New Trang tin
 Search

Mô hình kinh doanh của CLB Bóng đá Paris Saint-Germain (PSG): Bài học cho phát triển thể thao Việt Nam

Ngày 8/12/2022, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển phối hợp với Viện Quản trị Kinh doanh trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức tọa đàm về mô hình kinh doanh của CLB Bóng đá Paris Saint-Germain (PSG) với bài diễn thuyết của TS. Florian Lefebvre đến từ Đại học Paris Saclay. Tham gia tọa đàm có lãnh đạo Trung tâm, Viện và các sinh viên tài năng thể thao.


Câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain (PSG) là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có trụ sở tại Paris (Pháp), tiền thân là câu lạc bộ đa thể thao Stade Saint-Germain. PSG chính thức được thành lập năm 1970. Thông qua công ty con là Qatar Sports Investments (QSi), Qatar Investment Authority (QIA) - quỹ đầu tư thuộc nhà nước Qatar đã mua lại và phát triển câu lạc bộ PSG trở thành thế lực tại bóng đá Pháp và châu Âu.

Kể từ khi được QSI đầu tư vào năm 2011, PSG từ một câu lạc bộ với hàng loạt vấn đề đã trở thành một thế lực thống trị giải quốc nội của bóng đá Pháp. Trong mùa giải 2018//2019, PSG là câu lạc bộ có doanh thu lớn thứ 5 thế giới với 636 triệu Euro theo thống kê của Deloitte và là câu lạc bộ có giá trị thứ 11, đạt 1,09 tỷ USD theo thống kê của Forbes.

Để đạt được những thành tích nêu trên, phải kể tới mức độ chịu chi của những ông chủ người Qatar. Chỉ một thời gian ngắn sau khi sở hữu câu lạc bộ, họ đã đưa về các danh thủ hàng đầu thế giới như Thiago Silva, Zlatan Ibrahimović, Edison Cavani... Với tham vọng chinh phục giải đấu hàng đầu châu Âu là Champions League, trong những năm tiếp theo, PSG tiếp tục được chi tiền để sở hữu những tài năng thể thao.Trong đó, đáng chú ý là thương vụ mua Neymar từ Barcelona trị giá tới 222 triệu Euro - mức phí chuyển nhượng cao nhất thế giới cho tới nay và Kylian Mbappe - với mức phí chuyển nhượng không được tiết lộ, nhưng ước tính vào khoảng 180 triệu Euro. Hai thương vụ khổng lồ này đã giúp câu lạc bộ tiếp tục thống trị bóng đá Pháp và đạt được những thành công tại đấu trường châu Âu trong mùa giải năm nay. 

Mục tiêu của PSG là trở thành đội bóng có thương hiệu toàn cầu. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những nhà đầu tư trước đó, khi mà việc phụ thuộc vào dòng tiền từ dầu mỏ chưa hẳn là chắc chắn trong dài hạn, PSG đã lên một kế hoạch dài hơi để không bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài chính bên ngoài và dần chuyển hướng vào đầu tư trong một thị trường mới. Giám đốc điều hành của PSG là ông Jean Clause Blanc, tốt nghiệp Đại học Harvard, từng làm việc cho Thế vận hội Olympic, giải đua Tour de France và đội bóng đá Juventus. Các nhà đầu tư đã quyết định chọn Paris – đất nước thu hút lượng khách du lịch thuộc loại bậc nhất thế giới để dễ dàng hơn trong việc đưa đội bóng trở thành đội bóng mạnh xứng tầm với sự nổi tiếng của thủ đô này.

PSG liên tục chiêu mộ những ngôi sao bóng đá hay nhất thế giới sau mỗi mùa giải. Vậy nên, cầu thủ là đại sứ thương hiệu số 1 của PSG.

Ngoài việc tập trung vào phát triển đội bóng như các đội thể thao khác, PSG còn kinh doanh trang thiết bị thể thao và doanh thu lớn nhất cũng chính là nhờ hoạt động thương mại này.

Giá trị của nền tảng số là một phần chính trong các hợp đồng tài trợ của PSG. Việc kiếm tiền từ nội dung trên các nền tảng số là một phần quan trọng trong việc gia tăng và đa dạng hóa doanh thu của PSG. Để làm được điều đó, PSG tiếp cận người hâm mộ quốc tế bằng cách bản địa hóa chiến lược kỹ thuật số tại châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Âu, bao gồm 8 ngôn ngữ và hơn 30 nền tảng truy cập.

Sau vài năm, PSG trở thành thương hiệu thời trang thu hút các nghệ sĩ và những ngôi sao nổi tiếng khắp thế giới. Những thương hiệu nổi tiếng như Jordan hay Dior hiện là đối tác của PSG.

Về nhận diện thương hiệu, ngoài tên của đội bóng thì nổi bật là chữ “Paris” – thủ đô của Pháp và tháp Eiffel – biểu tượng của nước này, bên cạnh đó là biểu tượng Fleur de Lys - bông hoa được cách điệu và là hình ảnh gắn liền với các vị quân chủ Pháp.

Về sân vận động: Sân vận động Công viên các Hoàng tử (Parc des Princes) có sức chứa lên đến 47.929 chỗ ngồi. Mỗi khi PSG chiêu mộ được thêm các ngôi sao bóng đá thì trên khán đài hàng ghế VIP lại xuất hiện thêm những ngôi sao trong giới khác – các nghệ sĩ.

PSG đã gây được tiếng vang nhờ sự hợp tác sáng tạo với các nhà thiết kế thời trang, các biểu tượng của thế giới âm nhạc, các nhà thiết kế tiên phong và hơn thế nữa để đưa PSG đến gần với những khán giả mới và đa dạng.Sự hợp tác độc quyền với Michael Jordan – một phần của mối quan hệ đối tác lâu dài với Nike đã tạo nên sự đột phá trong hoạt động kinh doanh của PSG. 

PSG đã mở rộng khắp các châu lục, phát triển mạng lưới phân phối với các cửa hàng ở Bắc Mỹ (Los Angeles, New York), châu Á (Tokyo, Seoul...) và Trung Đông (Doha), bổ sung thêm ở các cửa hàng Paris và khu vực lân cận.

Trang phục của PSG xuất hiện trong các MV của những ngôi sao âm nhạc và các show diễn thời trang tại Paris. 

PSG còn tham gia thị trường esports. Nhắm mục tiêu đến châu Á, PSG đã công bố đội eSports của mình với mục tiêu chiếm lĩnh các thị trường rộng lớn ở lục địa này và thu hút người hâm mộ ở đó khi họ muốn cạnh tranh với các đội bóng tại Giải Ngoại hạng Anh và La Liga về lượng người hâm mộ theo dõi.

Từ cuộc thảo luận của TS. Florian Lefebvre tại tọa đàm, các bài học cho phát triển thể thao của Việt Nam gồm:

Một là, ngoài ngân sách của Nhà nước, ngành thể thao Việt Nam nên được tài trợ và đầu tư bởi các doanh nghiệp trong và ngoài nước bằng những dòng tiền ổn định. 

Hai là, các bộ môn, các câu lạc bộ cũng có thể áp dụng kinh doanh các sản phẩm như trang thiết bị liên quan đến bộ môn của mình để tăng nguồn thu.

Ba là, có một chuyên gia hay giám đốc điều hành có tầm là một yếu tố quan trọng để đưa một đội nhóm hay cả nền thể thao đi lên.

Bốn là, chiêu mộ nhân tài về câu lạc bộ không chỉ củng cố chất lượng mà còn nâng cao hình ảnh của đội bóng.

Năm là, chuyển đổi số trong thể thao Việt Nam là một điều cần thiết khi mà các nền tảng Internet đang hỗ trợ cho các đội thể thao hàng đầu thế giới rất nhiều về mặt hình ảnh và thương hiệu.

Sáu là, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và sửa chữa sân vận động, nhà tập để luôn có những sân vận động chất lượng, không gian và hình ảnh đẹp.

Bảy là, thể thao cũng là một kênh giải trí, các vận động viên cũng có thể có những dự án phối hợp với các ngôi sao điện ảnh, nghệ sĩ trong nước để thu hút các đối tượng khán giả khác nhau.

Tám là, ngành thể thao Việt Nam nên đầu tư vào truyền thông, nền tảng kỹ thuật số để đưa những môn thể thao yếu thế về mặt hình ảnh đến gần hơn với khán giả.       


Trường Đại học Kinh tế

FullName Email
Address Security code VZFDZM
Content