Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 Search

Seminar: Kinh tế và chính trị Hàn Quốc đương đại

Seminar khoa học cấp khoa chủ đề: Kinh tế và chính trị Hàn Quốc đương đại
Ngày 06/06/2017, Khoa Kinh tế chính trị, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức seminar khoa học cấp khoa với chủ đề “Kinh tế và chính trị Hàn Quốc đương đại” cùng sự có mặt của GS. Jung Woo-Jin đến từ Đại học Kyunghee, Hàn Quốc. Tham gia buổi hội thảo có mặt đông đủ giảng viên trong khoa Kinh tế chính trị.

Mở đầu hội thảo, GS Jung đã giới thiệu khái quát về bối cảnh lịch sử của Hàn Quốc sau đó phân tích chi tiết quá trình phát triển kinh tế của Hàn Quốc từ sau năm 1955. Hàn Quốc đã thực hiện chiến lược công nghiệp hóa với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm, với các mục tiêu và nhiệm vụ rất cụ thể. Tổng thống Pak Chung Hee đã đề xướng những chính sách lớn về phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển dịch từ công nghiệp nhẹ ( dệt may, da giầy,..) sang các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo và tạo mọi nguồn lực và chính sách thúc đẩy xuất khẩu. Trong các nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, Hàn Quốc đã chuyển đổi sang các ngành công nghiệp chế tạo ô tô, điện tử, thông tin và ngày nay là quốc gia xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại, ô tô, máy móc, đóng tàu, sản phẩm hóa dầu, dược phẩm, thiết bị y tế, sản phẩm nhựa cao cấp,..

      Thành công trong chiến lược công nghiệp hóa của Hàn Quốc đi cùng với quá trình dân chủ hóa chính trị và ngày nay Hàn Quốc là nước công nghiệp tiên tiến với thể chế dân chủ và vai trò quan trọng của xã hội dân sự. Hàn Quốc đã đặt ra nhiệm vụ chiến lược với việc ưu tiên phát triển các sản phẩm chiến lược trong thế kỷ 21. Trải qua những biến động chính trị to lớn gần đây và với tổng thống mới đắc cử, Hàn Quốc phải đồng thời giải quyết những nhiệm vụ chính trị, quan hệ quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, quan hệ với Bắc Triều tiên và với đồng minh Hoa Kỳ luôn tạo ra những thách thức và cơ hội, với các mục tiêu chính trị, kinh tế luôn không thống nhất với nhau đặt cho chính phủ Hàn Quốc những thách thức to lớn.

      GS Jung đã gợi ý những bài học quý báu cho Việt Nam trong bối cảnh nước ta còn là một nước có thu nhập trung bình thấp. Việc xây dựng một chính phủ liêm chính, chính phủ mạnh và thực hiện hiệu quả các chính sách đúng đắn cần được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, tận dụng những thuận lơi do xu hướng đầu tư quốc tế, hấp thụ và chuyển giao công nghệ tiên tiến, tiến tới làm chủ công nghệ là việc làm vô cùng quan trọng cho Việt Nam. Sau cùng, việc phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng một xã hội dân sự, dân chủ và văn minh sẽ góp phần to lớn cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng một đất nước công nghiệp tiên tiến, văn minh và thịnh vượng.

 

Các giảng viên tham gia thảo luận các vấn đề của hội thảo

      Tại buổi seminar, các giảng viên đã đặt các câu hỏi về bài học kinh nghiệm và thảo luận các điều kiện áp dụng những bài học thành công của Hàn Quốc cho Việt Nam. PGS.TS Phạm Văn Dũng đã kết luận buổi hội thảo với những đánh giá tích cực về nội dung và ý nghĩa của buổi seminar. PGS.TS Phạm Văn Dũng cảm ơn GS Jung đã có buổi tọa đàm rất thú vị và hữu ích và hy vọng GS tiếp tục hợp tác và đóng góp hữu ích cho Khoa Kinh tế chính trị trong thời gian tới.


Khoa KTCT

FullName Email
Address Security code JFADEO
Content