Khoa Kinh tế Chính trị (Mới)
 Search

Xanh hoá sa mạc cát: Bước đột phá mới trong công tác hoàn trả môi trường sau khai khoáng tại tỉnh Hà Tĩnh

Nằm trong chương trình học môn “Quản lý tài nguyên và môi trường” do PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp giảng dạy, ngày 12/11/2016, lớp cao học QH-2015-E QLKT 4 – chuyên ngành Quản lý kinh tế - Trường Đại học Kinh tế Đại học Quốc gia Hà Nội - cùng giảng viên PGS.TS. Phạm Thị Hồng Điệp đã có buổi đi tham quan thực tế tại Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao cho vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh” tại xã Thạch Văn – huyện Thạch Hà và dự án “Khu du lịch sinh thái Đồng Nôi” thuộc xã Cẩm Dương – huyện Cẩm Xuyên – là hai dự án thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại nằm trong chuỗi các hoạt động cải tạo, hoàn trả môi trường sinh thái sau khai thác khoáng sản cũng như “xanh hóa” hàng trăm héc ta đất cát sa mạc ven biển, từ vùng đất cát bạc màu thành những thửa đất màu mỡ, có tiềm lực kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 13km là dự án “Xây dựng mô hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao cho vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh” tại xã Thạch Văn – huyện Thạch Hà. Tại đây, giảng viên và toàn bộ học viên lớp học đã được ông Nguyễn Xuân Hỷ - phó trưởng ban dự án - trực tiếp dẫn đoàn đi tham quan cánh đồng rau xanh mướt, mà trước đây vốn là sa mạc cát bị hoang hóa ven biển. Ông Hỷ cho biết, ngay khi những luống rau đầu tiên được gieo xuống, không chỉ người dân nơi đây mà những nhà kinh tế, nhà nông lâm đều cho rằng trông rau trên cát là điều hoang tưởng, hoàn trả lại mặt bằng sau khai thác trên vùng cát chỉ có thể trồng keo tràm hoặc phi lao, vậy mà giờ đây, những luống rau xanh non, mơn mởn đang phủ xanh vùng cát trắng: các loại cải, củ cải, măng tây, bí, mướp, mướp đắng, bí đỏ, táo, ổi, thanh long…. Ông Hỷ còn giới thiệu toàn bộ vùng rau đều được sử dụng phương pháp trồng và tưới theo công nghệ Israel với hệ thống tưới phun tự động, phun mưa, phun sương và tưới nhỏ giọt. Phân bón được sử dụng là loại phân vi sinh, được thu gom từ hệ thống các dự án nuôi lợn siêu nạc công nghệ cao, ủ men vi sinh, kết hợp với rơm, bèo, xác thực vật… để đảm bảo chất lượng của rau củ quả. Dự án khởi đầu với diện tích 12ha trồng thử nghiệm cùng 32 loại rau củ quả các loại như măng tây, hành lá, cà rốt, khoai lang, củ cải trắng, cải bẹ, dưa chuột, cải thảo, cà chua, ớt Đà Lạt, bí ngòi..., hiện nay đã mở rộng ra hơn 100ha. Nhìn cánh đồng rau củ quả tươi tốt, không ai nghĩ rằng trước đây là những triền cát mênh mông, bạc màu mà Mitraco đã khai thác titan, khó loại cây nào sống sót. Mô hình không chỉ được áp dụng tại khu vực dự án, mà được mở rộng ra cho bà con người dân các xã liền kề dưới hình thức liên kết với nhiều hợp tác xã và hộ gia đình, đến nay đã có ba hợp tác xã và bốn tổ hợp với gần 100 thành viên tham gia làm ăn. Riêng với các hợp tác xã và tổ hợp, hiệu quả kinh tế mang lại là rất cao. Thu nhập từ cánh đồng rau củ quả mang lại từ 150 - 170 triệu đồng/vụ/ha, mỗi năm canh tác được ba vụ, cải thiện đời sống cho người dân.

 

Tiếp theo chương trình, đoàn đã đến tham quan khu du lịch sinh thái Đồng Nôi thuộc xã Cẩm Dương huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh - thuộc công ty Thiên Cầm Xanh – một đơn vị của Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh.

Từ năm 1997 đến năm 2013, Mitraco đã khai thác được hơn 1.935ha với tổng trữ lượng khoáng vật nặng đã khai thác là 1 triệu tấn tại khu vực xã Cẩm Hòa và xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên. Như vậy, việc hoàn trả lại mặt bằng và môi trường cho khu vực hai xã ven biển nằm trong vùng quy hoạch du lịch quốc gia Thiên Cầm là một niềm trăn trở lớn đối với Ban lãnh đạo Tổng công ty (theo Quy hoạch, khu du lịch quốc gia Thiên Cầm thuộc một phần thị trấn Thiên Cầm, xã Cẩm Dương, Cẩm Lĩnh và toàn bộ diện tích đất tự nhiên xã Cẩm Nhượng của huyện Cẩm Xuyên với quy mô khoảng 1.557 ha). Đồng Nôi – một vùng cát vốn đã bị hoang hóa, sau khi khai thác tận thu nguồn khoáng sản cạn kiệt, tốc độ hoàng mạc hóa ngày càng nhanh hơn, bên cạnh đó, việc dôi dư hàng trăm lao động sau kết thúc khai thác là một bài toán khó trong việc hoàn trả môi trường và giải quyết lao động dôi dư.

 

Tại buổi tham quan, đoàn đã được Ban lãnh đạo Công ty Thiên Cầm Xanh đón tiếp chu đáo và đoàn đã được nghe giới thiệu về hoạt động khai thác khoáng sản, công tác giải phóng mặt bằng cũng như việc môi trường bị ảnh hưởng như thế nào từ hoạt động khai thác khoáng sản: nguồn nước, không khí, cuộc sống của người dân… cùng công tác đánh giá tác động môi trường mà mỗi 6 tháng Tổng công ty phải thực hiện đối với mỗi khu vực khai thác. Ông Nguyễn Mậu Trình – Giám đốc công ty Thiên Cầm Xanh - cho biết: “Sau khi gặt hái được một số thành công nhất định tại dự án Rau củ quả công nghệ cao, Ban lãnh đạo Tổng công ty đã đưa ra ý tưởng cải tạo vùng đất cát thành khu du lịch sinh thái trải nghiệm đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Hà Tĩnh, để giới thiệu đến du khách những sản phẩm nông nghiệp của Mitraco nói riêng và của Hà Tĩnh nói chung”. Tại thời điểm đoàn xuống tham quan tại khu du lịch, mặc dù vừa mới trải qua đợt lũ lụt rất lớn, nhưng quang cảnh chung vẫn thu hút chúng tôi rất nhiều: Những thảm hoa trải dài từ ngoài cổng, những suối hoa trong khuôn viên, những vườn rau xanh mơn mởn… Ông cũng trải lòng rằng: Sau hàng chục năm khai thác, không chỉ ông mà Ban lãnh đạo Tổng Công ty cảm thấy hạnh phúc khi được trả nợ vùng cát bằng màu xanh của cây trái, bằng những thảm hoa rực rỡ cũng như sự hân hoan và sự ngỡ ngàng của hàng trăm đoàn khách du lịch khi đến nơi đây.

 

Đặc biệt là tại khu du lịch, hệ thống cụm máy móc vít tuyển quặng Titan vẫn được giữ nguyên, như hiện thân cho một thời của cuộc cách mạng xóa đói giảm nghèo, của một nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Hà Tĩnh…, qua đó, đoàn tham quan đã được giới thiệu rõ nét hơn về quy trình khai thác khoáng sản trước đây.

 

Cuối buổi tham quan, học viên và giảng viên đã có một buổi liên hoan thân mật ngay trên vùng đất Đồng Nôi với toàn bộ thực phẩm do khu du lịch sinh thái Đồng Nôi nuôi trồng. Buổi liên hoan không chỉ là những trao đổi của học viên về công tác quản lý môi trường, cải tạo môi trường trong và sau khai thác khoáng sản, mà là những kiến thức được đúc kết từ trong chương trình học gắn với thực tiễn.

Để xanh hóa các sa mạc cát, không chỉ là nỗ lực của đơn vị thực hiện, mà cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như niềm tin và sự chung tay của toàn công đồng dân cư. Hy vọng đây là mô hình để các đơn vị khai thác tài nguyên có thể nghiên cứu, học tập, làm thế nào để nguồn tài nguyên không tái tạo được quản lý và sử dụng có hiệu quả, duy trì và phục hồi môi trường sinh thái, vì một Việt Nam giàu mạnh, văn minh cho hôm nay và cho mai sau.



Phạm Thị Ngọc Hoa QH-2015-E CH - QLKT 4

FullName Email
Address Security code GOZCJM
Content