúc đặc biệt của học viên MBA – USF K1 có cơ hội tham gia buổi gặp gỡ tại Đại sứ quán Ba Lan. Không chỉ có cơ hội tìm hiểu văn hóa, đất nước và con người Ba Lan, tại buổi gặp gỡ, các bạn còn được trao đổi những thông tin về nền kinh tế Ba Lan cũng như những tiềm năng cơ hội phát triển kinh doanh rộng mở tại thị trường Ba Lan – một “cửa ngõ” quan trọng để thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU. Từ nền tảng kiến thức được học tập và rèn luyện cùng những kinh nghiệm làm việc thực tế tại Việt Nam, học viên MBA – USF cũng chia sẻ những đánh giá, góc nhìn thực tiễn sự phát triển công nghiệp, dịch vụ của Việt Nam trong những năm gần đây. Đồng thời, học viên lớp MBA – USF K1 cũng có những đánh giá toàn diện về thế mạnh và hạn chế của Việt Nam khi gia nhập thị trường xuất khẩu tại EU.
 

PGS.TS Nguyễn Việt Khôi - Giám đốc Viện Giáo dục Kỹ năng & Trí tuệ sáng tạo, TS. Nguyễn Duy Anh – Giảng viên Khoa Kinh tế Phát triển tích cực trao đổi cùng ngài Đại sứ quán và học viên MBA – USF

Bên cạnh mục tiêu tăng cường hợp tác, kết nối phát triển giữa hai quốc gia, những buổi giao lưu như thế này cũng là những “lớp học thực tế” bổ ích, đem lại giá trị tri thức thời đại cho sinh viên và học viên UEB. Những chia sẻ sôi nổi và góc nhìn thực tế của học viên MBA-USF cho thấy sự quan tâm, nghiêm túc nghiên cứu và trau dồi kiến thức toàn cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới. “Tại buổi gặp gỡ hôm nay, mình được tiếp cận và hiểu hơn về xã hội và con người Ba Lan. Ngoài ra, mình cũng được phổ cập thêm những thông tin “nóng hổi” về nền kinh tế thị trường phát triển, cơ hội hợp tác quốc tế giữa Việt Nam – Ba Lan và Việt Nam – EU. Những kiến thức này sẽ giúp ích cho mình rất nhiều trong công việc, nghiên cứu và học tập sau này. Bên cạnh đó, mình cũng hy vọng Nhà trường sẽ mở rộng phạm vi hợp tác với các doanh nghiệp tại Ba Lan trong tương lai, xây dựng những lớp học, những chuyến đi thực tế bổ ích cho sinh viên - học viên chúng mình.”, chị Tạ Kiều Hương Giang và anh Phạm Huy Thành, học viên lớp MBA-USF K1 chia sẻ về buổi gặp gỡ với ngài Đại sứ Ba Lan vừa qua. 

Lớp học viên MBA – USF K1 tham gia buổi gặp gỡ với Đại sứ quán Ba Lan

Với mục tiêu “Quốc tế hóa giáo dục” gắn liền thực tiễn, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cam kết đem đến môi trường học tập sáng tạo, mở rộng kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên – học viên Nhà trường tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm để phát triển trong tương lai.


Thu Trang, Hồng Nam - UEB Media

FullName Email
Address Security code NUYYAA
Content