Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 Search

Bộ môn Quản lý kinh tế, Khoa Kinh tế Chính trị tổ chức seminar khoa học cấp khoa với chủ đề “Cải cách khu vực công trong bối cảnh toàn cầu hoá”


Ngày 01/12/2016, bộ môn Quản lý kinh tế, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức seminar khoa học cấp khoa với chủ đề “Cải cách khu vực công trong bối cảnh toàn cầu hoá”.

Chủ trì seminar là PGS.TS. Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm khoa, với sự tham dự của toàn bộ giảng viên trong khoa và một số NCS. Phát biểu mở đầu, PGS.TS. Phạm Văn Dũng đã nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của buổi seminar là chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học giảng viên trong khoa về chuyên ngành Quản lý kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và gợi mở các hướng nghiên cứu tiếp theo.

Tại buổi seminar, PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp, chủ nhiệm bộ môn Quản lý kinh tế đã trình bày báo cáo về “Ảnh hưởng của một số lý thuyết kinh tế tới trào lưu cải cách khu vực công”. Báo cáo đề cập đến bối cảnh thay đổi của thế giới đương đại và sự cần thiết khách quan của cải cách khu vực công, đề cập đến một số chiến lược cải cách khu vực công ở các nước trên thế giới và đặc biệt đi sâu phân tích ảnh hưởng của một số lý thuyết kinh tế như lý thuyết lựa chọn công, lý thuyết thân chủ - đại diện, lý thuyết chi phí giao dịch đến chiến lược cải cách khu vực công ở các nước phát triển. Trên cơ sở đó, một số hàm ý và khả năng vận dụng đã được gợi mở cho Việt nam.

Tiếp đó, một tình huống nghiên cứu cụ thể về cải cách cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam được đưa ra phân tích trong báo cáo nghiên cứu của TS Đỗ Anh Đức, giảng viên bộ môn Quản lý kinh tế với tiêu đề “Xã hội hóa dịch vụ công ở Việt Nam - Thực trạng và định hướng”. Nghiên cứu khẳng định xã hội hóa dịch vụ công là một xu thế tất yếu trong xu thế phát triển của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, đồng thời đây cũng là nội dung quan trọng của quản lý công mới. Theo hướng này, Nhà nước không ôm đồm, tự mình cung ứng tất cả các loại dịch vụ công mà đẩy mạnh dân chủ hoá gắn với phân quyền, xã hội hóa. Vai trò của nhà nước được nhấn mạnh ở sự điều hành, giám sát và quản lí các chủ thể khác nhau của xã hội trong cung ứng dịch vụ công nhằm phục vụ tốt hơn các nhu cầu chính đáng của nhân dân. Báo cáo cũng phân tích thực trạng về xã hội hóa dịch vụ công ở Việt Nam thời gian qua, từ quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công đến những kết quả đạt được và những hạn chế trong việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ công ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, nghiên cứu đề xuất những định hướng để giải quyết những tồn tại nêu trên.

Sau phần trình bày của PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp và TS Đỗ Anh Đức, những người tham dự đã thảo luận về các mô hình cải cách khu vực công, về những vấn đề đang đặt ra của xã hội hóa dịch vụ công ở Việt Nam hiện nay như: chất lượng dịch vụ, cơ chế quản lý của nhà nước, nhận thức của xã hội về xã hội hóa cung ứng dịch vụ công... Các ý kiến trao đổi đã góp phần làm rõ hơn cơ sở lý thuyết và bức tranh tổng thể về cải cách cung ứng dịch vụ công ở Việt Nam, giúp các tác giả hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu, đồng thời gợi mở một số hướng cho những nghiên cứu tiếp theo về chủ đề này.

Seminar khoa học cấp khoa là một hoạt động thường xuyên của khoa Kinh tế chính trị, là diễn đàn để giảng viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của khoa trình bày và thảo luận kết qủa nghiên cứu. Hoạt động thiết thực này sẽ tiếp tục được duy trì để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Khoa trong thời gian tới.


Anh Đức

FullName Email
Address Security code NLVIUJ
Content