New Trang tin
 Search
Những văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của ĐHQGHN liên quan đến hoạt động của Trường (cập nhật nửa đầu tháng 01/2025)
Những văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của ĐHQGHN liên quan đến hoạt động của Trường (cập nhật nửa đầu tháng 01/2025)

Trong nửa đầu tháng 01 năm 2025, một số văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ sở đào tạo đại học. Nội dung tóm tắt các văn bản như sau: 


1. Luật Thủ đô 2024 ngày 28/6/2024 được Quốc hội thông qua có một số điểm đáng chú ý như sau:

(1) Quy hoạch đô thị xanh và thông minh: Đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý giao thông, năng lượng, cấp thoát nước và xử lý chất thải. Phát triển các không gian xanh, công viên và hồ điều hòa trong quy hoạch tổng thể, tạo môi trường sống trong lành và thích ứng với biến đổi khí hậu.

(2) Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử: Quy định rõ hơn về việc bảo vệ các khu vực di sản, tăng cường kiểm soát xây dựng xung quanh các di tích lịch sử để tránh ảnh hưởng đến cảnh quan và tính nguyên gốc của di sản. Khuyến khích các dự án phục hồi và phát triển du lịch văn hóa gắn với bảo tồn di sản.

(3) Quản lý dân số và nhà ở: Đưa ra các chính sách kiểm soát tăng trưởng dân số tại các khu vực nội thành, đồng thời khuyến khích phát triển các khu đô thị vệ tinh: Tăng cường xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là người lao động và sinh viên.

(4) Hạ tầng giao thông và năng lượng: Ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh, và mở rộng mạng lưới giao thông kết nối khu vực ngoại ô. Đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong các dự án công cộng và tòa nhà lớn tại Thủ đô.

(5) Quản lý tài nguyên và môi trường: Ban hành quy định nghiêm ngặt hơn về quản lý chất thải rắn và nước thải, hạn chế sử dụng túi ni-lông và vật liệu nhựa không phân hủy. Phát triển các khu xử lý rác thải hiện đại, thân thiện với môi trường và đẩy mạnh tái chế.

(6) Phân cấp quản lý hành chính: Phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền Thủ đô trong việc quyết định các dự án đầu tư lớn và xử lý các vấn đề nội bộ. Quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền hạn của các sở, ngành trong quản lý đô thị và hạ tầng…

Như vậy, Luật Thủ đô tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị hiện đại, thân thiện với môi trường.

Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Xem toàn văn: Luật Thủ đô 2024.

2. Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có một số điểm đáng chú ý như sau:

(1) Cơ chế trừ điểm trên giấy phép lái xe (GPLX):

Áp dụng hệ thống 30 điểm ban đầu cho mỗi GPLX. Các hành vi vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ nghiêm trọng. Người bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại toàn bộ để cấp mới GPLX.

(2) Quy trình phục hồi điểm GPLX:

 Điểm số được phục hồi sau khi người vi phạm: Hoàn thành các khóa đào tạo an toàn giao thông. Không tái phạm trong khoảng thời gian quy định (6 hoặc 12 tháng tùy hành vi vi phạm trước đó). Có thể phục hồi tối đa 10 điểm mỗi năm.

(3) Tăng mức phạt tiền đối với vi phạm nghiêm trọng:

- Vi phạm nồng độ cồn: Tăng mức phạt lên đến 40-50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn cao nhất (>80mg/100ml máu).

- Tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng.

- Vi phạm tốc độ: Phạt lên đến 12-15 triệu đồng đối với hành vi vượt quá tốc độ trên 35km/h.

- Sử dụng điện thoại khi lái xe: Tăng mức phạt lên 3-5 triệu đồng và áp dụng trừ 3 điểm.

(4)  Xử phạt qua hệ thống giám sát giao thông: Quy định rõ về xử phạt thông qua hệ thống camera giám sát trên đường cao tốc và khu vực đô thị. Thông báo vi phạm được gửi đến chủ phương tiện qua ứng dụng điện tử hoặc dịch vụ bưu chính.

(5) Phạt bổ sung với các hành vi nguy hiểm:

- Tước GPLX vĩnh viễn: Đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (ví dụ: gây chết nhiều người do nồng độ cồn hoặc ma túy).

- Tạm giữ phương tiện: Áp dụng đối với các hành vi cố tình không chấp hành hiệu lệnh dừng xe.

(6) Hỗ trợ người dân chấp hành:

Tích hợp hệ thống tra cứu điểm GPLX và tình trạng vi phạm qua ứng dụng di động. Tăng cường các khóa đào tạo ngắn hạn về ý thức an toàn giao thông dành cho người tái phạm.

(7) Chế tài đối với hành vi cản trở lực lượng chức năng:

Phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông;

Quy định cụ thể mức phạt và xử lý nghiêm đối với hành vi chống đối hoặc lăng mạ lực lượng chức năng. Việc tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng và chi tiết hóa các mức điểm trừ tương ứng, nhằm nâng cao tính răn đe và ý thức chấp hành pháp luật giao thông.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Xem toàn văn: Nghị định số 168/2024/NĐ-CP.

3. Nghị định 180/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ quy định về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 174/2024/QH15 của Quốc hội. Nghị định này tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ các nhóm sau:

(1) Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất.

(2) Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

(3) Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin.

Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, mức thuế suất GTGT áp dụng là 8% cho các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế.

Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi xuất hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Xem toàn văn: Nghị định 180/2024/NĐ-CP 

4. Nghị định 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

(1) Đối tượng áp dụng bao gồm:

Cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã), viên chức;

Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng;

Chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài.

(2) Các nguyên tắc thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng 

Tuân thủ quy định: Chính sách phải phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đảm bảm tính minh bạch, khách quan: Thực hiện tuyển chọn, đào tạo công khai, đúng đối tượng, phát huy trách nhiệm của lãnh đạo trong phát hiện và trọng dụng nhân tài. Đãi ngộ phải tương xứng với đóng góp và đánh giá hàng năm dựa trên hiệu quả công việc.

Nguồn kinh phí: Bố trí từ ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Ưu tiên ngành chiến lược: Tùy thuộc vào khả năng ngân sách và nhu cầu, các cơ quan xác định ngành/lĩnh vực trọng tâm cần thu hút nhân tài trong từng giai đoạn.

Áp dụng chính sách cao hơn: Trường hợp pháp luật có quy định chính sách cao hơn chính sách tương ứng đối với người có tài năng tại Nghị định này thì áp dụng chính sách cao hơn hoặc áp dụng quy định theo nguyện vọng của người có tài năng…

Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Xem toàn văn: Nghị định 179/2024/NĐ-CP 

5. Thông tư 1/2025/TT-BNV ngày 17/01/2025 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Một số nội dung chính của thông tư như sau:

(1) Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 1 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị, gồm: cách xác định thời điểm và tiền lương tháng để tính hưởng chính sách, chế độ; cách tính hưởng chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi; cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã; cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với viên chức, người lao động và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp.

(2) Cách tính hưởng chính sách thôi việc đối với viên chức và người lao động

Viên chức và người lao động quy định tại Điều 2 Thông tư này được cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ thôi việc thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP; đồng thời được hưởng 03 chính sách quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 10 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP như sau:

1. Trợ cấp thôi việc:

Đối với người nghỉ thôi việc trong thời hạn 12 tháng đầu tiên:

Mức trợ cấp

=

Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này

x 0,8 x

Thời gian để tính trợ cấp thôi việc quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP

Đối với người nghỉ thôi việc từ tháng thứ 13 trở đi:

Mức trợ cấp

=

Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này

x 0,4 x

Thời gian để tính trợ cấp thôi việc quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP

2. Trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

Mức trợ cấp

=

Tiền lương tháng hiện hưởng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này

x 1,5 x

Số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP

 

3. Được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2023)…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. 

Xem toàn văn: Thông tư 01/2025/TT-BYT 

6. Thông tư số 22/2024/TT-BGDĐT ngày 10/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định ban hành kèm theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư sửa đổi 22 điều, khoản và bãi bỏ 04 điều, khoản của quy định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT; sửa đổi, bổ sung 24 điều, khoản và bãi bỏ 05 điều, khoản của quy định ban hành kèm theo Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT; sửa đổi, bổ sung 23 điều, khoản và bãi bỏ 04 điều, khoản của quy định ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT; thay thế mẫu Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 25 tháng 01 năm 2025.

Xem toàn vănThông tư số 22/2024/TT-BGDĐT

7. Thông tư số 15/2024/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/12024 của Bộ Lao động – Thương

binh và xã hội về bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật. 

Theo đó, bãi bỏ toàn bộ 09 Thông tư về lao động – tiền lương gồm:

- Thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 46/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động.

- Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 44/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.

- Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.

- Thông tư 27/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc cơ quan quản lý nhà nước về lao động lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở địa phương trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề về quan hệ lao động.

- Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

- Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

- Thông tư 35/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động khi chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/06/2015.

- Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.

- Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/02/2025.

Xem toàn văn: Thông tư số 15/2024/TT 

8. Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT ngày 20/11/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thông tư này quy định các nội dung chính sau:

(1) Phạm vi giám định tư pháp: Bao gồm các lĩnh vực như chương trình, nội dung giáo dục; sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu giảng dạy; thi, kiểm tra, tuyển sinh, đào tạo và văn bằng, chứng chỉ; nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; quản lý người học; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; cùng các nội dung chuyên môn khác thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo

(2) Thời hạn giám định tư pháp: Thời hạn tối đa là 3 tháng đối với vụ việc có nội dung trưng cầu giám định thuộc một loại việc; và 4 tháng đối với vụ việc có tính chất phức tạp hoặc liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, hoặc thuộc từ hai loại việc trở lên. Thời hạn này có thể được gia hạn nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa, do cơ quan trưng cầu giám định quyết định bằng văn bản theo đề nghị của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.

(3) Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có trình độ đại học trở lên về ngành đào tạo phù hợp với chức danh hoặc vị trí việc làm, và có thời gian hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực được đào tạo từ đủ 5 năm trở lên, phù hợp với phạm vi các việc giám định tư pháp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 06/01/2025. 

Xem toàn văn: Thông tư số 16/2024/TT-BGDĐT   

9. Thông tư 01/2025/TT-BYT ngày 01/01/2025 của Bộ Y tế về hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Thông tư quy định chi tiết về đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại các cơ sở y tế, bao gồm cả y tế cơ quan và tổ chức. Hướng dẫn cụ thể về chuyển tuyến khám chữa bệnh, đảm bảo đúng trình tự, chuyên môn và quyền lợi của người bệnh. Ngoài ra, quy định về giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại được làm rõ, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế. Thông tư này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và bảo đảm quyền lợi của người dân trong hệ thống bảo hiểm y tế. 

10. Chỉ thị 01/CT-BYT ngày 6/01/2025 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác y tế nhằm đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025.  Chỉ thị yêu cầu các đơn vị y tế tổ chức trực 24/24 giờ, đảm bảo đủ thuốc, máu, dịch truyền và thiết bị y tế cần thiết, đồng thời chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan trong cộng đồng. Công tác truyền thông cũng được chú trọng, đặc biệt là việc phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và hạn chế lạm dụng rượu bia trong dịp Tết. Ngoài ra, các cơ sở y tế tư nhân được khuyến khích phối hợp với y tế công lập để triển khai công tác y tế trong dịp lễ này.

Chỉ thị có hiệu lực từ ngày 6/01/2025.

Xem toàn văn: Chỉ thị 01/CT-BYT

11. Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 31/12/2024 của Ban chấp hành Trung ương về hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Một số nội dung đáng chú ý như sau: Quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ ứng cử, đề cử; việc kiểm phiếu có thể thực hiện bằng máy vi tính với yêu cầu bảo mật cao; và quy định về việc xin ý kiến, rút tên khỏi danh sách bầu cử. Hướng dẫn cũng quy định rõ số dư tối đa trong danh sách bầu cử không vượt quá 30% và yêu cầu lấy ý kiến tại đại hội đối với người ứng cử, đề cử. Các quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong bầu cử trong Đảng.

Hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 31/12/2024.

Xem toàn văn: Hướng dẫn số 04-HD/TW   

BẢN QUẢN LÝ VÀ ĐIỀU HÀNH CỦA ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI:

1. Quyết định số 36/QĐ-ĐHQGHN ngày 6/01/2025 về việc ban hành Quy định về Tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý dự án.

2. Quyết định số 75/QĐ-ĐHQGHN ngày 8/01/2025 ban hành về việc sắp xếp, tổ chức lại Văn phòng, các ban chức năng và Khối Văn phòng Đảng - đoàn thể của ĐHQGHN.

3.  Quyết định số 79/QĐ-ĐHQGHN ngày 8/01/2025 về việc ban hành Ban hành Quy định về chức năng và nhiệm vụ của Văn phòng, các ban chức năng của ĐHQGHN./.


Phòng Thanh tra và Pháp chế, Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

FullName Email
Address Security code LRSDGY
Content